Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân viết cuốn 40 năm đi, yêu và viết từ năm 2021. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện cuốn sách này ông gặp phải căn bệnh tai biến. Phần sau của cuốn sách được thực hiện trong khoảng nửa năm cuối 2022, khi tác giả vẫn còn bị liệt nửa người và chủ yếu phải viết trên điện thoại.
Trong 2 năm dưỡng bệnh, ông đã ra mắt được 4 cuốn sách, mở 3 triển lãm tranh, đi được 18 tỉnh thành, làm ban giám khảo 10 cuộc thi và kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 69.
Bìa sách 40 năm đi, yêu và viết |
“Tôi bắt đầu có ý định viết một hồi ký về những năm tháng làm báo ngay từ khi bắt đầu nghỉ hưu”, nhà báo cho biết.
Cuốn sách bao gồm 4 phần: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), Những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, Những bài viết lý luận báo chí, Bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân (bao gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng)...
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa; vinh quang có mà tủi nhục cũng có. Cứ nấn ná bao lâu, không biết nên viết gì, giấu gì, kể gì, quên đi những gì và bắt đầu từ đâu… Viết không khó, lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi tôi lại có quá nhiều chuyện muốn nói”.
"Tôi còn xem cuốn sách này là giáo trình vì mục đích cuối cùng của nó là chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ tới người trẻ", ông nói.
“Cuối cùng, tôi rưng rưng nhận thấy vốn liếng, gia tài quý báu nhất của mình chính là gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và sự nghiệp. Có được những điều đó là nhờ cuộc đời tôi may mắn gặp được những người tốt, được sống trong một môi trường nhân văn, hướng thiện, đặc biệt được lớn lên trong những năm tháng hào hùng của Hà Nội”, ông tâm sự.
Ký ức trong cuốn sách là những câu chuyện 20 năm học hành trên đất Bắc, những động lực giúp ông nuôi dưỡng ước mơ cầm bút cũng như ký ức một thời kháng chiến, ngày những gia đình vùng nông thôn Hà Tây, Hà Bắc...
“Bao nhiêu vốn liếng tôi đã đổ hết về đây. Cuốn sách là món quà từ trái tim tôi, một kẻ bây giờ ra đường đôi khi vẫn quên mũ bảo hiểm nhưng trong tâm khảm lại không bao giờ quên một thời mũ rơm mũ cối, thời viết lách oanh liệt nhất trong cuộc đời tôi. Đơn giản tôi muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm của mình. Biết đâu có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây”, ông nói.