Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang là nữ diễn viên cải lương thuộc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Không chỉ chứng minh thực lực của mình qua một loạt các giải thưởng danh giá như Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương Toàn quốc năm 2022 vừa qua, Huy chương Vàng Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ IV-2019… Phương Thảo còn có một đam mê cháy bỏng đó là lan tỏa nghệ thuật cải lương đến với công chúng, nhất là các em nhỏ và người nước ngoài.
Buổi phỏng vấn của Phụ Nữ Mới với Phương Thảo được diễn ra ngay sau nữ diễn viên kết thúc một giờ dạy hát cải lương cho một kiều bào về Việt Nam ăn Tết. Học viên này tranh thủ học Phương Thảo được nửa tháng và có thể cất giọng rất ngọt ngào.
Phóng viên: Từ đâu chị có ý định dạy hát cải lương cho nhiều người?
Năm 2018, trong một lần đi diễn, tình cờ tôi gặp một cô bé khán giả đã tỏ ý muốn được tôi dạy hát, tôi phát hiện bé rất đam mê cải lương và có thể học rất nhanh. Thực tế có rất nhiều người có khả năng hát được cải lương, nhưng họ không biết mình có khả năng này, cho đến khi được hướng dẫn sơ lược thì có thể “ca”. Hoặc một số người trong lúc đùa giỡn, tếu táo cũng sử dụng cách hát cải lương, tức là họ có chú ý đến bộ môn này, nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu sâu hơn.
Rồi khi tôi đi diễn, có những hôm khán giả đến không đông, nhưng lại rất biết hưởng ứng với nghệ sỹ, biết được đâu là những đoạn cao trào, hay, giàu cảm xúc để tán thưởng, tôi lại cảm thấy rất hạnh phúc. Và nhìn về tổng thể, cả chính quyền và xã hội vẫn đang tìm cách để bảo tồn nghệ thuật cải lương. Nên đó là lý do thôi thúc tôi có ý định dạy hát cải lương cho bất kỳ ai tôi gặp, và tỏ ý quan tâm đến bộ môn này, và sẵn sàng dạy miễn phí.
Chị đã bắt đầu dạy cải lương như thế nào?
Tôi đã tốt nghiệp khoa Kịch hát dân tộc tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM vào năm 2014 để đảm bảo vốn kiến thức cũng như kỹ năng cho việc đi diễn. Và kể từ năm 2018, khi xác định mình muốn dạy để lan tỏa cải lương, dù chỉ là dạy các lớp phong trào, tôi lại tiếp tục đi học và lấy bằng Sư phạm âm nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Những trải nghiệm từ quá trình biểu diễn, giao lưu với khán giả cộng với kiến thức về sư phạm học được giúp tôi tự tin theo đuổi ý định của mình.
Để biết được một người có năng khiếu hát cải lương hay không cũng không quá khó, cứ thử cát một vài câu rồi yêu cầu họ hát lại để xem chất giọng và khả năng cảm âm, và sau đó là khả năng về tiết tấu, nhịp phách. Nếu có các kỹ năng cơ bản này sẽ dạy thêm cách xử lý câu từ, tác phẩm… Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là làm sao để học viên thấy được cải lương rất gần gũi với cuộc sống, mà kinh nghiệm ở đây là tạo ra những câu rất dễ hát, học viên hát được thì sẽ cảm được thể loại nghệ thuật truyền thống này. Gia đình tôi có 8 anh chị em, ai cũng hát được cải lương, dù cha mẹ không dạy, cũng là nghe từ cha mẹ, hay những người lớn, rồi băng đĩa mà học. Điều kiện hiện nay để tiếp cận với nghệ thuật thông qua internet còn dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Đâu là thách thức khi chị dạy hát cải lương cho mọi người?
Thách thức đầu tiên nằm ở việc hiện giờ giới trẻ ưa thích nhiều dòng nhạc trong và ngoài nước bắt tai và dễ nghe. Xem một vở diễn cải lương rõ ràng là thách thức với các bạn trẻ hơn là xem các clip âm nhạc, đó là điều phải thẳng thắn thừa nhận. Trong cách dạy của mình, tôi chú trọng đến việc hướng dẫn người học ngoài biết hát, biết “ca” phải biết nghe, thưởng thức các tác phẩm. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là người mới học sẽ không dễ thưởng thức cả một tác phẩm, dù là tác phẩm kinh điển.
