• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Cuộc đời tôi gắn liền với chữ liều”

Sáng 3/3, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tổ chức triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo”. Tại triển...

Sáng ngày 3/3, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tổ chức triển lãm mang tên “Nhà báo vẽ nhà báo” tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây được coi là sự kiện đặc biệt khi ông tổ chức vào đúng ngày sinh nhật thứ 68 của mình. Tại buổi triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có những chia sẻ về sự kiện lần này.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi triển lãm. Ảnh: Thu Mai
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi triển lãm. Ảnh: Thu Mai

PV: Trong một bài phỏng vấn với báo Dân Việt, bác từng chia sẻ ước mơ tuổi trẻ đầu tiên là vẽ, ước mơ thứ hai là đá bóng. Và giờ đây bác đã thực hiện được ước mơ vẽ của mình, liệu bác có cảm thấy như được quay lại với mong muốn thời trẻ không? Và vẽ có phải là một trong những cách tận thưởng tốt hơn cái đẹp và giá trị trong cuộc sống như làm báo không ạ?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Câu hỏi này đã bao hàm được luôn câu trả lời của tôi. Tôi đã thực hiện được ước mơ vẽ, tôi đã quay lại được tuổi thơ của mình, nhất là khi ra Hà Nội, tuổi thơ nó tràn về. Nếu bạn đọc Facebook của tôi thì bạn sẽ thấy tuổi thơ ở Hà Nội nó dữ dội lắm, nó đẹp lắm.

Sinh nhật lần này rất đặc biệt vì được tổ chức ở Hà Nội. Sinh nhật của tôi thường kỷ niệm bằng việc ra đời một cuốn sách, một tác phẩm triển lãm hay một công trình, luôn luôn phải có sự kiện đi kèm để tạo ra dấu ấn trưởng thành của mình. Tôi luôn tự tạo dấu ấn, tạo cái ngưỡng để mình cố gắng vượt qua chứ cuộc sống bình bình thôi nó chán lắm. Tôi thường nói với các bạn sinh viên là nhà báo thì hãy viết đi, hãy cầm bút viết đi, vẽ đi, tập trung có mục đích thì sẽ có ích cho cuộc đời hơn.

Đã nhiều người hỏi bác về sự thành công nhưng chắc hẳn phải trải qua khó khăn thì mới đạt được thành công như ngày hôm nay. Vậy thì đã trải qua những khó khăn đó như thế nào và bác có dự định cho tương lai ạ?

- Người ta hay nói về thành công nhưng tại sao lại không nói về thất bại. Tôi nói thật, không có thất bại thì sẽ không có thành công. Tôi may mắn vì học đúng ngành nghề, làm việc đúng nơi mình muốn, nói chung là rất suôn sẻ. Nhưng cũng có cái khó khăn, mà tôi nghĩ là, tôi có nó thì tôi sẽ khá hơn nhiều.

Thứ nhất là tôi có 2 bằng đại học, sau khi tốt nghiệp Tổng hợp Văn thì được vào tiếp ở Học viện Báo chí. Thuận lợi lắm nhưng mà tôi lại không biết Sinh ngữ tại hồi đấy tôi học tiếng Nga. Mà nói thật là tiếng Nga thì năm nào tôi cũng thi lại. Thứ hai là tôi nhỏ con. Nhưng cái khó khăn nhất của tôi là hay bị chi phối bởi nhiều thứ, tôi tham gia quá cả thể thao, giảng dạy, … Nhưng chính cái khó khăn đó đã trả công cho tôi rất nhiều. Mà đấy cũng chỉ là khó khăn về thu xếp công việc thôi chứ không hề cản trở ước mơ của tôi.

Bác có tác phẩm nào đặc biệt tâm đắc nhất không ạ? Và ý nghĩa đằng sau tác phẩm đấy là gì ạ?

