10 năm rèn luyện thanh nhạc tại Học viên âm nhạc quốc gia Việt Nam với thể loại opera, nhiều lần ra nước ngoài tu nghiệp tại Đức và Áo và Nauy, cho đến nay, nghệ sỹ opera Đào Tố Loan vẫn là một trong số ít những nghệ sỹ còn kiên định và bền bỉ với thể loại âm nhạc hàn lâm vốn kén người nghe và đầy khắc nghiệt tại Việt Nam này.
Nghệ sỹ Đào Tố Loan |
Năm 2011, Đào Tố Loan giành giải nhất Sao Mai dòng nhạc thính phòng, chị gây ấn tượng cho tất cả giám khảo và khản giả trong suốt cuộc thi bởi giọng hát đẳng cấp với chất Coloratura soprano (nữ cao màu sắc) cực hiếm, cao vút và những phần xử lý âm thanh đòi hỏi kĩ thuật thanh nhạc bậc cao. Nhiều thành tính và những ấn tượng cả ở trong nước và quốc tế, mới đây nhất, năm 2018, Đào Tố loan lại giành giải nhất "Singapore Lyric Opera 2018" của khu vực Đông Nam Á.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những giải thưởng danh giá và những huy chương, là một Đào Tố Loan xuất thân từ nghèo khó, trong một gia đình chưa từng ai theo nghệ thuật. Nhưng cô sinh viên trường Trung cấp kế toán phải bỏ dở vì không có tiền theo học năm đó, với đam mê, khát khao cháy bỏng với opera, đã từng bước, từng bước nỗ lực và cố gắng, cộng với tố chất âm nhạc và màu giọng đẹp bẩm sinh, đã từng bước chạm được vào ước mơ, trở thành một Đào Tố Loan đĩnh đạc, đàng hoàng và rực sáng trên khắp các sân khấu lớn nhỏ như bây giờ.
Không chỉ có vậy, cô còn là một trong những nghệ sỹ có vốn kiến thức và nền tảng văn hóa âm nhạc đặc biệt, thông thạo ba thứ tiếng Anh, Đức, Ý, Đào Tố Loan là người có tư duy âm nhạc cởi mở, hiện đại và đầy sáng tạo. Ở Đào Tố Loan, người ta luôn nhìn thấy một năng lượng sống tích cực, vui vẻ, tươi mới và sự chân thành, hồn hậu với cuộc sống cũng như âm nhạc. Không chỉ hát, Đào Tố Loan còn khả năng viết nhạc, nhảy múa, một nghệ sỹ sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.
Hình như chị vừa có một sản phẩm âm nhạc mới nhất về dịch covid-19, chị có thể kể thêm một chút về sản phẩm này?
Giữa những ngày mọi người đang sôi sục để đẩy lùi dịch bệnh covid-19, những người nghệ sỹ như chúng tôi thực sự vô cùng nóng ruột và lo lắng, nên tôi cùng nhóm của mình quyết định phải làm một điều gì đó để chung tay cùng tất cả mọi người có thêm sức mạnh vượt qua bệnh dịch nguy hiểm.
Đây là một sáng tác của anh Trang Công Hưng trong nhóm 2HT music TV, có tên gọi "Vượt qua cái chết" (Overcome Death). Ca khúc là câu chuyện về những bác sĩ không quản gian nan vất vả, không màng đến sự nguy hiểm khi cùng người dân và bệnh nhân chống lại Virus Corona, họ giống như những chiến binh áo trắng, chiến đấu như những chiến binh trên chiến trường.
Ca khúc mang thông điệp mong muốn một thế giới hòa bình, không bệnh tật, không chiến tranh đói khổ, để các em thơ được sống trong một thế giới bình yên, trong vòng tay yêu thương và hạnh phúc. Đây cũng là cách mà cả nhóm mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé tới công cuộc chiến đấu chống đại dịch covid-19 trên toàn thế giới.
Ca khúc "Vượt qua cái chết" do Đào Tố loan cùng nhóm 2HT Music thực hiện
Đây là ý tưởng tự phát hay có tính toán trước không, thưa chị?
Thực tế là giữa tình hình dịch bệnh covid-19, hầu như các anh chị em văn nghệ sỹ đều tạm dừng hoạt động. Nhân lúc có nhiều thời gian rảnh rỗi, thì chúng tôi bảo nhau phải làm gì đó để những ngày này có ý nghĩa hơn. Tuy rằng là một ca khúc "theo dòng thời sự", nhưng nó đều xuất phát từ tâm hồn chúng tôi, chuyển tải những mong muốn từ chính trái tim chứ không phải trống rỗng và "theo trends" như người ta vẫn nói.
Ca khúc Trang Công Hưng sáng tác version tiếng Việt, Chu Kiều Oanh phối khí và cả nhóm chúng tôi cùng thể hiện. Version tiếng Anh thì do tôi và Trang Công Tuấn cùng viết, bản này tôi thể hiện một mình.
Dường như chi đang có sự chuyển đổi khá rõ rệt từ một ca sỹ opera sang hình ảnh một nghệ sỹ trẻ trung, gần gũi hơn?
Đúng là như thế, gần đây tôi có những ý tưởng ấp ủ cho con đường âm nhạc tiếp theo của mình, song song với âm nhạc hàn lâm, tôi sẽ theo đuổi dòng semi classic (bán cổ điển) với những ý tưởng táo bạo, mới mẻ hơn.
Những tác phẩm sắp tới của tôi vẫn mang tính học thuật cao, nhưng tôi sẽ khai thác các tác phẩm Việt Nam, kết hợp với những hình ảnh lộng lẫy, tôi muốn xây dựng hình ảnh nữ nghệ sỹ opera với những sản phẩm chỉn chu cả phần nghe và phần nhìn. Nhưng dù thế nào, những sản phẩm của tôi vẫn luôn phải mang một nguồn năng lượng tích cực, tươi vui đến tất cả mọi người, như chính con người của Đào Tố Loan vậy.
Việc chuyển từ nhạc cổ điển sang nhạc Việt có gì khó khăn không ạ?
Opera và thính phòng hơi khác nhau một chút, vì thính phòng thì nhẹ nhàng hơn, nhỏ hơn, opera thì đòi hỏi kĩ thuật và cộng minh lớn hơn nên khi chuyển sang hát nhạc Việt Nam mình phải xử lý sao cho mềm mại, âm thanh sẽ gần với tiếng nói tự nhiên hơn, không cần cộng minh và dựng âm thanh nhiều như cách xử lý trong nhạc cổ điển phương Tây.
Tôi nghĩ mình sẽ dung hòa các yếu tố này để có những sản phẩm vừa có tính hàn lâm, nhưng vẫn mang lại sự gần gũi, dễ tiếp nhận với khán giả.
Là một đất nước nghèo, đi sau rất nhiều về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm, chị có nghĩ nghệ sỹ Việt Nam quá thiệt thòi?
Khi mà được tiếp xúc với nhiều nghệ sỹ opera nổi tiếng ở Đức, Áo, Nauy, mới thấy nghệ sỹ ở Việt Nam mình thực sự quá thiệt thòi, cơ sở vật chất, điều kiện của mình quá thiếu thốn, mình thiếu một nền văn hóa âm nhạc từ gốc rễ, nền giáo dục âm nhạc của mình thực sự nên tiếp cận và học hỏi rất nhiều từ quốc tế để có sụ phát triển hơn trong tương lai.
Như bản thân tôi khi sang nước ngoài tu nghiệp cũng may mắn được nhận nhiều lời khen ngợi từ các Giáo sư đã từng dậy mình, các đồng nghiệp của tôi cũng vậy, nên tôi đánh giá là nghệ sỹ opera Việt không hề thua kém quốc tế về tố chất hay năng lực, mà do mình thực sự chưa có sự đầu tư đầy đủ.
Tôi nghĩ là Việt Nam mình không thiếu người tài, những người giọng đẹp, quý hiếm cũng nhiều, nhưng dòng chảy của chúng ta chưa thực sự giữ gìn và trau dồi cho những người tài, nên nghệ sỹ Opera Việt Nam thực sự ở Việt nam còn chuyên tâm theo nghề quả thực rất ít. Thực tế là ở Việt Nam rất nhiều người bỏ nghề, chuyển sang một con đường khác vì kinh tế, nhưng thực sự là không thể trách họ được trước thực trạng âm nhạc như chúng ta hiện nay.
Có những người được đào tạo rất chuẩn chỉ về opera, nhưng sau lại chuyển hẳn sang hát nhạc nhẹ, nhạc thị trường, chị có suy nghĩ gì về điều này?
Cái quan trọng vẫn là cái máu trong mình nó thích cái gì, nó đam mê cái gì. Theo tôi thì những người quyết định bỏ opera để chuyển sang dòng nhạc khác, vì bất cứ lý do gì thì theo tôi, lý do lớn nhất vẫn là do họ chưa thực sự đam mê dòng nhạc opera, đam mê của họ chưa đủ lớn. Còn với tôi nó như cái máu không thể sống thiếu được, và khi đã yêu thì yêu bằng cả tâm huyết, dù có thế nào mình cũng bất chấp để theo đuổi nó đến cùng.
Sẽ thế nào nếu tác phẩm của chị không tiếp cận được đám đông?
Mục tiêu tiếp cận thị trường lớn và viral vẫn là mục tiêu số 2 mỗi khi tôi quyết định thực hiện một sản phẩm, làm điều mà tôi thật sự muốn mới là mục tiêu lớn nhất của tôi. Và khi đó, tôi cũng buộc phải chấp nhận những rủi ro về kinh tế và thương mại. Nhưng tôi vẫn có trực giác và cảm thấy một chút may mắn là, cái tôi thích, cũng là cái mà mọi người sẽ thích, nên âm nhạc của tôi đang từng ngày đến gần với công chúng hơn.
Như bài "Vượt qua cái chết" vừa thực hiện, thực ra giai điệu của version tiếng Anh là tôi có felling và thay đổi một chút so với version tiếng Việt, và điều đó xuất phát từ tâm hồn tôi, và thấy mọi người cũng khá thích thú. Vì thực tế cái tôi muốn làm cũng không phải những cái lố lăng hay phản cảm gì, mà nó vẫn xuất phát từ giá trị nghệ thuật, chỉ có điều đôi khi tác phẩm có tính học thuật hơi cao thì có những người ở tầng lớp trí thức hoặc có tuổi một chút sẽ hợp hơn giới trẻ, nhưng đó là con đường của tôi.
Là một người trong nghề, chị nhìn nhận thế nào về thực trạng của opera Việt Nam?
Tôi nghĩ Opera hay nghệ thuật hàn lâm vẫn đang vẫn có khán giả riêng, thậm chí không ít. Như chương trình “Lá đỏ” ở Nhà hát lớn, khán giả đến chật kín không có chỗ ngồi, thậm chí khán giả còn đứng chật kín hai lối đi, tôi nghĩ rằng âm nhạc hàn lâm vẫn có chỗ đứng, có lượng khán giả riêng, chỉ là cách tiếp cận của mình chưa tốt.
Hay như đêm “Around the world” hay “Rock symphony” của Nhà hát nhạc vũ kịch do Giám Đốc Trần Lyly dàn dựng, khán giả thích vô cùng, rõ ràng là chúng ta vẫn làm nghệ thuật hàn lâm và vẫn có khán giả đấy chứ. Mình vẫn giữ được cái của mình, và khán giả rất thích.
Cho nên bản thân tôi cũng trăn trở phải làm sao để có thể có cách tiếp cận sao cho gần gũi hơn, như tôi đã thử cover vui vui ca khúc "Anh nhà ở đâu thế" với phong cách Bán cổ điển (Semi Classic), chỉ là hát chơi thôi nhưng tôi cảm nhận nhiều khán giả rất thích, cho nên tôi nghĩ nếu mình chuyển sang phong cách nhẹ nhàng và gần gũi hơn như Thính phòng và Bán cổ điển thì sẽ dễ tiếp cận khán giả tốt hơn.
Vậy việc Opera Việt nam chưa tiếp cận được khán giả theo chị có nguyên nhân chính là gì?
Theo tôi đó là do kinh phí đầu tư, giá vé một đêm nhạc cổ điển không thể quá cao dẫn đến việc đầu tư cũng bị hạn chế, nhưng thực tế, mỗi chương trình opera, yêu cầu về trang phục, thời gian luyện tập, trang thiết bị, số lượng diễn viên đều rất lớn, nhưng thực tế lại hạn chế về nhiều mặt, nên chúng tôi cũng chưa thể nghĩ quá nhiều đến chi phí cho PR và Marketting.
Mà nghệ thuật giờ đòi hỏi phải cả nghe và nhìn, mà nếu kinh phí giảm, thì phần nhìn sẽ bị kém đi. Tất nhiên mọi sự so sánh đều sẽ khập khiễng, mọi giá trị nhất là giá trị nghệ thuật không thể mang lên bàn cân được. Thay vì cứ thắc mắc tại sao hoặc đòi hỏi một sự công bằng mà không biết bao giờ mới có được, thì nên chăng mình nên dành thời gian để cống hiến cho đam mê.
Ca khúc Mẹ yêu con do nghệ sỹ Đào Tố Loan thể hiện
Chị đánh giá thế nào về mặt bằng chung thị trường âm nhạc của chúng ta hiện nay, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ trong showbiz?
Tôi đánh giá là họ quá thông minh, họ rất tài năng, và có tư duy âm nhạc quá tốt. Nghệ sỹ khi thể hiện tác phẩm, cũng là khi họ thể hiện ra cái văn hóa của họ, có thể cảm nhận được hết con người của họ. Như Đức Phúc, Hương Tràm… họ có nhạc cảm vô cùng tốt, hát rất có hồn.
Với tôi thì nhạc nhẹ không nên quá đặt nặng kĩ thuật, mà cần cái tự nhiên, cái tố chất trời cho nhiều hơn, nhạc nhẹ hát càng tự nhiên càng đẹp. Ngay cả Opera giờ tôi cũng hướng tới cài tự nhiên, gần gũi hơn, sẽ hợp với văn hóa thẩm mỹ của khán giả Việt hơn. Các nghệ sỹ thành danh của showbiz thì tôi đánh giá cao như Thu Minh có cá tính mạnh mẽ, Mỹ Tâm rất thông minh, đáng yêu, hồn hậu, nam thì có Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng hát có hồn nghe cảm giác có thể thể thả hồn theo bài hát, ca sỹ Tuấn hưng cũng rất hay…
Ngoài ra tôi đặc biệt thích Hoàng Thùy Linh. Khi cô ấy gặp sự cố, thì tất cả mọi ng đều chỉ trích, còn riêng tôi thấy điều ấy không có gì cả, vì người ta yêu nhau, điều ấy bình thường, tại sao lại lên án? Nhưng Hoàng Thùy Linh vượt qua điều đó, đứng lên, những sản phẩm âm nhạc của Hoàng Thùy Linh rất có chất văn học, có tư duy, và có bản lĩnh rất cao. Thêm nữa anh Tùng Dương là người rất có tấm lòng với các nghệ sỹ chân chính, hay chia sẻ.
Với âm nhạc thì tôi không có định kiến hay kì thị gì, tôi nghe tất cả các thể loại, và ở mỗi thể loại tôi đều tìm ra một cái hay riêng, cũng như cuộc sống của mình thôi, có lúc nọ lúc kia, và càng nhiều thể loại cùng phát triển thì mới tạo ra một thị trường âm nhạc đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều cạnh tranh hơn, thì chúng ta mới có những sản phẩm âm nhạc tốt hơn. Tôi cũng là người khá đa cảm trong âm nhạc, nhưng âm nhạc mà tôi chọn phải mang lại năng lượng tích cực, có tính giáo dục yêu thương chia sẻ đoàn kết... còn chỉ mang tính tầm thường, lố lăng tôi sẽ loại bỏ ngay... Cái gì cũng có hai mặt cả, nếu không có tài mà cứ cố gắng để đạt bằng được tự khắc sẽ bị đào thải mà thôi.