• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lệ Thu, Phạm Duy và giọt nước mắt khóc thân phận mình...

Phạm Duy cũng có một mùa thu như thế, một mùa thu của nước mắt, một mùa thu ông dành riêng cho...

Ai cũng có những mùa thu của cuộc đời mình, là những khoảnh khắc phải đối diện với nỗi buồn, những dự cảm cô đơn cho thân phận, hay những hồi ức về một cuộc tình đã qua mà ta vẫn hoài nhớ.

Phạm Duy cũng có một mùa thu như thế, một mùa thu của nước mắt, một mùa thu ông dành riêng cho giọng ca “vượt thời gian” của Tân nhạc Việt Nam: Lệ Thu.

Mùa thu của Phạm Duy

Phạm Duy sinh vào mùa thu. Cái mùa lãng mạn nhất trong năm, tưởng như cuộc đời ông phải luôn được bay bổng lãng du như cái tên mà ông vẫn muốn được tự đặt cho mình thưở nhỏ: Mộng Vân (*). Nhưng rồi, không rõ là may mắn hay rủi ro, cuộc đời ông không chỉ có phiêu du, mà còn là đủ mọi sắc thái cung bậc, lúc dạt dào tình ái, khi thì bầm dập với khói bụi của đời sống cần lao, và cũng có khi, là những phút cô độc bơ vơ “tự khóc thân phận mình”.

Dù cho có ít được nhắc đến hơn, dù có luôn tự tin kiêu ngạo mà tự ví âm nhạc của mình mãi như mùa xuân rạo rực sau mùa đông tàn: “Tôi sinh ra vào mùa Thu, nhưng tôi yêu mùa Xuân. Quanh năm tôi gọi ‘Xuân ới Xuân ơi’! Xuân không bao giờ bỏ tôi đâu”. Thì mùa thu cũng vẫn là một trong những mảng âm nhạc thành danh của Phạm Duy (tất nhiên, với cái kì tài trong âm nhạc, có vẻ như ở bất cứ dòng nhạc nào mà ông chạm đến, cũng khó mà không gây ấn tượng cho được).

Bản nhạc Thu đầu tiên ông Phạm Duy viết là nhạc kháng chiến với bản Thu chiến trường năm 1946, rồi tiếp sau đó là mùa thu trong Tình ca mùa thu năm 1956, Tiếng Thu, hay Mùa thu Paris năm 1959 phổ thơ Cung Trầm Tưởng, nổi tiếng nhất có Mùa thu Chết năm 1965 với ý thơ của Apollinaire và Nước mắt mùa thu năm 1961.

Ca khúc Nước mắt mùa thu là sáng tác được Phạm Duy viết trong giai đoạn âm nhạc và lời ca của nhạc sỹ có những trăn trở và nhiều dự cảm buồn bã. Không chỉ bởi bối cảnh xung quanh nhiều nhập nhoạng, mà còn thể hiện ở những suy tư về phận người nghệ sỹ cô độc, về những cuộc tình nhiều hoang mang. Và Nước mắt mùa thu không nằm ngoài dòng tâm trạng chung đó.

Ở giai đoạn này (cuối thập kỉ 50, sang thập kỉ 60, 70), vốn là người có cá tính mạnh và những xúc cảm mãnh liệt trong ái tình, Phạm Duy nhanh chóng bỏ qua những giai đoạn âm nhạc lãng mạn (romantique) của thời kì đầu Tân nhạc để tiến tới thể loại nhạc tình cảm tính (sentimentale), để được tự do trong việc thể hiện tình yêu (ít nhất là trong âm nhạc), ông bỏ qua những ước lệ xa xôi mà miêu tả trực diện hơn với cái ái tình chỉ có “anh” và “em” theo xu hướng của phương Tây.

Lệ Thu, Phạm Duy và giọt nước mắt khóc thân phận mình...
Lệ Thu, Phạm Duy và giọt nước mắt khóc thân phận mình...

Với Nước mắt mùa thu, khán giả cũng lần đầu được chứng kiến một mối tình đau đớn đến sầu khổ như vậy trong dòng nhạc tình Phạm Duy, đến mức cả bài có 8 chữ “khóc” lặp đi lặp lại một cách ai oán: “Người xây ngục tối tình yêu lừa dối/ Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh/ Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình... ( “Hoài trinh” ở đây liệu có phải người nhạc sỹ đang hát cho nữ sỹ Minh Đức Hoài Trinh, một người nữ đã đi qua cuộc đời ông hay không?!)

Theo những người bạn văn nghệ thời đó kể lại, ngay khi ca khúc ra đời, Phạm Duy đã có ý định dành tặng cho riêng giọng ca Lệ Thu (Tựa đề ca khúc: Nước mắt mùa thu cũng có nghĩa là Lệ Thu), sau khi nghe bà ca bài Ngậm ngùi, như một lời tri ân đối với một ca sỹ trẻ đã làm “sống lại” bài hát mà ông đã sáng tác trước đó gần 10 năm. Mặc dù sau này nữ ca sỹ có chia sẻ rằng: “Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu.

Nhìn ở một góc độ khác, đó cũng là cái biệt tài của Phạm Duy, một ca khúc viết “đo ni đóng giày” cho một giọng ca (thời đó chưa có nhiều ca khúc được viết riêng cho giọng nữ trung), được hiểu gần như một ca khúc “đặt hàng”, mà ông vẫn sáng tác một cách xuất sắc tự nhiên không hề khiên cưỡng. Và kể từ đó, Lệ Thu cũng trở thành một cái tên thành công nhất trong những nghệ sỹ hát nhạc Phạm Duy với hang loạt các nhạc phẩm thành danh sau này.

Lệ Thu, Phạm Duy và giọt nước mắt khóc thân phận mình...