- Tác phẩm tôi thích nhất, tâm đắc nhất, tác phẩm để đời của tôi là quyển “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối”. Viết về hồi xửa hồi xưa, hồi chúng tôi 10 tuổi. Khi tôi làm báo thì tôi không có thời gian để viết, đến khi nghỉ hưu tôi mới tập trung viết được.

Cuốn đó không phải là tác phẩm gì cả, chỉ là quyển hồi kí, nhắc lại năm tôi nhỏ ở Hà Nội mà thôi. Nhưng nó lại là giai đoạn của lịch sử, của miền Bắc, của Hà Nội, của một tuổi thơ. Cái mũ rơm hồi đó của chúng tôi thân thiết lắm, như mũ bảo hiểm bây giờ vậy. Thật ra cái mũ rơm có chống được bom đâu, mà tại nghèo nên nó vậy đó.

Tác phẩm này đã được giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM nhờ sự tâm đắc của tôi, chứ chẳng phải sáng tác gì. Đó chỉ là tư liệu từ những người bạn của tôi, mỗi người một câu chuyện. Cho nên tôi muốn nói rằng, thật ra động lực sáng tác rất đơn giản, đề tài quanh ta, nhân vật quanh ta, vốn liếng trong ta. Tại sao ta không viết mà cứ đi tìm đề tài ở đâu đâu? Khi đi dạy, tôi thường giao cho sinh viên hai bài tập: Một là “Tôi trong mắt tôi”, hãy viết về chính mình, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều hay. Còn bài tập thứ hai là “Hãy viết về các gương mặt quanh ta”, đề tài ở ngay bên cạnh mình thôi.

Thời ở Học viện năm 1982, tôi viết 1 quyển sách về Đặng Thái Sơn, tôi kê vali lên đầu giường ngay trong Học viện luôn. Năm đó tôi 25 tuổi, 43 kg tính cả giầy mà dám viết 1 quyển sách. Bởi vì tôi liều! Vậy nên nếu các bạn không bắt tay viết ngay thì sẽ quá muộn.

Các bức tranh vẽ “ đồng nghiệp” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: Thu Mai
Các bức tranh vẽ “ đồng nghiệp” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: Thu Mai

Trong quá trình bác vẽ thì có lúc nào bác cảm thấy nhụt chí hay chán nản khi bác đang thực hiện một công việc không phải chuyên môn của mình không ạ?

- Đối với tôi mà nói, cuộc đời tôi gắn liền với một chữ “liều”. Ngay từ khi tôi còn là sinh viên của Học viện, tôi đã lựa chọn đề tài mà tôi không hề am hiểu, đó là đề tài về piano của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Cho đến tận bây giờ, khi đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, tôi vẫn lựa chọn cái liều đấy. Liều vẽ -Liều triển lãm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi luôn luôn quan niệm là  đặt cho mình 1 cái ngưỡng mới – một thử thách mới cao hơn, để bản thân không ngừng cố gắng và phát triển. Có như thế thì bản thân mới phát huy hết điểm mạnh của chính bản thân mình.

Xin chân thành cảm ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vì những chia sẻ của mình!

Triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” trưng bày 100 tác phẩm (khổ 70 cm x 90 cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4) của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ những người đồng nghiệp của mình và bộ sưu tập 20 tranh áp phích kết hợp nhiều mẫu áo thời trang họa tiết chống dịch do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.

Tranh của ông toát lên vẻ lạc quan và thể hiện tình cảm trân quý của nhà báo đối với các nhân vật. Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dư nhưng trong các nét vẽ ông không hề thiếu đi xúc cảm, sự rung động với đời, với người. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng thường xuyên "khoe" những tác phẩm của mình trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, yêu thích cũng như khen ngợi từ bạn bè, độc giả. Đó là nguồn động lực to lớn, niềm cổ vũ khích lệ tinh thần đáng quý với nhà báo.

Phạm Minh Huyền - Bùi Lê - Thu Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật