Phải rất công bằng rằng chính cái thời kỳ mà chúng ta quen gọi là điện ảnh bao cấp ấy, đã xuất hiện những tác phẩm lớn của điện ảnh Việt.
Nhưng theo dòng thời gian, khi việc làm phim đã không còn là chuyện trông chờ vào ngân sách, thì góc nhìn của LHP cũng phải thay đổi.
Cũng rất nhiều năm, người ta băn khoăn tranh cãi về một nền điện ảnh với những bộ phim giải cao mà công chúng không ai biết vì làm xong trao giải và cất kho. Và những phim của các hãng tư nhân hầu như không có cửa chen chân vào thánh đường này, hoặc nếu có cửa thì chính các hãng tư nhân cũng chẳng mặn mà.
Là phim được chọn đại diện Việt Nam đi tranh giải Oscar 2020 cho phim nước ngoài hay nhất, Hai Phượng cũng đang có cửa rất sáng tại Việt Nam năm nay |
Những chập chững đầu tiên của phim tư nhân
Phim tư nhân ghi dấu ấn ở LHP khởi đầu từ LHP Việt Nam lần thứ 14 năm 2005, kỳ LHP mà nói như nhà báo Lê Hồng Lâm, đã dần thoát khỏi thời kỳ bao cấp. Năm đó, Những cô gái chân dài (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Hãng phim Thiên Ngân) giành Bông sen bạc giữa một rừng các phim nhà nước là một tiếng vang lớn. Giải thưởng gây xôn xao, nhưng không tới mức không nhìn mặt nhau như hồi Cánh Diều đạo diễn Lưới trời Phi Tiến Sơn từ chối đứng chung sân khấu với đạo diễn Gái nhảy Lê Hoàng (dù 2 ông vẫn đều là phim nhà nước đó thôi). Phim của Vũ Ngọc Đãng với đề tài hoàn toàn chẳng thuộc gu của LHP từ trước đến nay, với diễn viên chính là các cô gái tay ngang đẹp, trẻ, trở thành hiện tượng.
"Những cô gái chân dài" mở màn cho thành công của phim tư nhân ở LHP Việt Nam lần thứ 14 năm 2005 |
Phim tư nhân có một cú hích và bắt đầu cởi mở hơn với giải thưởng điện ảnh lớn nhất nước nhà. Nói cởi mở là vì khi ấy, phim dự thi gần như toàn phim nhà nước, phim tư nhân có tham gia cũng chỉ là một cuộc dạo chơi.
LHP Việt Nam lần thứ 15 năm 2007 đánh dấu số lượng phim tư nhân dự thi cao bất thường: 6 phim. Người ta lại bàn tán, là vì bao lâu nay sân chơi Bông sen bị định hình là dòng nghệ thuật. Nhưng năm đó, từ Bông sen bạc của Dòng máu anh hùng (Đạo diễn Charlie Nguyễn, Chánh Phương Cinema Pictures) cho đến Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông… đều cho thấy, phim tư nhân đã không còn là kẻ bên lề. Cú hích tiếp theo ấy có thể coi là cuộc cách mạng. Nghe nói năm đó, BTC cũng kỳ công mời các hãng phim dự thi để LHP thêm phần “xôm tụ”.
Johny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân, cặp đôi của "Dòng máu anh hùng" trên thảm đỏ khai mạc LHP lần thứ 15 |
Cuộc lên ngôi của phim tư nhân
Thời điểm đánh dấu sự vươn lên của phim tư nhân là LHP lần thứ 17 năm 2011 tại Phú Yên. Năm đó, Cục điện ảnh vẫn đang trong ồn ào vụ thất thoát 42 tỷ. Ngay trước thềm LHP, Cục trưởng và Cục phó đồng loạt đệ đơn xin từ chức. Giải pháp thay thế là bà Ngô Phương Lan, khi ấy đang là Cục phó Cục Hợp tác quốc tế. Với tư cách là một người am hiểu điện ảnh Việt Nam như lòng bàn tay, bà Lan không quá khó khăn để lèo lái LHP đi qua bão tố dù nhiều tranh cãi.
