Triển lãm ảnh tư liệu “Voi” của nhiếp ảnh gia Trần Thái Khương diễn ra tại Red Door (phố Đồng Khởi, TP Hồ Chí Minh) vào tháng 5/2022 đã thu hút nhiều sự quan tâm, đón nhận của công chúng.
- Điều gì khiến anh quan tâm tới chủ đề Voi?
Tôi bị thu hút bởi loài sinh vật to lớn này, và luôn cố tìm hiểu về chúng. Tôi muốn nhìn voi như chính nó là, mà không phải bị những câu chuyện và truyền thuyết mà con người vẽ nên, hoặc bao bọc chúng.
Phần đầu của chú voi tiêu bản tại Đà Lạt. |
- Anh có lên kế hoạch gì cho hành trình này không, hay là ngẫu hứng?
Hành trình bắt đầu từ một cơ duyên, một lần, tôi vô tình chứng kiến cảnh con người đang xử lý cái xác của một con voi chết già. Họ đang tách xương và da ra khỏi thịt để dựng tiêu bản voi. Tiêu bản này sẽ được sử dụng trong bảo tàng sinh học, để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và tham quan. Cảnh tượng này gây cho tôi ấn tượng mạnh và khiến tôi tự đặt ra nhiều câu hỏi.
Tôi quyết định dùng nhiếp ảnh để giải quyết những vấn đề đó. Có lẽ, nhiếp ảnh là một công cụ cho phép tôi được tiếp cận những con voi còn lại ở Việt Nam, để cung cấp một cái nhìn chân thực về một loài vật khá đặc biệt này. Tôi bắt đầu tiếp cận với nhiều miền đất có voi hiện hữu ở Việt Nam, nhưng nhiều nhất, là ở Đăk Lăk.
Quy trình làm voi tiêu bản tại Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên. |
- Anh có thể chia sẻ về hành trình đi chụp những tư liệu này của mình, những gì đã gây ấn tượng với anh?
Jun là con voi tôi gặp từ năm 2015, lúc đó nó mới 4 tuổi. Jun là voi hoang dã, bị mắc bẫy và được Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk cứu rồi đem về chăm sóc. Tình trạng Jun lúc đó rất tệ, nó bị mất một phần bàn chân trước và vòi thì bị thủng một lỗ. Jun được các bác sĩ và anh em trong Trung tâm quan tâm và chăm sóc rất tốt, nhưng vết thương nặng khiến nó phải sống chung với việc điều trị kéo dài tới bây giờ.
Voi Jun (5 tuổi) được Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lawk cứu khi mắc bẫy trong rừng. |
Tôi nghĩ Jun nhớ mình, nên mỗi lần gặp nhau, Jun đều có những hành động như chào mình. Điều đó khiến tôi ấn tượng. Tôi rất vui vì đã gặp gỡ được nhiều người thú vị, những anh em ở Trung tâm Bảo tồn voi, Animal Asia và mọi người nài voi ở Đăk Lăk, được nghe họ chia sẻ những câu chuyện về voi và tình cảm của họ dành cho chúng luôn làm tôi trân trọng.
"Tôi nghĩ Jun nhớ mình, nên mỗi lần gặp nhau, Jun đều có những hành động như chào mình". |
- Câu chuyện với voi cái H’Ban Nang đã diễn ra thế nào?
Tôi có nghe thông tin về một con voi cái có tên là H’Ban Nang 36 tuổi đã mang bầu. Đây là hiện tượng rất hiếm, H’Ban Nang là con voi nhà đầu tiên ở Việt Nam mang thai trong hơn 30 năm qua. Tôi còn nhớ chuyến lên đường tiếp cận voi cái H’Ban Nang, tôi gặp voi trong một chiều mưa cuối năm ở ven hồ Lăk. Voi cái H’Ban Nang đang cùng người quản tượng của mình trên đường tới điểm phục vụ khách du lịch.
Voi và các quản tượng tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên tại Krong Na, Buôn Đôn, Đăk Lăk. |
Cưỡi voi qua hồ là một trong những hoạt động du lịch rất thu hút ở đây. Trong thời gian mới mang thai, H’Ban Nang vẫn phải làm việc. 8/10/2017, H’Ban Nang sinh được con voi đực Y Bak Nô, nhưng buồn thay, chú voi con đã bị chết lưu trong bụng mẹ, nguyên nhân là mẹ chuyển dạ quá lâu (2 ngày) dẫn tới chú voi bị chết ngạt.
Hoạt động cưỡi voi gây nhiều tác hại nghiêm trọng về tâm sinh lý và sức khỏe cho voi. |
- Chuyện chú voi Y Bak Nô chết, cũng là một điều thật đáng tiếc, theo anh, làm thế nào để cải thiện tình hình tồn tại, và bản năng sinh sản cho loài voi ở Việt Nam?
Tôi nghĩ chuyện này đang được sự quan tâm khá lớn, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cùng các chuyên gia nước ngoài đã quan tâm hỗ trợ chăm sóc đặc biệt, xét nghiệm hoóc-môn sinh sản, xác định thời điểm rụng trứng của một số voi cái ở Buôn Đôn với hy vọng tạo điều kiện cho voi cái được giao phối và sinh sản.
Thêm vào đó, việc phục hồi môi trường sống, chấm dứt việc sử dụng voi cho mục đích du lịch và những mục đích khác, theo dõi sức khỏe định kỳ để nắm được tình trạng của từng con voi trong độ tuổi sinh sản, từ đó tạo điều kiện để voi có thể quay lại bản năng của mình như trong môi trường tự nhiên sẽ giúp phát triển số lượng và chất lượng cho đàn voi nhà. (hiện còn 44 con so với hơn 500 con vào năm 1980).
Voi Y Mâm (49 tuổi) trong rừng Lawk. Tháng 5/2020, Y Mâm đã quật chết người quản tượng của mình. |
- Chọn cách nói chuyện bằng ảnh tư liệu, vậy anh có thể chia sẻ về kỹ thuật, cách thực hiện, để tạo nên những tấm hình đầy cảm xúc?
Tôi quyết định chụp bằng máy phim khổ lớn để có thể tối ưu tương quan không gian giữa các yếu tố trong khung hình và có thể in ấn tốt. Tôi sử dụng lens tiêu cự trung bình để có thể tiếp cận voi ở mức gần khi có thể. Khi chụp, tôi cố gắng đưa voi vào giữa khung hình, bố cục chân phương nhất có thể, tránh làm phiền hoặc tác động tới đối tượng mà tôi đang chụp. Sự tự nhiên và đơn giản là điều tôi muốn hướng tới.
Vườn Quốc gia Yok Đôn, 2015, Đăk Lawk. |
- Có lẽ đề tài mà anh quan tâm trong mảng tư liệu còn nhiều, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tôi đang quan tâm nhiều đề tài khác và đang bắt đầu tiến hành cho những dự án ảnh khác như các đề tài về đời sống con người và nơi chốn họ đang sống, con người và nơi chốn đã mất… Những mối quan tâm của tôi với mọi thứ xung quanh, chúng tác động tới tôi dù ít dù nhiều theo một cách nào đó. Tìm hiểu về đời sống, con người sẽ giúp tôi mở ra những cánh cửa, cho tôi cơ hội để được sống sâu đậm hơn, neo tôi lại nơi chân mình đang đứng và hy vọng cái nhìn của mình có thể được chia sẻ và mở ra những cánh cửa mới với một ai đó.
Xin chân thành cảm ơn anh!
“Voi” là một ghi chép bằng hình ảnh về những con voi cuối cùng ở Việt Nam, những con voi và những câu chuyện về chính chúng. “Voi” là những chuyến kiếm tìm, là những chờ đợi, là cơ duyên và hy vọng, là niềm vui giữa rừng già, là nỗi buồn nơi phố thị, là câu hỏi về tương lai - tương lai cho voi và cho con người. “Voi” là con đường được vẽ ra giữa màu xanh đại ngàn đã một thời từng là cõi mênh mông và trù phú, từ mùa mưa sang mùa khô, lá khộp rơi, màu cát bụi nhuộm thắm con đường. (tự bạch của Trần Thái Khương)
Những nguyên nhân chính gây ra sự giảm số lượng nghiêm trọng của loài voi ở Việt Nam là do sự mất mát và phân mảnh môi trường sống, cùng với sự săn bắt và lạm dụng sức lao động. Tổ chức WWF đã ước tính voi hoang dã ở Việt Nam sẽ tuyệt chủng trong vài năm tới và sẽ không còn voi nhà vào năm 2045.