Xưa, cứ mỗi lần Rằm Trung thu, những người hoài niệm thường nhớ tới chiếc tàu thủy, ca nô làm từ sắt tây, sơn xanh đỏ, nổ máy phành phạch trong chậu nước ở Hàng Mã. Hồi ấy những người làm tàu nổi danh thường xuất xứ từ làng Khương Hạ (xưa thuộc Thanh Trì, Hà Nội), như nhà Ông Ba Trình (cùng các con ông ở 34 Hàng Nón), nhà ông Tư Nhâm ở Khương Hạ...
Bố tôi là con ông Ba Trình, cả nhà sinh sống dựa vào cái cửa hàng bé tí 8m2 vừa là nhà ở, vừa là cửa hàng tại số 34 Hàng Nón. Ông bà, các con, các cháu sống bằng nghề gò hàn, thợ thiếc, gò những thùng ô doa, thùng nước, hòm sắt cho bộ đội đựng đồ, khuôn bánh, khuôn kem...
Cửa hàng số 34 Hàng Nón làm tàu thủy từ những năm sau chiến tranh... làm các đồ từ sắt tây, tôn, thợ thiếc gia truyền, thùng ô doa, thùng gánh nước, khuôn bánh, hòm sắt... Ảnh: Quách Đông Phương |
Trước mỗi rằm, buổi tối, cha tôi ngồi chiêu chén trà mạn rồi nhẩm tính, mùa trung thu này, ta cần bao nhiêu tiền để đi mua sắt tây, mua thiếc, mua than, mua axit, mua sơn ta để làm tàu thủy bán trên hàng Mã. Mẹ tôi thở dài. Nhà đông con, quanh năm thiếu thốn, cả năm có hai mùa làm nghề đủ để tằn tiện sinh sống cả năm. Mà không phải vì tiền, đôi khi nếu chỉ vì mùa trước bán hàng ế ẩm, thì năm nay có lên làm hay không làm, khiến cho con người ta đâm ra đau đầu, suy tính thiệt hơn, đau lòng vì phải làm, kiểu gì cũng phải làm, nhưng lo âu, vì bán hàng làm sao đây, khi bao vất vả mà không thu vốn về được…
Và rồi, chúng tôi biết, kiểu gì cha tôi cũng lao đầu đi “quay” tiền, đi mua các nguyên vật liệu về làm những thứ đồ chơi từ sắt tây có từ thế kỷ 19, đồ gia truyền của cha ông để lại, thứ đồ ngày càng bị ngoảnh mặt làm ngơ vì những thứ đồ chơi hiện đại đã chiếm ưu thế.
Và nhà tôi trở thành xưởng. Sau công đoạn pha chế gồm kẻ, vẽ, cắt sắt tây thành những thân tàu, những chi tiết cần thiết trên chiếc tàu thủy, từ lá cờ, máy bay nhỏ, ra đa, mỏ neo, làm nồi hơi bằng đồng sao cho thật giòn, vê ống thông hơi xả nước từ thân tàu... Hàng chục, tới hàng trăm chi tiết nhỏ, cắt, gò, vê xong, mới tới công đoạn hàn.
Bán tàu thủy ca nô ở chợ Hàng Mã toàn là những người yêu nghề, giữ nghề, chứ xưa, lời lãi chẳng được bao nhiêu... Ảnh: Lê Bích |
Chiếc lò bễ nhóm than, phả hơi nóng giữa những ngày tháng 7 “chết cả cá cờ”, mà tôi tới giờ, nhắm mắt lại cũng có thể phân biệt đâu là mùi của than hoa được nhóm trước, nó đỏ rực lên rồi mới cho than đá vào, cha sẽ bắc cái kiềng tôn lên bao chụm cái góc than ấy, kê hai mỏ hàn cho nóng. Lửa từ quạt con cóc chạy tốc độ vừa kẻo rạc than. Cha sẽ pha axit, chấm cái mỏ hàn đỏ vừa vào bát axit cộng lướt qua thỏi thiếc rồi hàn các mối ghép vào với nhau. Chiếc tàu dần thành hình.
Cha tôi khi ấy độ hơn 40, nhễ nhại mồ hôi, người cởi trần trùng trục, mẹ thường pha một âu nước chanh đá thật to để ông uống cho thỏa cơn khát, điếu cày rít liên tục trong mỗi cử nghỉ ngơi vài phút. Mùi mồ hôi chua, và cả giọt mồ hôi nhỏ lần hồi, trông cha thật “khiếp” nhưng cũng thật đẹp. Tôi cứ lảng vảng bên cạnh xem cha có sai bảo gì không, đồng thời nghịch ngợm mấy thứ của cha làm, khiến cha phải nhắc nhở: “cẩn thận kẻo nhầm của bố”, “lùi ra không mùi than, mùi a xít độc đấy!”, tôi chẳng sợ gì, bịt mũi, nhưng tay vẫn cứ thích nghịch, để rồi chính mình mồ hôi mẹ mồ hôi con thì lúc ấy mới chạy ra chỗ có quạt ngồi…
Sau khi chiếc tàu thủy đã được hàn gắn các chi tiết hoàn chỉnh, tới công đoạn lau sạch rồi sơn. Tôi mê mẩn nhìn các màu sắc từ hộp sơn ta nhỏ, màu vàng, màu xanh, màu nhũ, màu tím, màu nâu, màu cứt ngựa cá vàng, màu lục… Chi tiết nào dùng chổi to, chi tiết nào dùng chổi nhỏ để sơn, lũ trẻ chúng tôi được cha dạy hết. Con nhà nghề, thì phải học làm nghề… Những công đoạn nào dễ, cha để chúng tôi được tự làm đỡ việc cho cha. Bữa cơm, nồi cơm to đùng đoàng, cơm rau dưa mà lúc nào cả nhà cũng đánh bay hết nồi cơm, đúng là lao động chân tay sẽ khiến người ta ăn thật khỏe mà không cần phải thúc giục. Nhà đông con, không ăn nhanh thì không còn gì để gắp.
Bố tôi mất khá trẻ, khi ông mới 58 tuổi... Nhưng có lẽ, cả tuổi thanh xuân của một trai phố cổ của ông, mà lại đam mê làm tàu thủy vẫn làm ký ức của chúng tôi nhớ mãi. Ảnh ông chụp ở hiệu ảnh Quốc tế - Hàng Khay sau khi hoàn thiện các tác phẩm của mình |
Sát ngày rằm cách độ 2,3 ngày, khi ấy trên Hàng Mã đã họp chợ. Nhà tôi ở Hàng Nón, sau chuyển về khu Mai Hương, nên không có cửa hàng ở Hàng Mã, phải tìm các chỗ vỉa hè mà ngồi. Ngồi sớm thì công an đuổi, ngồi muộn thì không có chỗ tốt. Nên khổ nhất là công đoạn tìm cửa hàng. Cha tôi đóng thùng lũ tàu thủy đã mất bao công sức của ông, từ tàu to dài 1, 2 mét tới những chiếc tàu mini bé xíu hơn bàn tay đôi chút. Bao giờ cha tôi cũng lên trước, mẹ và chúng tôi lên sau, giúp ông bán hàng. Có hôm đi tìm ông khắp chợ không thấy đâu. Có lúc, thấy sọt tàu và chiếc xe đạp, còn người thì nằm trên nhánh cây (vì say).
Tôi lúc ấy thi thoảng lại để kệ cho chị gái trông hàng còn mình thì lang thang khắp khu vực Hàng Mã, Chả Cá, Hàng Lược để ngắm những món đồ người ta bày bán.
Chiếc tàu thủy Trung thu, đồ chơi thô sơ, nhưng cũng khá cầu kỳ đòi hỏi tỷ mẩn |
Ngắm cha tôi lúc bán hàng, chỉnh từng chiếc tàu, nắn từng chi tiết, thi thoảng thử tàu chạy cho khách trong chiếc chậu, cảnh ông đổ dầu hỏa, thổi cho ống thông nước, nồi đồng nóng lên, rồi khi chiếc tàu chạy phành phạch, ròn rã quanh chiếc chạy, gương mặt ông đầy tự hào. Ông vui vì làm ra những chiếc tàu đẹp và kỹ, mà ông coi là nhất chợ ấy luôn theo ông, cho dù các người họ hàng anh em thời đỉnh cao có khoảng 5 nhà cùng làm để mang ra Hàng Mã bán, nhưng bao giờ ông cũng cho tàu của mình là đẹp nhất. Đặc biệt, những chiếc tàu to để bán cho khách Tây, còn nếu “ế’, ông bảo sẽ tổ chức thả ra sông Hồng, ra Hồ Gươm chứ không bán rẻ cho ai cả… Nói vậy thôi, chứ Trung Thu nào dính mưa, có lẽ, giá 100 ngàn 1 cái to tướng cũng phải bán chứ đừng nói hét giá 500 nghìn.
Xong kỳ Trung Thu mệt mỏi và đầy lo âu, nhưng cũng khá náo nức, mẹ tôi lúc ấy mới cúng rằm, làm cơm cúng các cụ, sau là xin lộc cho con cháu liên hoan sau mùa Trung Thu.
Tàu thủy, ca nô làm từ sắt tây đi vào ký ức Trung thu lứa tuổi của chúng tôi - Ảnh: Lê Bích |
Những con thỏ đánh trống bằng sắt, món quà Trung thu xưa đầy quý giá và yêu thích, còn lớp trẻ ngày nay thì không thích cho lắm, cũng bởi có quá nhiều đồ chơi để lựa chọn. Ảnh: Lê Bích |
Sau những ế ẩm của chiếc tàu thủy, thỏ, bướm… đất đai ở quê làng Khương Hạ lên ngôi, nhà nhà khá giả vì bán đất, dẫn tới cái chết dần dần của làng nghề và nghề làm tàu thủy sắt tây.
Người, cũng dần thành muôn năm cũ. Cha tôi mất, nhiều người mất, còn lại một người chú họ xa chi trên chi dưới gì đó giờ trở thành nghệ nhân duy nhất mà năm nào cũng thấy ông chú ấy trên báo đài…
Còn tôi, mỗi mùa trung thu, không ngừng nhớ tới không gian, mùi, và những ký ức xưa cũ đầy yêu thương của cha tôi để lại. Trong tôi cũng không có ý niệm gì về cái gọi là nghệ nhân, mà chỉ đơn thuần, hình ảnh người cha yêu nghề, ăn to nói lớn, nhưng lại rất kỹ và tỉ mẫn, công phu trong công việc mà ông ưa thích vẫn vẹn nguyên như những mùa trung thu xưa…