3 phim cùng nhận giải Bông sen bạc trong bế mạc LHP lần thứ 17: Vũ điệu đam mê, Hotboy nổi loạn và Mùi cỏ cháy |
Tranh cãi tới mức trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện Lưu Trọng Ninh bộc bạch: “Chấm giải xong, tôi ra đầm Ô Loan, tắt điện thoại, không liên lạc với ai”. Tranh cãi đến mức một người kiêu hãnh như bà Lan trong cuộc họp báo đêm bế mạc cũng phải bỏ nhỏ: “Mong mọi người thể tất cho những thiếu sót”.
Nhưng tranh cãi hơn cả, là năm đó không có Bông sen vàng, dù không ít nhà làm phim kỳ cựu chắc mẩm 100% giải cao nhất ấy phải dành cho Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười). Một nhà biên kịch có tiếng còn thẳng thừng tuyên bố: “Có Mùi cỏ cháy là LHP này thành công rồi”. Vậy mà BGK mạnh dạn đặt Hotboy nổi loạn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Vũ điệu đam mê (đao diễn Đức Việt) và Mùi cỏ cháy ngang hàng, cùng nhận Bông sen bạc. Quyết định ấy cho thấy một sự dũng cảm của BGK. Bởi từ 2 năm trước đó, Những cô gái chân dài lên bục cầm Bông sen bạc cũng có không ít ý kiến mỉa mai rằng phim thị trường đòi sánh với phim nghệ thuật. Chưa kể, LHP cũng trao Bông sen vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Hạnh Sino trong Vũ điệu đam mê – một phim vốn mặc định không thuộc gu của giải thưởng và Ninh Dương Ngọc trong Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình).
Mùi cỏ cháy năm 2013 đứng ngang hàng với Vũ điệu đam mê và Hotboy nổi loạn |
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh còn không ngần ngại khẳng định nếu trưởng BGK như ông mà được quyết thì ông đã trao Bông sen vàng cho Hotboy nổi loạn. Phải nhìn nhận rằng, năm đó Mùi cỏ cháy là một phim lấy nước mắt nhiều hơn là một phim điện ảnh thực thụ. Và Hotboy nổi loạn không hề làm phim tồi. Đó là một phim mang màu sắc cá nhân Vũ Ngọc Đãng rất rõ.
Sang đến LHP Việt Nam lần thứ 18 năm 2013, ranh giới tư nhân – nhà nước, nghệ thuật – thị trường đã bị xóa nhòa. Người ta phải nhìn nhận lại sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân với nhiều bộ phim ngày càng chất lượng, không chỉ đạt doanh thu cao mà còn chinh phục cả giới chuyên môn.
Victor Vũ và Vân Trang có một LHP thành công năm 2013 |
Với tỷ lệ 50/50 phim tư nhân – phim nhà nước, sân khấu đêm bế mạc LHP ở Quảng Ninh ghi nhận một tinh thần “hòa cả làng”. Hòa ở đây là sự có đôi có cặp đúng nghĩa tư nhân - nhà nước ở hầu hết các hạng mục giải thưởng. Từ Bông sen vàng phim xuất sắc nhất chia đều cho Những người viết huyền thoại (Bùi Tuấn Dũng) và Scandal (Victor Vũ), đến Bông sen vàng Nữ diễn viên chính cũng là Tăng Bảo Quyên (Những người viết huyền thoại) và Vân Trang(Scandal).
Năm đó, câu chuyện tại sao nhiều hãng phim tư nhân thờ ơ với kỳ LHP lớn nhất Việt Nam được đặt ra. Mô hình tổ chức LHP quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay vẫn là các nhà sản xuất tự lựa chọn, tự gửi phim tham dự và BTC về cơ bản đều chấp nhận hồ sơ các phim đó. Chính điều này khiến tình trạng phim “thảm họa” bị xếp “cùng chiếu” các phim chất lượng. Có 23 phim dự thi nhưng TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh khi ấy cũng thừa nhận: “Không có gì nổi bật cũng không có gì lạc hậu”. BTC không có nhiều chọn lựa cho danh sách cuối cùng.
