• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại một năm khó khăn của điện ảnh Việt

Dịch bệnh đã thay đổi về chiều rộng lẫn chiều sâu của phim Việt. Nền điện ảnh của...

Điện ảnh Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn, ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. T rong 6 tháng đầu năm, rạp chiếu phim cũng chỉ mở cửa hoạt động trong ba tháng. Thời điểm này, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Bố già đồng loạt phát hành. Đây là hai dự án phim nội địa được khán giả chờ đợi nhất trong năm 2021.

Bố già của Trấn Thành đã thu về 100 tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới của điện ảnh Việt. Tác phẩm rời phòng vé với doanh thu là 420 tỷ đồng và được phát hành tại nhiều thị trường quốc tế. Tại kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, Bố già cũng giành nhiều giải thưởng quan trọng, có thể kể đến như Bông sen Bạc, giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao Tuấn Trần và Ngân Chi với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Ngoài ra, Trấn Thành cùng ê-kíp cũng được trao giải thưởng cao nhất ở hạng mục dành cho Biên kịch xuất sắc.

Nhìn lại một năm khó khăn của điện ảnh Việt

Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả rời rạp với doanh thu hơn 55 tỷ đồng. Thất bại của Gái già lắm chiêu V đến từ kịch bản phim, yếu tố đồng cảm và hiệu ứng truyền thông (điều mà Bố già tỏ ra nhỉnh hơn). 

Lật mặt: 48h  không có ngôi sao phòng vé nhưng thu hút bởi những pha hành động đẹp mắt, kịch tính. Dàn diễn viên như Võ Thành Tâm, Mạc Văn Khoa, Ốc Thanh Vân, Huỳnh Đông… nhập vai, tạo ra sự tổng hòa, mạch cảm xúc chung xuyên suốt bộ phim. Vừa ra mắt, phim hành động của Lý Hải tạo ra sự khả quan về mặt phòng vé. Sau hai buổi tối chiếu sớm và ngày khởi chiếu, bộ phim đã thu hơn 20 tỷ đồng. Sau hai tuần khởi chiếu, phim thu 150 tỷ đồng

Trong năm 2021, điện ảnh Việt còn chứng kiến sự thất bại của nhiều tác phẩm với doanh thu bết bát, kịch bản rời rạc, kém hấp dẫn.

Võ sinh đại chiến là tác phẩm mở đầu năm nay, với doanh thu thảm hại 1,2 tỷ đồng và rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu. Sau thất bại nặng nề, ê-kíp phim lên tiếng chỉ trích nhà rạp, nhà phát hành chèn ép.

Hai tác phẩm được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là Kiều và Kiều@ công chiếu. Trong đó, Kiều của Mai Thu Huyền được coi là thảm họa điện ảnh Việt.

Nằm trong top những bộ phim Việt đáng quên của năm 2021 phải kể đến là Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy. Trước khi ra rạp, Cậu Vàng từng bị kêu gọi tẩy chay vì đoàn phim chọn chó Shiba Inu đóng cậu Vàng. 

Ngày 3/5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP.HCM chỉ đạo ngừng nhiều dịch vụ giải trí, trong đó có rạp phim. Điện ảnh Việt trải qua quãng thời gian đầy khó khăn khi hàng loạt phim nối đuôi nhau đắp chiếu, không thể ra mắt. Hai dự án gồm Rừng thế mạng và Chuyện ma gần nhà của Trần Hữu Tấn sau vài lần dời lịch chiếu, phải chịu thiệt hại trên hai tỷ đồng.

Lịch trình quay và công chiếu của phim 578: Phát đạn của kẻ điên 9 (Lương Đình Dũng) nhiều lần thay đổi. Chi phí phát sinh riêng khâu sản xuất của dự án đã lên tới gần 17 tỷ đồng.

Ngày 19/11, hệ thống rạp chiếu mới sáng đèn trở lại sau hơn 6 tháng. Để tránh đối đầu với loạt bom tấn Hollywood, các nhà sản xuất Việt chọn thời điểm cuối tháng 12 để giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Tuy nhiên, doanh thu trong tuần đầu rạp phim mở cửa trở lại không khả quan. Trong đó, bom tấn Shang-Chi đứng đầu phòng vé đạt 4,5 tỷ đồng. Doanh thu của hai phim Việt ở mức khiêm tốn, Thiên thần hộ mệnh (200 triệu đồng), Lật mặt: 48h (43 triệu đồng).

Dịch bệnh đã thay đổi về chiều rộng lẫn chiều sâu của phim Việt. Để vực dậy thị trường điện ảnh trong thời gian tới, bên cạnh sự tiếp sức của Nhà nước với chính sách thông thoáng, tạo điều kiện phát triển, giới làm phim cũng phải học cách lắng nghe thị trường nhiều hơn, chịu khó cập nhật xu hướng điện ảnh trong khu vực và thế giới để tự đổi mới, phát triển.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật