Nhạc sĩ Văn Ký, tác giả của ca khúc Bài ca hy vọng đã qua đời vào 9 giờ 20 phút sáng 26/10. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng khán giả cũng như bạn bè, đồng nghiệp.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác khoảng 400 tác phẩm gồm ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng… trong đó có nhiều ca khúc được coi là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam.
Sức sáng tạo dẻo dai
Nhạc sỹ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Vì gia đình nghèo nên khi mới lớn nên Văn Ký được bà nội đón vào Thanh Hóa. Năm 15 tuổi, Văn Ký tham gia cách mạng, đến năm 1945 ông cùng nhân dân huyện Nông Cống (Thanh Hóa) giành chính quyền và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1946.
Nhạc sĩ Văn Ký. |
Ông có niềm say mê âm nhạc từ nhỏ cho nên đến khi học phổ thông ông đã cùng bạn bè mua sách nhạc lý của Tây về để học. Năm 18 tuổi, ông sáng tác bài Trăng xưa - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò… Sau đó, ông được cử đi học lớp âm nhạc ở Liên khu 4 tại Nghệ An rồi về hoạt động văn nghệ tại Bình Trị Thiên.
Văn Ký là người có năng khiếu về âm nhạc, lại được đi học nhạc từ sớm nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền âm nhạc nước nhà và sớm trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Năm 1950-1954, ông làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu 4 và tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông từng giành giải thưởng lớn với hai nhạc cảnh Dân công lên đường và Lúa thoái tô. Từ năm 1955 ông về Hà Nội và năm 1957 là hội viên sáng lập và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sỹ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963.
Những ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký luôn đậm chất trữ tình, trong sáng, được công chúng yêu thích, như: Tây Nguyên bất khuất , Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, “Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân, Nha Trang mùa thu lại về. Với tài năng âm nhạc hiếm có, ông đã có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà và nhận được nhiều huân, huy chương cao quý.
Nói về nhạc sĩ Văn Ký, nhiều người chia sẻ ông là người hòa đồng, cởi mở và luôn hài lòng với cuộc sống. Mỗi lần có người đến thăm ông đều trao cái bắt tay đầy tình cảm và chân tình. Ông chia sẻ ông tập yoga từ năm 2000 và tập yoga mỗi ngày vì vậy ông có được sức dẻo dai dù là những năm tuổi đã cao. Ông cũng tự tìm hiểu vi tính để có thể đọc báo cập nhật tin tức và trao đổi thư điện tử.
NSƯT Minh Quang cho biết, nhạc sĩ Văn Ký là người hiền lành, không bao giờ cáu giận ai. Dù hơn 90 tuổi và mắc bệnh nhưng ông vẵn chăm chỉ luyện tập rèn luyện sức khỏe.
Nhạc sĩ Phú Ân nhớ Văn Ký luôn giản dị, ân cần với đàn em. Những năm 1960, cố nhạc sĩ được cử đi nhiều nước để học nhạc. Khi trở về, ông dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với đồng nghiệp.
Năm 2012 - ở tuổi 84, Văn Ký còn cho ra đời nhiều sáng tác như "Thương nhớ dòng song," Chiều Thăng Long; Năm 2014 - 86 tuổi, có Xinh quá! Em Sơn La, Sáng Tây Hồ, Tiếng sáo diều, Bát Tràng quê em. Năm 2015, ông có đến 4 bài Quốc hội Việt Nam, Mộng mơ Vũng Tàu, Tây Hồ cổ nguyệt, Lời ru. Ở tuổi 89 - năm 2017, Văn Ký phổ thơ Bùi Phấn Tiếng nói của em, Lời ru xưa và Quảng Ngãi yêu thương lời thơ Lê Chín. Năm 2018, Văn Ký có hai nhạc phẩm Đêm trăng Hạ Long và Dệt mùa Thu xanh phổ thơ Hoàng Kim Đáng.
"Mọi người cứ nhớ bài hát của tôi, quên tôi đi cũng được"
Nhạc sĩ Văn Ký là tên tuổi lớn của nền âm nhạc, sáng tác không ngừng nghỉ dù là thời chiến hay thời bình. Ông chia sẻ: "Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ".
Nhạc sĩ Lê Chính nói rằng, âm nhạc của nhạc sĩ Văn Ký đầy chất thơ, vừa sâu lắng lại vừa dễ nghe. Sinh thời, ông tâm đắc hai câu thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Vì thế, ông luôn dành tình cảm trìu mến khi viết về các tỉnh, thành như các ca khúc: Trời Hà Nội xanh, Nha Trang mùa thu lại về, Nam Định yêu thương, Vũng Tàu bến vui, Nhớ Đồng Nai, Tôi yêu Ban Mê, Nụ cười Sài Gòn... Nhạc của ông mang hơi thở của những vùng đất mà ông từng đi qua.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét sáng tác của ông không nặng tính giáo điều, tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, mượt mà - thể hiện rõ trong tác phẩm để đời Bài ca hy vọng. Khi viết ca khúc, ông mới 30 tuổi, trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết.
Những bài ca của nhạc sĩ Văn Ký thể hiện niềm tin yêu vào cuộc sống, hướng đến tương lai rạng ngời. Một điều khá đặc biệt nữa đó là ông được gọi là "nhạc sĩ của mùa thu": "Đối với tôi bầu trời mùa thu Hà Nội có vẻ đẹp và nói lên rất nhiều điều, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, mà ở đó còn nói lên khát vọng. Bài hát “Trời Hà Nội xanh” là tôi muốn nói lên điều đó. Bầu trời Hà Nội còn là bầu trời chiến thắng, bắn rơi nhiều máy bay của quân xâm lược, bầu trời của những chùm pháo hoa bay lên trong lễ hội và bầu trời ấy mãi xanh bởi khát vọng hòa bình".
Nhắc đến nhạc sĩ Văn Ký không thể không nói đến Bài ca hy vọng, ca khúc mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
Ở tuổi hơn 90 ông vẫn không ngừng sáng tác. |
Ông từng kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước khi đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngày mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng đàn chim đi về tương lai, nên tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh".
Thế nhưng nói đến bài hát làm nên tên tuổi của mình, nhạc sĩ Văn Ký vẫn khiêm tốn chia sẻ: "Tôi không muốn đề cao. Mọi người cứ nhớ về bài hát, nhưng quên tôi đi cũng được!". Dù đã ra đi nhưng chắc chắn những kho báu âm nhạc mà ông để lại sẽ mãi còn lưu lại trong tâm trí của những người yêu nhạc, yêu chất thơ trữ tình của Văn Ký.