Vậy nên tôi đã sử dụng phương phát chia nhỏ tác phẩm, lấy từng đoạn cải lương hay, từng đoạn làm nên tên tuổi của những nghệ sỹ gạo cội cho học viên nghe, phân tích để mọi người cảm nhận. Điểm kế tiếp chính là đơn giản hóa hay “cuộc sống hóa” một số câu cải lương, chẳng hạn một câu nói, một câu văn đơn giản, nếu diễn đạt theo giọng cải lương sẽ như thế nào. Khi hướng dẫn người học làm được như vậy, thách thức sẽ vượt qua, vì là nghệ thuật dân tộc tức là người Việt nào cũng có thể dễ dàng thấm vào, nên chỉ cần có giải pháp phù hợp, những chướng ngại ban đầu sẽ dễ dàng vượt qua.
Chị là người thích lan tỏa, chia sẻ nghệ thuật hát cải lương đến với mọi người, nhưng lại hạn chế sử dụng mạng xã hội, liệu điều này có nghịch lý không khi đây là kênh chia sẻ rất hữu ích, có tính lan tỏa cao?
Từ khi làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai năm 2015 đến nay, tôi vẫn duy trì thói quen đến cơ quan, tập bài, tổng duyệt chương trình, hay đi diễn xong thì về nhà. Năng lượng của tôi dành tối đa cho chuyên môn, và tôi muốn thực sự tập trung để các ý tưởng nghệ thuật tập trung trong đầu. Khoảng 3 năm sau khi đi diễn cải lương, tôi cũng có thử sức mình ở dòng nhạc quê hương, và cũng được mời đi hát ở khá nhiều chương trình, quỹ thời gian còn eo hẹp hơn nữa. Sử dụng mạng xã hội sẽ phải đầu tư, suy nghĩ nội dung, hình ảnh, tương tác với khán giả, tôi không có khả năng vừa làm chuyên môn lại vừa lo cả kênh này.
Phương Thảo nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức của tỉnh Đồng Nai vào năm 2022 |
Mà với tôi, yếu tố chuyên môn được đặt lên hàng đầu, không có sự khác biệt khi diễn tại liên hoan lớn hay một chương trình ở vùng sâu vùng xa, đã bước lên sân khấu là nghiêm túc, và sự nghiêm túc trong nghệ thuật, trong từng vai diễn sẽ có tính lan tỏa ở mức cao nhất, nhưng điều này muốn làm được phải có sự bền bỉ thực sự. Ở đây có một băn khoăn khá phổ biến khi một số bạn trẻ muốn dấn thân theo đuổi nghệ thuật dân tộc là liệu có “đất diễn” không, có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống không. Câu trả lời chắc chắn là có, thực tế các chương trình nghệ thuật dân tộc luôn được Nhà nước và Xã hội chú trọng và xuất hiện đều đặn, chỉ cần có chuyên môn tốt, làm việc chuyên nghiệp, chắc chắn người nghệ sỹ không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền trong lĩnh vực này.
Ngoài việc sẵn sàng dạy cải lương cho mọi người như đã làm, chị có dự án nào để phát triển đam mê của mình trong thời gian tới nữa?
Thứ nhất, tôi cũng sẽ thử sức với một số loại hình nghệ thuật mới, ngoài cải lương, để có nhiều hơn nữa cơ hội tiếp cận, tương tác với khán giả, nhưng vẫn với mục tiêu lan tỏa, bảo tồn nghệ thuật dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Tôi cũng sẽ chủ động phát triển những buổi chia sẻ kỹ năng “ca” cải lương trong các chương trình lan tỏa nghệ thuật dân tộc.
Thứ hai, tôi sinh ra tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cha mẹ hiện cũng đang sống ở đây, nên cũng ấp ủ nhiều dự định tại quê nhà, mà trước mắt là việc có thể hướng dẫn cho những em nhỏ có đam mê nghệ thuật, không chỉ cải lương, mà một số bộ môn khác, có hướng đi đúng. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn nghĩ nghệ thuật là môn “chơi”, nên cuối cùng bỏ lỡ những cơ hội được học tập, phát triển từ rất sớm và sẽ lãng phí tài năng của nhiều em.
Xin cảm ơn nghệ sỹ Phương Thảo