Cùng với tiếng hát Lệ Thu, Nước mắt mùa thu cũng trở nên nổi tiếng khắp cả nước, và ngày càng nổi tiếng hơn. Trong nhiều thập niên đi hát sau này, nữ ca sỹ Lệ Thu vẫn nói rằng Nước mắt mùa thu là một trong những ca khúc bà được yêu cầu hát lại nhiều nhất ở khắp các vũ trường, cả trong nước và hải ngoại. Có ít nhất 7 lần ca sĩ Lệ Thu đã thu thanh ca khúc này. Riêng trước năm 1975, Nước Mắt Mùa Thu với tiếng hát Lệ Thu đã hiện diện 3 lần trong băng nhạc Trường Hải 4, băng nhạc Jo Marcel được thu âm trực tiếp tại phòng trà, và trong băng nhạc Tiếng Hát Lệ Thu do chính cô thực hiện.

Cho đến thập niên 90, ở cái tuổi mà nhạc sỹ Phạm Duy phải tự thừa nhận là “Tôi đã bước vào mùa Thu của đời mình”, ông có chia sẻ về Nước mắt mùa Thu rằng: “Bài hát nói về tất cả những phận người, trong đó có cả những người ca sĩ không tên không tuổi, một đời phải hát trong buồn tênh…”, nghĩa là vượt ra xa khỏi giới hạn ban đầu, ca khúc mang một tầm khái quát mới, một sức sống mới,  ca khúc viết cho Lệ Thu, nhưng cũng có thể là bất cứ mùa thu buồn trong đời của bất cứ đời nghệ sĩ “buồn tênh” nào.

Lệ Thu - “Giọng ca vàng mười”

Trong một bài báo phỏng vấn danh ca Thái Thanh (em của ca sĩ Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng là người thành công và gắn bó nhất với âm nhạc của Phạm Duy), người bình luận có đưa ra nhận xét: “Giọng ca Thái Thanh là giọng ca không có đối thủ”. Tuy nhiên, nữ danh ca sau khi cảm ơn đã nói rằng không dám nhận lời khen ngợi đó, vì theo Thái Thanh, có hai tiếng hát, mặc dù xuất hiện sau, nhưng Thái Thanh luôn coi là đối thủ, đó là Lệ Thu, người còn lại là Khánh Ly.

Từ những năm 60 của thế kỉ trước, tiếng hát Lệ Thu có thể coi là một trong những hiện tượng của âm nhạc Sài Gòn. Khác biệt với chất giọng của các nữ danh ca hàng đầu thời đó là Thái Thanh, Ngọc Lan, Kim Tước… hầu như có chất giọng nữ cao điển hình, thì Lệ Thu được trời phú cho chất giọng trầm ấm dày dặn ở quãng trung trầm vô cùng cảm xúc. Bà cũng không có cách hát uyển chuyển luyến láy thường thấy trong cách xướng ca thời đó, mà hát bình thản sâu lắng như tiếng kinh cầu. Đó cũng là lý do mà Phạm Duy nhận thấy Lệ Thu đặc biệt hợp với những ca khúc nhạc tình tự sự của ông.

Lệ Thu, Phạm Duy và giọt nước mắt khóc thân phận mình...

Ở Lệ Thu, người hâm mộ tìm thấy cái chất giọng buồn sâu tự nhiên, cách hát mộc mạc nhưng thấm thía của bà khiến cho ca khúc trở nên thăm thẳm bội phần. Đó không phải tiếng khóc cuồng loạn đớn đau, mà sự bình thản, cái dửng dưng của một tâm hồn đã đi qua sầu khổ, một nét buồn đầy quyến rũ và sang trọng.

Nếu như chất giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) kinh điển của Thái Thanh đặc biệt hợp với các ca khúc có tính chất hàn lâm được viết trên nền cổ nhạc ngũ cung của dân tộc, vốn là phong cách âm nhạc nổi bật và thành công nhất của Phạm Duy. Thì chất giọng Mezzo Alto (nữ trung trầm) của Lệ Thu lại như được sinh ra để thể hiện những ca khúc nhạc tình buồn, mà tình cờ trước đó bà đã thể hiện vô cùng thành công là Ngậm ngùi (Nhạc của Phạm Duy, lời của Huy Cận), cho dù khi đó bà còn chưa hề gặp gỡ nhạc sỹ.

Cùng với Nước mắt mùa thu, rồi hàng loạt các ca khúc nổi tiếng sau này như Đừng bỏ em một mình, Hẹn hò, Thuyền viễn xứ của Phạm Duy, hay nhiều ca khúc của những nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… tiếng hát Lệ Thu trở thành một trong những giọng ca vượt thời gian, được báo giới trong và ngoài nước xưng tụng là “tiếng hát vàng mười, là hơi thở của những trái tim vừa chớm hương yêu thuở nào, của những tâm hồn cuồng lưu, cuộc đời vô vọng…”.

Nước mắt mùa thu sau này được rất nhiều ca sỹ khác hát lại như Julie Quang, Tuấn Vũ, Thiên Trang, Sơn Tuyền, Thu Phương… đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, phần thể hiện của Lệ Thu dường như đã trở thành chuẩn mực trong lòng người hâm mộ của cả dòng nhạc Phạm Duy lẫn tiếng hát Lệ Thu, mà không có gì có thể thay thế được.

(*) Thời nhỏ, sau khi được mẹ kể lại rằng trong lúc mang thai hay nằm mơ thấy đám mây có hình thù kì dị, Phạm Duy luôn tự khoái trá cái tên Mộng Vân. Sau này đi hát, ông cũng gia nhập một gánh Cải Lương là Gánh Mộng Vân, từ đó ông cho rằng đây là cái tên “tiền định” của mình.

Lan Anh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật