Nhắc tới sự nghiệp văn chương đồ sộ của Milan Kundera, khó có thể tách bạch tiểu thuyết và tiểu luận. Các tiểu luận của Kundera chinh phục người đọc không phải qua các khái niệm, thuật ngữ hay diễn giải mà bằng lối kể chuyện hấp dẫn và độc đáo.
Mới đây, Nhã Nam đã cho ra mắt Những di chúc bị phản bội, cuốn tiểu luận về văn học uyên bác và giàu giá trị của Kundera. Ông viết với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà phê bình âm nhạc, đồng thời như một hiệp sĩ rong ruổi dọc lịch sử văn hóa châu Âu.
Trong cuốn sách này, Kundera dành sự quan tâm đặc biệt với các nhà văn lớn của thế kỷ 20 như Franz Kafka, Thomas Mann, Hemingway, Rabelais và những nhà soạn nhạc mà ông ngưỡng mộ (Stravinski và Janacek), với lượng kiến thức về văn học và âm nhạc đầy choáng ngợp.
Những di chúc bị phản bội là một tiểu luận gồm 9 phần liên kết với nhau bằng các phân đoạn và trình tự, không có tường thuật hay cốt truyện, không có nguyên tắc kết cấu hay chủ đề bao quát; nhưng có một sự thông suốt trong tư tưởng về nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật.
Sự tôn trọng dành cho nghệ thuật
Xuyên suốt chín chương của tiểu luận, các nhà văn và nhà soạn nhạc liên tục xuất hiện và tái xuất hiện, đi qua và đan chéo nhau giống như những nhân vật trong tiểu thuyết. Từ đó, cuốn sách thể hiện quan điểm của ông về nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng như sự tôn trọng dành cho các tác phẩm nghệ thuật và ý nguyện của người tạo ra chúng.
Kundera kịch liệt chỉ trích những hành động coi thường, bóp méo ý nguyện của người sáng tạo nghệ thuật; làm tổn hại đến tác phẩm nghệ thuật của họ bằng cách chỉnh sửa, thêm, xóa, tự ý xuất bản hoặc biểu diễn; áp đặt tác phẩm, thời sự hóa nó, cắt nghĩa nó, biến nó thành chìa khóa để tọc mạch tiểu sử. Kundera cũng tiếp tục nhất quán với tinh thần mà ông vốn nổi tiếng và đã không ít lần bàn tới ở các tiểu luận khác: tinh thần chống cái kitsch (cái giả, sến, sáo) trong nghệ thuật.
Tài năng xuất chúng trong ngôn ngữ
Milan Kundera sở hữu tài năng hiếm có trong việc chọn lọc những từ đích xác để mô tả bất kỳ ai và bất kỳ thứ gì một cách sắc lạnh mà không thiếu hài hước. Nhờ vậy mà quan điểm của ông, dù cực đoan hay chủ quan vẫn dẫn dắt độc giả tới những kết luận khó lường nhưng tuyệt đối hấp dẫn và khó cưỡng.
Trong cuốn sách này, tinh hoa ngòi bút Kundera say sưa và sắc sảo nhất khi bàn về Franz Kafka.
Kafka vốn là thần tượng của nhiều người, điều này chắc ai cũng biết. Nhưng ngang trái làm sao, có lẽ ông cũng bị hiểu sai nhiều nhất bởi chính những người ái mộ mình.
Người cần được xướng tên đầu tiên trên bảng vàng những kẻ đã “phản bội” Kafka, không phải ai khác chính là Max Brod – bạn thân đồng thời cũng là người đã “làm trái” di chúc của Kafka và “đưa ông ra ánh sáng”.
Ngay từ khâu di chúc, Max Brod đã tự ý vẽ nên hình ảnh Kafka – một nhà văn trầm uất hận đời muốn hủy diệt tác phẩm của chính mình. Chưa hết, cho xứng với tư cách một nhà lãng mạn, Brod ra sức quảng bá Kafka theo những cách kịch tính nhất có thể: áp đặt những cách hiểu sai lệch về Kafka và tác phẩm của Kafka; thần thánh hóa, khổ hạnh hóa Kafka.
Kundera, một người ái mộ nồng nhiệt của Kafka, không chỉ vạch ra những cái lệch lạc trong cách Brod “tô vẽ” Kafka và định hướng nghệ thuật cho những tác phẩm của Kafka (ông chỉ ra Brod đã cắt bỏ những câu tỏ ý vui thú trong việc đi nhà thổ của Kafka hay kiểm duyệt những chi tiết mà tự ông ta cho là trần tục ở Kafka); Kundera còn phản bác lại hình ảnh Kafka đã bị tô vẽ: từ cái huyền thuyết về di chúc của Kafka đến mỹ học đã bị hiểu sai trong tác phẩm của ông.
Được viết ra từ lòng yêu mến và tôn trọng sâu sắc, có thể nói những phân đoạn Kundera bàn về Kafka trong Những di chúc bị phản bội chính là điểm nhấn của cuốn tiểu luận này.
Bên cạnh đó, Kundera đề cao tính trung thành của bản dịch với nguyên tác cũng như của người dịch với tác giả. Cái cách ông phải cay đắng thốt lên rằng thật lạ khi người ta cứ thích màu mè, trữ tình hóa văn chương Kafka hơn là dịch sát từng câu từ đẹp và đơn giản của Kafka; hay việc ông có thể sắc sảo chỉ ra những sai lầm trong việc đọc, hiểu và dịch Kafka, không đơn thuần chỉ là sự bới móc hay phê bình nhắm tới vài cá nhân cụ thể. Đó là biểu hiện sâu sắc và đáng tin cậy nhất của lòng ngưỡng mộ của Kundera dành cho Kafka, với gốc rễ là một sự trung thành và tôn trọng.
Những di chúc bị phản bội là một cái nhìn uyên bác về nghệ thuật tiểu thuyết trong dòng chảy văn học và tương quan với những nghệ thuật khác mà cụ thể ở đây là âm nhạc; một tinh thần kiên định với thái độ tôn trọng với những nghệ sĩ lừng lẫy.
Mặc dù xuất bản lần đầu vào năm 1993, nhưng phần lớn nội dung của tiểu luận này không hề cũ kỹ, mà trái lại càng mang tính khai sáng và vượt trước thời đại. Đặc biệt ở thời đại truyền thông mạng xã hội này, những lời “tiên tri” của Kundera chắc chắn vẫn khó có thể sai trong tương lai gần.
Milan Kundera sinh năm 1929 trong một gia đình trí thức trung lưu tại Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981. Ông lớn lên trong một môi trường mà văn hóa nghệ thuật có vị trí rất quan trọng. Bố ông là Ludvik Kundera, một nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng ở Séc. Kundera được học piano từ khi còn bé. Âm nhạc để lại dấu ấn không nhỏ trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông. Khi bị thu hồi quyền công dân Tiệp Khắc, ông định cư ở Pháp từ năm 1975 và trở thành công dân Pháp từ năm 1981.
Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, ông chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995. Ngoài 10 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, và 9 trong số đó đã được dịch ở Việt Nam: Cuộc sống không ở đây, Điệu valsa giã từ, Những mối tình nực cười, Vô tri (Cao Việt Dũng dịch), Lễ hội của vô nghĩa (Nguyên Ngọc dịch), Đời nhẹ khôn kham (Trịnh Y Thư dịch), Sự bất tử, Chậm, Căn cước (Ngân Xuyên dịch); ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã dịch sang tiếng Việt.