Trương Minh Quốc Thái, Tăng Bảo Quyên - cặp đôi diễn viên chính trong phim Những người viết huyền thoại tại LHP 17 |
Bởi vậy nên trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện Đào Bá Sơn phải nhận định: “1/3 phim dự thi là phim tốt. Nhưng nhiều bộ phim tôi chỉ có thể nói là buồn. Có những bài viết gọi đó là phim thảm họa không phải không có lý do của nó”. Tất nhiên đó cũng là tình trạng chung của nhiều LHP châu Á. Ngay cả LHP Quốc tế Châu Á - Thái BÌnh Dương thời điểm ấy cũng vẫn là ai gửi gì thì chấp nhận chứ không qua sàng lọc.
Và thực tế, mặc dù nhiều phim “thảm họa” có mặt tranh tài ở LHP nhưng nhiều phim đình đám cho thấy không mặn mà với sân chơi lớn nhất của giới làm phim cả nước. Có thể kể đến bom tấn phòng vé Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) hay được đánh giá cao như Lời nguyền huyết ngải (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Ngọc viễn đông (đạo diễn Cường Ngô), gây tranh cãi như Ngôi nhà trong hẻm (đạo diễn Lê Văn Kiệt) đều vắng mặt ở cuộc tranh tài LHP lần thứ 18.
Kỳ LHP lần thứ 19 năm 2015 diễn ra trong bối cảnh mà điện ảnh nhà nước buộc phải có những bước đi để tự cứu mình. Đó là thời điểm các hãng phim phải bước vào cuộc chiến cổ phần hoá. Nói cuộc chiến vì ngay cả thời điểm hiện tại (2019), chỉ duy nhất Hãng phim Giải phóng là hoàn thành cổ phần hoá. Các hãng phim khác đều đang ở trạng thái tìm người góp vốn, hoặc tệ hơn, như anh cả một thời Hãng phim truyện Việt Nam VFS vật vã trong tranh cãi, kiện tụng.
LHP lần thứ 19 gọi tên thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Nhưng cũng vì sự tự cứu đó, mà điện ảnh năm ấy ghi nhận một hiện tượng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ). Là phim nhà nước đặt hàng, kinh phí 30% xã hội hoá, dựa trên nền của tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim đạt doanh thu cao lịch sử của dòng phim nhà nước. Sự thành công này đánh dấu mở màn cho việc làm phim đặt hàng xã hội hoá, và cũng cho thấy rằng không cần phải công thức hài nhảm, ngôi sao lớn, cũng không nên đổ cho khán giả không biết thưởng thức. Phim hay tự khắc có chỗ đứng của nó, ở cả rạp hay ở các kỳ LH.
Phim nhà nước năm ấy thành công rực rỡ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Những đứa con của làng, Cuộc đời của Yến, Người trở về.... Cho dù phải thừa nhận, ngoài Bông sen vàng cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chẳng còn phim nào gây dấu ấn với khán giả dù đều đã được chiếu rạp công khai chứ không còn lặng lẽ cất kho như thời kỳ trước.
Năm 2017, tại Đà Nẵng, LHP lần thứ 20 là một tiếng bom lớn khi mà phim nhà nước vắng bóng trên gần như mọi giải thưởng. Cú sốc ấy còn tiếp nối với loạt giải thưởng mà dòng phim giải trí lên ngôi gần như tuyệt đối.
Em chưa 18 chiến thắng thuyết phục LHP 20 |
Cũng không thể không nhắc tới rằng, thời điểm ấy, điện ảnh Việt Nam còn chịu cú sốc bởi vụ lùm xùm của VFS. Giữa các tranh cãi, người ta dường như chẳng mấy ai quan tâm rằng bộ phim nằm trên giấy Người yêu ơi của hãng, đã dằng dai mãi không thể hoàn thành vì các bên chưa tìm ra tiếng nói chung. Còn hãng phim Giải Phóng, sau khi cổ phần thành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, cũng chưa có tác phẩm nào kể từ sau Đường xuyên rừng năm 2014.
LHP 20 cũng là năm áp dụng quy chế mới, phim đạt điểm cao nhất sẽ giành Bông sen vàng, khác với mọi kỳ trước đó phim phải đạt barem mới có vàng.
Vậy nên Bông sen vàng cho “Em chưa 18” (đạo diễn Lê Thanh Sơn) có thể chưa xuất sắc nổi trội, nhưng là một phim hay theo đúng nghĩa trong tương quan 16 phim năm đó. Phim có kịch bản, phong cách mới mẻ, cả lối suy nghĩ, tư duy cũng đầy sức sống. Ở một khía cạnh nào đó, “Em chưa 18” như một làn gió mới thổi vào giải thưởng vẫn bị định kiến là cũ. Những Katty Nguyễn (Em chưa 18), Quý Bình (Bao giờ có yêu nhau), lần lượt lên nhận giải ở hạng mục diễn viên, Vũ Ngọc Đãng được ghi nhận ở Hotboy nổi loạn 2 khiến kỳ LHP năm 2017 trở nên sôi động và thu hút khán giả hơn bao giờ hết.
Mối tình gà bông không cứu nổi "Thạch thảo" ở phòng vé |
LHP năm nay dường như đang lặp lại kịch bản của LHP lần thứ 17, khi mà những bê bối khiến cục chuyên trách không có người đứng đầu chỉ thời gian ngắn trước ngày khai mạc LHP. Có điều, không có ai thay thế, người đang kiêm nhiệm -Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông tỏ ra chưa bắt nhịp được với nền điện ảnh đang nhiều rắc rối. Một ví dụ là ngay trong họp báo LHP tại Hà Nội, ông Đông đã khẳng định BTC bí mật danh sách BGK LHP năm nay trong khi trước đó 6 ngày, danh sách này đã được chính website chính thức của Bộ VHTT&DL công bố công khai.
Nhưng không bi đát như LHP 20, LHP năm nay có 4 phim nhà nước, trong đó 2 phim đặt hàng 70% ngân sách và 30% xã hội hoá. Trong đó, người ta đã thấy sự trở lại của thương hiệu Giải Phóng với Hợp đồng bán mình (đạo diễn Trần Ngọc Phong) - một phim mà đạo diễn kể phải nâng lên đặt xuống, sửa tới 12 lần để có thể vừa được duyệt kịch bản vừa kêu gọi được đầu tư mà vẫn có hy vọng ăn khách.
Truyền thuyết về Quán Tiên - 1 trong 4 phim nhà nước tham dự LHP 21 năm nay |
Nhưng trong khi phim tư nhân đã bắt đầu tiến rất xa, tìm đường ra rạp ở các thị trường quốc tế, thì các bộ phim nhà nước vẫn còn đang nỗ lực loay hoay tìm khán giả. Một ví dụ là trong số 4 phim nhà nước năm nay, chỉ có duy nhất Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp) đã ra rạp, 3 phim còn lại đều mới chỉ chiếu giới thiệu. Thạch Thảo dù được chăm chút bởi một kịch bản gà bông, một lễ ra mắt nhằm đúng thời điểm (năm học mới), nhưng vẫn không cứu được phim thất bại thảm hại ngoài phòng vé. Và dường như câu chuyện phim làm ra liệu có cất kho lại lặp lại. Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) sau lời qua tiếng lại bởi diễn viên nam tự ý bỏ quay, thay diễn viên, nợ tiền, bước vào LHP với tấm vé đặc cách theo “quyết định của Trưởng ban tổ chức”. Đặc cách chẳng sai điều lệ, nhưng cứ đặc cách mãi, thì nghe vô lý chứ không còn thuyết phục nữa rồi.
Còn ở các hãng tư nhân, phải nhìn nhận lại 2 năm qua cũng không có tác phẩm nào nổi bật. Suốt năm 2019, các phim ra rạp đều vẫn loanh quanh ở công thức và các mô típ thành thị quen thuộc, không có hiện tượng cũng chẳng có phát hiện nào mới.
BTC năm nay tuyên bố không cố ép để có vàng, cũng khẳng định không có một sự ưu tiên nào cho phim nhà nước.
Liệu kịch bản giải thưởng nào sẽ xảy ra ở LHP năm nay?