Trịnh Cẩm Nhi là họa sĩ trẻ, cô tốt nghiệp chuyên ngành hội họa tại Accademia di Belle Arti di Roma, Italy (Học viện Nghệ thuật Roma, Ý). Trở về Việt Nam, các tác phẩm của Nhi như một luồng gió hoang sơ nhưng mang sắc thái lạ và tươi mới. Những người đàn ông, những người đàn bà nude, Adam, Eva, những bông hoa mang đầy tính dục căng tràn, mơn mởn trong một không gian trừu tượng đầy ẩn ý. Tranh của Nhi đẫm những suy tư triết học về bản thể của mình với những mối quan hệ xã hội và sâu sắc hơn, tận cùng hơn, đó là sự đối diện với chính mình.
Họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi. |
- Việc trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, có bao giờ là khát vọng của Nhi hay không, hay việc đó như một con đường diễn ra rất thuận tự nhiên?
Đối với tôi, việc vẽ đã luôn là một việc rất tự nhiên. Có lẽ vì thích vẽ thế nên những mối quan tâm của tôi đều hướng về hội họa. Khát vọng của tôi không phải là trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp mà chỉ đơn giản là nuôi dưỡng được một thế giới riêng song song với đời sống thường nhật mà thôi.
- Ai cũng nghĩ Nhi giỏi vẽ là một điều… “tất nhiên”, Nhi nghĩ sao?
Tôi không nghĩ nhiều về điều này lắm. Có thể những suy nghĩ ấy ám chỉ việc mọi thứ đến với tôi dễ dàng hơn chăng? Tôi không nghĩ nhiều về điều này vì nó làm giảm sự quan trọng của những nỗ lực. Môi trường gia đình là một phần quan trọng nuôi dưỡng những mối quan tâm của tôi đối với nghệ thuật.
Tác phẩm theo chủ đề "Vườn địa đàng" của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi. |
Những “áp lực” sinh ra từ kỳ vọng của gia đình là không thể tránh khỏi, tuy nhiên đối với tôi, điều đó lại là động lực nhiều hơn là áp lực. Tôi thực sự thấy may mắn vì gia đình đã luôn tin tưởng và ủng hộ tôi trong suốt chặng đường này. Bố chính là người cho tôi nhiều nhận xét quý giá trong việc sáng tác. Tôi được học rất nhiều từ cách dùng màu tinh tế của bố, quan trọng hơn cả bố là người truyền tình yêu hội họa cho một đứa nhỏ là tôi từ rất sớm.
- Rất nhiều người trẻ có những tác phẩm phản ánh hiện thực, những hiện thực cuộc sống có bao giờ tác động mạnh vào tâm trí và tác phẩm của Nhi hay không?
Vẽ là cách tôi cá nhân hóa hiện thực chứ không phải để thoát ly khỏi hiện thực. Những trải nghiệm trong cuộc sống không chỉ là những sự việc và hình ảnh mà còn là âm thanh, chuyển động, mùi vị, cảm giác, cảm xúc... Tôi luôn muốn đưa vào tranh những trải nghiệm cá nhân từ hiện thực hơn là hiện thực như nó hiện hữu trước mắt.
- Quay trở lại việc Nhi đi du học ở Ý, liệu đây có phải là một biến đổi lớn với cuộc đời mình và khi trở về Việt Nam, Nhi có bị cảm giác “lạc lõng” hay không?
Tôi sang Ý năm 18 tuổi. Việc nhận được học bổng khá khó khăn, chủ yếu vì những rào cản về ngôn ngữ. Tuy nhiên, mọi thứ đều thật là mới mẻ và sự tò mò khi đến một vùng đất mới là nhiên liệu để tôi tiếp tục sống và học. Điều khác biệt lớn nhất có lẽ vì đó là nước Ý, ngoài việc học ở trường ra thì sinh viên được xem tận mắt những di sản nghệ thuật của thế giới. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, tôi nghĩ mình đã khá may mắn khi được sang đây học, như vậy là đã được rất nhiều thứ rồi.
Họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi trong bảo tàng của danh hoạ Giorgio de Chirico tại Roma. |
Khi đi thăm các bảo tàng mỹ thuật bên này, thú thực, là tràn ngập cảm giác choáng ngợp. 5 năm ở Ý là 5 năm hạnh phúc mà tôi may mắn được học tập và sống ở nước Ý, nơi mà thời gian như ngưng đọng lại trong những di sản văn hóa khổng lồ. Đó cũng là năm tháng của sự trưởng thành, của “chưa biết” và “sẽ biết”, của nhận ra và lãng quên chính mình.
Sau này, khi trở về Việt Nam, dường như mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, Hà Nội vừa lạ, nhưng cũng vừa quen. Hà Nội vẫn là thành phố nơi tôi sinh ra, vẫn là nhà, nên cảm giác hơi lạ nhanh chóng qua đi. Ở đây có nhiều thứ thân thuộc nên dù sao cũng làm cho mình an tâm hơn.
- Vì sao Nhi luôn chọn chủ đề hoa, vườn địa đàng và những người đàn bà nude?
Có một chủ đề xuyên suốt từ khi tôi bắt đầu sáng tác đó là hoa, nhưng tôi không vẽ hoa để miêu tả hoa, mà tôi muốn sử dụng nhịp điệu uyển chuyển của hình và màu của hoa để gợi mở những trạng thái tâm lý con người. Tôi cũng rất thích nghiên cứu về tôn giáo, các biểu tượng nghệ thuật trong tôn giáo. Chính vì vậy, tôi đã chọn chủ đề vườn địa đàng cho đợt triển lãm đầu tiên của mình. Đây là thành quả của những năm cuối đại học khi tôi làm luận văn tốt nghiệp.
Bức tranh theo chủ đề "Vườn địa đàng" của Nhi. |
Khoảng thời gian đó tôi tìm hiểu về các biểu tượng trong tôn giáo và nghệ thuật. “Vườn địa đàng” trong sách Sáng thế không chỉ đơn thuần là nơi Thượng đế tạo ra người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, đó còn là khu vườn của những điều “chưa biết” và “sẽ biết”, của thơ ngây và đổ vỡ thơ ngây; nơi mà con người chưa ý thức về bản ngã người của mình, vẫn còn sống trong một thực tại hoàn toàn khác.
Đối với tôi, khu vườn ấy (dĩ nhiên) không phải một nơi chốn trong không gian- thời gian mà là một trạng thái tinh thần không dễ đạt được, một “khu vườn” tinh khôi nằm khuất đâu đó trong mỗi chúng ta, chỉ có thể bước vào được khi ta đã quên đi chính mình.
Tôi không phải là người đã giác ngộ, nhưng khi thực hành nghệ thuật tôi cảm thấy mình đã luôn luôn tiến gần vào vườn địa đàng một cách rất tự nhiên.
- Nhi có thể chia sẻ đôi chút về những thủ pháp thể hiện tư duy triết học trong tranh của mình với độc giả?
Có lẽ những tác phẩm cũng luôn phản ánh suy ngẫm của mình như thế nào, thậm chí, khi đứng trước những việc riêng tư phải quyết định, phần nào chúng cũng có sự ảnh hưởng trong khi vẽ. Khi tôi vẽ bức “4 suy tưởng về sự trốn chạy”, đây là một tác phẩm ghép từ 4 tranh vuông khổ 50x50 cm vẽ rải rác trong năm 2019 đến 2020, chúng được tạo nên từ một mạch suy tưởng bắt đầu từ việc suy nghĩ về bản thể, về những giới hạn sinh học, về tự do và kết thúc là sự trốn chạy.
Tác phẩm "Bốn suy tưởng về sự trốn chạy" của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi. |
Bức một có những hình hoa nằm trong 4 ô vuông đại diện cho bản thể bị đóng khung trong cơ thể - tâm hồn bị đóng khung trong cơ thể sinh học – nhị nguyên. Mô tả một trạng thái căng thẳng, mà theo tôi, là rất cơ bản của tồn tại, một sức căng sinh ra từ ý thức về bản ngã, ý thức về những giới hạn. Bức hai, mô tả người phụ nữ chui vào trong bông hoa, một cuộc chạy trốn khỏi thực tại, chạy vào chính mình. Bức ba chính là những suy tưởng lặng im giữa nhị nguyên, giữa hai lựa chọn ánh sáng và bóng tối. Không gian trong tranh này là không gian bên trong bông hoa từ bức hai, một không gian siêu thực, cũng là không gian biểu tượng của một trạng thái tinh thần có phần lơ đãng, khi nhân vật để dòng suy nghĩ chảy tràn tự do không kiểm soát, không kết luận, không chọn lựa, không phán xét. Bức cuối như những suy tưởng về sự trốn chạy, một kẽ hở của thực tại để đi vào một thế giới khác… Những ô vuông lặp lại như sự lựa chọn cuộc chạy trốn tiếp tục sâu mãi mãi…
- Người trẻ thường hay trăn trở, thậm chí đôi khi là cảm giác cô đơn, cô độc, hoặc bế tắc không, có bao giờ Nhi ở trong trạng thái này không?
Tôi vẫn luôn được dạy là công việc mà mình đang làm đòi hỏi một guồng làm việc đều đặn. Nhiều khi tôi bị rơi ra khỏi cái guồng đấy, dẫn đến nhiều hoài nghi. Mình có đủ tài năng không? Công việc của mình có ý nghĩa không? Mình có được hiểu không? Nhưng dần dần tôi nhận ra quá trình sáng tạo không đóng khung trong khoảng thời gian mình vẽ một bức tranh, mà nó liên tục ở trong mọi trải nghiệm của mình với đời sống. Khi nghĩ như vậy, tôi cảm thấy tự do hơn trong công việc của mình.
- Nhi có hay đọc sách không, cuốn sách gần nhất Nhi đọc là cuốn gì?
Tôi thích đọc sách nhưng tự thấy mình vẫn chưa đọc nhiều. Tôi thích đọc nhiều về tôn giáo và triết học, thích các khái niệm trừu tượng. Cuốn gần đây nhất tôi đọc và rất thích là The Cloven Viscount của nhà văn Italo Calvino.
- Còn các danh họa, họa sĩ nào Nhi ưa thích?
Để kể ra thì rất nhiều, có lẽ ấn tượng nhất là các tác phẩm của Hilma af Klint, nữ danh họa người Thụy Điển, một trong những người đầu tiên vẽ trừu tượng. Những bức tranh của bà đôi khi giống như sơ đồ, là sự thể hiện trực quan của những ý tưởng tâm linh phức tạp. Ngoài ra, vì được sống một thời gian ở Ý, được trực tiếp trải nghiệm không khí của Ý nên tôi luôn xúc động trước tranh của họa sĩ Giorgio de Chirico. Tôi nghĩ ông đã ghi lại được thật chính xác cái bí ẩn và tĩnh lặng của vùng đất này. Đó cũng là tinh thần tôi muốn hướng đến trong hội họa: một hiện thực hiển nhiên nhưng vô cùng bí ẩn.
- Xin chân thành cảm ơn Nhi!
Ngắm những bức tranh trong triển lãm “Vườn địa đàng” của Trịnh Cẩm Nhi, tới giờ tôi vẫn như cảm thấy dư vị ngọt ngào, như thể những bức tranh của Nhi được tỏa mùi hương. Nhi vẽ, trong một gia đình rất nhiều họa sĩ, Nhi có cái tĩnh tại của Thiền sư họa sĩ, ông nội Trịnh Hữu Ngọc, cái nhẹ nhàng uyển chuyển hình nét của cha, họa sĩ Trịnh Tú... các chị em gái của cha, Trịnh Thị An, Trịnh Thị Nhã đều vẽ hoa rất đẹp. Nhi cũng hầu như vẽ hoa, ít ra trong triển lãm này, nhưng Nhi vẽ rất khác. Nhi không chỉ bản năng, Nhi thông minh với những sắp xếp sắc màu đối lập mà dịu dàng. Nhi tràn đầy nữ tính nhưng dứt khoát biểu hiện. Rõ ràng, những năm học nghệ thuật ở Roma đem lại cho Nhi một bản lĩnh, một sự chuyên nghiệp đáng công nhận.
Với các tác phẩm của mình, Nhi đã tự mình vạch ra một con đường. Mà đôi mắt trong veo và nụ cười dịu dàng sau mỗi bức tranh sẽ quyết định tất cả.
- Nhà báo Hà Phạm -