• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bộ phim gắn liền với tên tuổi của nhà biên kịch Lê Phương

Lê Phương là một tiểu thuyết gia, một nhà biên kịch tài ba. Tên tuổi của ông gắn liền với...

Bên cạnh đó, ông cũng ghi dấu ấn với những cuốn tiểu thuyết: Bạch đàn, Ngã ba thời gian, Thung lũng Cô Tan, Bông mai mùa lạnh...

Lê Phương là một tiểu thuyết gia, một nhà biên kịch tài ba. Tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu”,“Biệt động Sài Gòn”... Ảnh: baogiaothong.vn
Lê Phương là một tiểu thuyết gia, một nhà biên kịch tài ba. Tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu”,“Biệt động Sài Gòn”... Ảnh: baogiaothong.vn

Với vai trò tác giả kịch bản, có thể kể tới kịch bản những bộ phim như: “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, “Biệt động Sài Gòn” (4 tập cùng với Nguyễn Thanh) hay "Cơn lốc biển" (kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết "Bất khuất" của ông)…

Lê Phương và  người bạn đời - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - là một trong số những người đầu tiên làm phim truyền hình dài tập. Họ đã viết chung một số bộ phim dài tập như: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh; hoặc viết chung các phim một đến hai tập như: Mã số thần kì, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng…

Cùng PNM điểm lại một số tác phẩm tiêu biểu của ông. 

Nơi gặp gỡ của tình yêu

Kịch bản phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” là câu chuyện xoay quanh Dương Tấn – một kỹ sư của chế độ Sài Gòn ở lại miền Nam sau ngày giải phóng. Anh đang lo lắng trước cuộc sống mới thì được chính quyền cách mạng mời ra làm việc để khôi phục nhà máy thủy điện A5 cùng với kỹ sư Đỗ Long mới từ Bắc vào. Quá trình làm việc với Đỗ Long, nhóm kỹ sư Sài Gòn gồm: Dương Tấn, Linh Đa, Thúy Lan đã nhận ra nhiều phẩm chất tốt đẹp ở người kỹ sư này. Từ chỗ nghi ngờ, mặc cảm, họ đã tin yêu Đỗ Long, hợp tác rất tốt với anh trong công việc.

"Nơi gặp gỡ của tình yêu" là một trong những phim Việt Nam hay trong những năm 1980

Bộ phim là một trong những phim Việt Nam hay trong những năm 1980, với sự tham gia của diễn viên Thế Anh, Thu Hiền, Huy Công từ Bắc vào, cùng mỹ nhân Sài Gòn Thẩm Thúy Hằng và võ sư Lý Huỳnh.

Bộ phim cũng cho ra đời bài hát Nơi anh gặp em của Hoàng Hiệp, từng rất nổi tiếng với giọng ca Lâm Xuân và sau này là Thanh Hoa.

Biệt động Sài Gòn

"Biệt Động Sài Gòn" là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 80 cả về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và thu hút khán giả – từng là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và luôn được yêu thích suốt hơn 20 năm qua.

Bộ phim dài 4 tập gồm “Điểm hẹn”, “Tình lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em”. Dù không quá nhiều cảnh miêu tả khói lửa, thương vong chiến tranh, nhưng bộ phim vẫn khiến khán giả bị thu hút bởi những cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ biệt động giữa thành phố Sài Gòn trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

"Biệt động Sài Gòn" đã trở thành tượng đài trong lịch sử điện ảnh Việt Nam

Dưới vỏ bọc là cặp tình nhân, sau đó là vợ chồng, cùng điều hành Hãng sơn Đông Á, Tư Chung và Ngọc Mai cùng các đồng đội của mình đã liên tục làm điên đảo cả lực lượng quân đội, cảnh sát lẫn tình báo Mỹ-Ngụy. Trong khi đó, một nữ chiến sĩ biệt động khác, Huyền Trang, phải cải trang thành ni cô để che mắt địch. Sống giữa kẻ thù, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, liên lạc với đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải, không chỉ trước làn đạn mà còn là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm. Xen giữa những cuộc đối đầu nảy lửa là câu chuyện cảm động quanh mối tình của Tư Chung với Huyền Trang, tình yêu của Ngọc Mai cho Tư Chung, của Ngọc Lan với Sáu Tâm…

"Biệt động Sài Gòn" quy tụ dàn diễn viên tài năng và có thể nói là đẹp nhất màn ảnh Việt Nam khi đó: Thương Tín, Thanh Loan... Các nhân vật trong phim, với tài nhập vai xuất thần của các diễn viên, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem nhiều thế hệ…

Sống mãi với Thủ đô

Sống mãi với Thủ đô” là một phim chiến tranh cách mạng do Lê Đức Tiến và Nguyễn Thế Vĩnh đồng đạo diễn chính, xuất phẩm năm 1996 tại Hà Nội. Phim được hai nhà biên kịch Lê Phương – Trịnh Thanh Nhã chuyển thể từ tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và kịch bản phim truyện “Lũy Hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

"Sống mãi với Thủ đô" là bộ phim được hai nhà biên kịch Lê Phương – Trịnh Thanh Nhã chuyển thể từ tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và kịch bản phim truyện “Lũy Hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Hanoitv.vn

Với 6 tập: “Trước giờ nổ súng”, “Ngày 19 tháng 12 năm 1946”, “Chiến lũy”, “Kinh thành khói lửa”, “Lời thề quyết tử”, “Hẹn ngày trở lại”, bộ phim đã tái hiện những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội mùa đông 1946 với khí thế đầy sục sôi. 

 Lấy bối cảnh Hà Nội những ngày tháng 12 năm 1946 đến tháng 2 năm 1947, những vụ khiêu khích giữa lính mũ đỏ Pháp với các toán tự vệ thành Hoàng Diệu ngày càng công nhiên. Trên bàn ngoại giao, cuộc đấu tranh giữa hai chính phủ Pháp-Việt dần đi tới hồi kết. Trong khi đó, những vụ gây rối của các chính đảng quốc gia dưới sự hậu thuẫn của quân Tàu Tưởng khiến tình hình mỗi lúc một vượt tầm kiểm soát. Người Hà Nội phải chọn giữa chết vinh và sống nhục, tản cư hay ở lại chiến đấu đến cùng. Cứ thế, mỗi số phận con người nhỏ nhoi bám chặt lấy vận mệnh một đô thị đổ nát vì chiến sự leo thang. Có bi thương và nụ cười, có trượng nghĩa và phản bội, có hào hoa và hèn nhát... Phim không khắc họa nhân vật chính thứ để mô tả một lớp người đã hòa vào dòng chảy thời đại.

Cơn lốc biển

Bộ phim “Cơn lốc biển” là phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bất khuất” của chính Lê Phương. Cuốn tiểu thuyết được coi là nguồn tư liệu lịch sử quý giá khắc họa phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân mỏ cũng như phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng chính là cuốn tiểu thuyết duy nhất viết riêng về cuộc đình công của thợ mỏ với chủ mỏ Pháp vào tháng 11/1936.

Hết hạn tù Côn Đảo, Toại trở về vùng mỏ Hòn Gai để xây dựng phong trào cách mạng trong công nhân. Ảnh: thtg.vn
Hết hạn tù Côn Đảo, Toại trở về vùng mỏ Hòn Gai để xây dựng phong trào cách mạng trong công nhân. Ảnh: thtg.vn

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương từng tự hào và tâm đắc rằng: chính quá trình viết cuốn tiểu thuyết và “ba cùng” với công nhân vùng mỏ mà dường như cái “chất” công nhân đã thấm vào ông, khiến ông luôn mang cái tinh thần ấy vào mọi sáng tác của mình sau này - đó là một thái độ lao động nghiêm túc, đã nói là làm và làm tốt nhất có thể với tinh thần cống hiến đầy trách nhiệm.

Nhà văn Lê Phương từng chia sẻ “Tôi chọn cái tên "Bất Khuất" cho tiểu thuyết của chính mình bởi cái tinh thần ấy toát ra từ nụ cười trên gương mặt lấm lem của mỗi người thợ mỏ, đã trải qua những năm tháng lầm than, nhưng cũng đầy anh dũng của cuộc đấu tranh cách mạng kéo dài hơn chục năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp”.

Ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam từng nhận định “Từ tiểu thuyết đến phim truyện nhựa "Cơn lốc biển" đã góp phần làm phong phú thêm cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của những người thợ mỏ đầu thế kỷ XX với những con người thật, việc thật.”

Phim do đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi với sự tham gia của các diễn viên Trần Vịnh, Tất Bình, Như Quỳnh, Thanh Quý.

Diệu Thuần (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật