• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ra mắt “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ”

Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết những trang đầu tiên của hồi...

“Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” (NXB Trẻ phát hành) là câu chuyện về cuộc đời của nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 với những bước ngoặt lớn từ khi tham gia hai cuộc kháng chiến đến giai đoạn chung tay tái thiết, dựng xây đất nước vào thời bình.

Ra mắt “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ”

Trong bước đường lớn khôn, trưởng thành, và tham gia cách mạng cho đến gần hết cuộc đời, bà Đỗ Duy Liên (Tư Liên) đã gắn bó máu thịt với mảnh đất phương Nam, với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ, với bao biến động thời cuộc, bà đã kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng trong thời bình.

Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết những trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ, khi đó chính các con bà cũng chưa biết. Về sau, các con của bà tìm thấy các tập bản thảo khi dọn phòng, từ đó mới hoàn thành nốt những phần còn lại dựa vào lời kể của bà Duy Liên lúc còn tỉnh táo (hiện trí nhớ của bà đã suy giảm do tuổi già), cộng thêm những cảm nhận riêng, và những bài bà viết đăng trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu liên quan…

Quyển sách “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ” gồm có 4 phần chính và phụ lục ảnh màu.

Phần 1 kể về tuổi thơ, quá trình trưởng thành và tham gia kháng chiến của cô nữ sinh Đỗ Duy Liên. Đó là những ngày tháng hăng say, trốn nhà để tham gia cách mạng, những bỡ ngỡ với cuộc sống tập thể và những bài học lý luận đầu tiên, từ cô giao liên đến người cán bộ Hội phụ nữ, thành viên tiểu ban tình báo, làm báo, tuyên truyền... và nhiều công tác khác, việc gì bà cũng làm hết sức mình. Bà đã bị bắt bốn lần, phải ngồi tù hai lần, bị tra tấn dã man nhưng vẫn không khai một lời.

Ra mắt “Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ”

Phần 2 là những lá thư bà viết cho chồng. Ông hy sinh năm 1968 tại Bến Cát, Bình Dương. Lá thư đầu tiên bà viết cho ông là khi đang trên đường từ Hội nghị Paris về Hà Nội, khi quá cảnh ở Bắc Kinh, ngày 12/2/1969. Và hằng năm, đều đặn từ đó, bà vẫn viết thư kể cho ông về tình yêu, gia đình, nỗi nhớ....

Phần 3 gồm hồi ức của các con về bà Đỗ Duy Liên, bắt đầu từ khi bà ra miền Bắc (giữa năm 1968), rồi trở lại chiến trường miền Nam (đầu năm 1973), tiếp quản thành phố Sài Gòn (30/4/1975), tái thiết, xây dựng, phát triển Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu với rất nhiều sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của bà.

 Phần 4 là cảm tưởng của nhiều người từng là đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân... về bà.

Sau năm 1975, bà Đỗ Duy Liên đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Bà là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội,về sau là Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách Văn-Xã (hai nhiệm kỳ 1980-1989), cũng là nữ Phó chủ tịch đầu tiên. Bà là người chủ trì phát hành số đầu tiên báo Phụ nữ Sài Gòn (tiền thân của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh), đặt nền móng cho Hội bảo trợ Bệnh viện miễn phí thành phố (sau là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh), Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh; luôn quan tâm con em gia đình liệt sĩ sống và học tập tập trung tại trường Lý Tự Trọng....

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhận xét: Những dòng hồi ức của Duy Liên... thật chân thực và vô cùng xúc động, nó phản ảnh rất đúng về con người Duy Liên – một nữ cán bộ rất năng nổ, đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm, luôn sáng tạo và có phần táo bạo trong công tác; một người bạn sống giản dị, tình nghĩa; một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng, vì con. Trong sự nghiệp của mình, Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.... Cần phải nói: cuộc đời Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời – của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ – để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình.”/. 

DUNG TRẦN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật