Mặc dù đã có hàng trăm tác phẩm viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, cuốn sách Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh của Ngô Tự Lập (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2022) vẫn là một tác phẩm rất khác biệt. Có lẽ đây là công trình đầu tiên viết về tư tưởng Hồ Chí Minh ở bình diện triết học. Ngoài cách tiếp cận mới mẻ, tác phẩm còn lôi cuốn nhờ phong cách riêng của Ngô Tự Lập: khúc chiết, khách quan nhưng cũng rất giàu hình ảnh và nhạc điệu.
Chúng tôi xin giới thiệu một bài phỏng vấn Ngô Tự Lập về tác phẩm mới nhất của ông.
Tác giả Ngô Tự Lập trong buổi ra mắt sách Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh vào tháng 5/2022 |
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tác phẩm mới của ông có gì khác so với những cuốn sách đã xuất bản về tư tưởng Hồ Chí Minh?
Ngô Tự Lập (NTL): Thứ nhất, đúng là đã có hàng trăm công trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có không ít công trình xuất sắc. Nhưng các công trình đó chủ yếu dừng ở sự liệt kê, mô tả và phân tích những biểu hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh trong những lĩnh vực khác nhau, chứ chưa thực sự bàn đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Một ví dụ là cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, mà theo tôi là công trình có nhiều ảnh hưởng nhất cho đến nay. Nhưng như cái nhan đề đã nói rõ, đó là một công trình về tư tưởng Hồ Chí Minh ứng dụng vào cách mạng Việt Nam, chứ chưa phải là về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, phần lớn các tác giả khác cho rằng về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh là sự ứng dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, kết hợp với truyền thống yêu nước của người Việt.
Cuốn sách của chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ định danh tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách một hệ thống thống nhất, bao gồm phương pháp luận và hệ giá trị. Chúng tôi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển truyền thống tư tưởng Việt Nam, mà chúng tôi gọi là Thực tiễn luận cộng đồng, chứ không phải đơn thuần là sự ứng dụng tư tưởng nước ngoài. Truyền thống tư tưởng Việt Nam đóng vai trò một bộ lọc, giúp Hồ Chí Minh lựa chọn những yếu tố phù hợp từ nước ngoài để bổ sung vào hệ tư tưởng riêng của mình.
Bía sách Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh |
PV: Xin ông giải thích về khái niệm “Thực tiễn luận cộng đồng”?
Nếu phải mô tả thật vắn tắt truyền thống tư tưởng Việt Nam, thì theo chúng tôi, đó là Thực tiễn luận cộng đồng. Đó là một hệ thống bao gồm Phương pháp luận thực tiễn và Hệ giá trị cộng đồng.
Thực tiễn luận là lấy thực tiễn làm căn cứ để xác định và đánh giá hoạt động của cá nhân và xã hội. Người Việt nhìn chung khá thực dụng, không thiên về logic, tư biện, mà thiên về hành động, chức năng; không mạnh về kế hoạch, nguyên tắc, mà có xu hướng coi trọng sự thích ứng, uyển chuyển; không duy lý mà duy tình.
Hệ giá trị cộng đồng xác lập vị thế ưu trội của cộng đồng so với cá nhân. Trong văn hóa Việt Nam, nói về một người trước hết là nói anh hay chị ta thuộc gia đình nào, dòng họ nào, làng nào, miền nào… Hệ giá trị cộng đồng là thước đo đạo đức, định hướng hành vi của cá nhân trong xã hội.
PV: “Thực tiễn luận cộng đồng” trở thành “Thực tiễn luận nhân đạo” như thế nào?
Ở Hồ Chí Minh, phương pháp luận thực tiễn được bổ sung bởi phương pháp luận duy lý phương Tây, đặc biệt là phương pháp luận Marxist, còn hệ giá trị cộng đồng trở thành hệ giá trị nhân đạo nhờ sự mở rộng nội hàm khái niệm cộng đồng. Trong quá khứ, cộng đồng lớn nhất đối với người Việt là quốc gia, và tên thường dùng của tinh thần cộng đồng lớn nhất ấy là “lòng yêu nước”. Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức, nhưng đã làm nhiều nghề, đến nhiều nước, nói nhiều thứ tiếng, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá. Vì thế, thế giới quan của Hồ Chí Minh vượt ra khỏi giới hạn quốc gia.
Hệ giá trị nhân đạo giải quyết không chỉ những mâu thuẫn trong ranh giới quốc gia, mà cả những mâu thuẫn quốc tế, giữa các quốc gia, chủng tộc, nền văn hóa và thậm chí là giữa con người với thế giới tự nhiên.
PV: Được biết, ông đã mất 18 năm để hoàn thành cuốn sách. Vì sao lâu như vậy? Phải chăng ý tưởng trung tâm của cuốn sách đã có sự tiến hóa theo thời gian?
Tôi bắt đầu nghiên cứu và công bố từng phần công trình này từ năm 2004. Như vậy đúng là 18 năm mới hoàn thành. Ngay từ bài báo đầu tiên tôi đã định danh tư tưởng Hồ Chí Minh là Thực tiễn luận nhân đạo. Nhiều khi những ý tưởng quan trọng xuất hiện rất nhanh và tự nhiên. Tuy nhiên, để củng cố luận điểm trung tâm ấy, để thuyết phục được chính mình, tôi đã phải đọc rất nhiều sách, khảo sát rất nhiều tài liệu.
Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh của Ngô Tự Lập là công trình đầu tiên viết về tư tưởng Hồ Chí Minh ở bình diện triết học |
PV: Xin ông cho biết những khó khăn trong khi thực hiện cuốn sách
Khó khăn đầu tiên dễ nhìn thấy, đó là tình trạng thiếu tài liệu. Hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh trước năm 1945 cực kỳ đa dạng, tại nhiều nước, thường xuyên trong các điều kiện bí mật, vì thế còn nhiều điều chúng ta chưa biết. May mắn là tôi tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu quý hiếm lưu trữ ở nước ngoài, trong đó đặc biệt là hồ sơ theo dõi Nguyễn Ái Quốc của mật thám Pháp, nay được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (ANOM).
Khó khăn thứ hai là định kiến. Khi nghiên cứu một nhân vật tầm cỡ Hồ Chí Minh, người ta dễ bị tác động bởi những kết luận có sẵn, nhiều khi rất cực đoan. Một ví dụ là nhiều người, chẳng hạn bà Sophie Quinn-Judge, cho rằng Hồ Chí Minh có ít, hay thậm chí không có, trước tác lý luận. Thực ra, trong số lượng tác phẩm của Hồ Chí Minh rất đồ sộ. Ông viết bằng nhiều thứ tiếng, dưới nhiều bút danh, về nhiều chủ đề, với nhiều lối viết hết sức đa dạng, từ giản dị, chất phác đến uyên bác, tài hoa. Ngoài những văn bản ngắn, viết trong những bối cảnh cụ thể, phục vụ những mục đích thực tiễn cụ thể, Hồ Chí Minh còn có hơn hai mươi cuốn sách hoặc bản thảo sách hoàn chỉnh mà chúng ta còn tiếp cận được. Cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), chẳng hạn, là một trong những công trình tiên phong trên thế giới, đặt nền móng cho ngành Nghiên cứu thuộc địa và về sau là Nghiên cứu Hậu thuộc địa.
Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất là thói quen “suy bụng ta ra bụng người”, lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Tất nhiên, vĩ nhân cũng là người, nhưng đạo đức và tài năng của họ khiến những người tầm thường không thể nào tin được. Bạn có thể hình dung một chàng trai ba mươi tuổi mà toàn quyền Đông Dương và Bộ trưởng Bộ thuộc địa phải mời đến gặp ba lần (1919, 1921 và 1922)? Bạn có thể hình dung chàng trai ấy kết bạn bạn với những vĩ nhân như vợ chồng bác học Marie và Pierre Curie, những văn hào Pháp như Henri Barbusse và Romain Rolland, danh hoạ Pablo Picasso, đã gặp gỡ và làm việc với những chính trị gia hàng đầu của Pháp và thế giới, từ Albert Saraut, Marius Moutet, Léon Blum đến Trosky? Bạn có thể hình dung, Hồ Chí Minh là người Việt đầu tiên có minh hoạ đăng trên báo (1921), là tác giả vở kịch nói thứ hai và vở kịch Việt Nam đầu tiên được công diễn tại Paris (1922), là cha đẻ của văn học viễn tưởng hiện đại?
Còn nhiều điều khác nữa. Hầu như ở lĩnh vực nào Hồ Chí Minh cũng có đóng góp, trong nhiều trường hợp là người mở đường.
PV: Ông có thể cho một ví dụ về những điều khám phá được khi đọc hồ sơ của mật thám Pháp?
NTL: Sau khi thay mặt Nhóm người An Nam yêu nước gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị quốc tế hòa bình Versailles, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Pháp theo dõi rất gắt gao. Họ còn cử người trà trộn vào hàng ngũ Việt kiều, đóng giả làm bạn bè để dò la về hoạt động của nhà cách mạng trẻ tuổi. Chính nhờ mật báo của họ mà ngày nay chúng ta biết rất rõ không chỉ về các hoạt động cách mạng mà cả về cuộc sống vật chất và tình cảm của Nguyễn Ái Quốc. Nhiều đoạn khiến ta vô cùng xúc động. Chẳng hạn, có một câu hỏi khá tự nhiên: trong lúc hoạt động ở Pháp, chàng thanh niên đẹp trai, tài năng ấy có bị xao nhãng bởi một mối tình nào không? Báo cáo đề ngày 21 tháng 12 năm 1919 của tên mật thám tên Jean cho ta câu trả lời: “Ngày 18 tháng 12. […] Tôi đi gặp Quốc. Khi trở về, tôi gặp Khương cùng cô bồ. Vì không có tiền để mời cô ta ăn tối ở khách sạn, anh ta tự nấu cho bồ và cho Quốc. Thấy anh ta hết tiền, tôi cho anh ta 5 francs. Quốc quá mải mê với việc học tập nên có vẻ không ưa đàn bà”. (Le 18 décembre. […] Je suis allé voir M. QUOC. En rentrant j’ai rencontré M. KHUONG avec sa maitresse. N’ayant pas de sous pour l’inviter à diner dans un hotel, il a fait lui-même la cuisine pour le diner de sa maitresse et de QUOC. Voyant qu’il n’a pas de sous, je lui ai donné 5 francs. QUOC qui s’absorbe trop dans ses études a l’air avoir une antipathie pour les femmes).
PV: Tại sao trong cuốn sách ông hầu như không dùng những danh xưng đã rất thân thuộc là “Bác Hồ”?
NTL: Cuốn sách của tôi không phải là sách chính trị hay sách tiểu sử, mà là sách về tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng có thể nói, đó là một cuốn sách triết học. Trong cuốn sách của tôi, Hồ Chí Minh là đối tượng nghiên cứu chứ không phải là đối tượng ngợi ca. Tôi nghĩ rằng đó là cách tiếp cận phù hợp.
PV: Xin hỏi câu cuối cùng: viết về một chủ đề nổi tiếng là khô khan, ông chờ đợi gì ở bạn đọc?
NTL: Tôi không cho rằng đây là một chủ đề khô khan. Cuộc đời của bất kỳ ai đều thú vị. Cuộc đời và tư tưởng một người như Hồ Chí Minh còn thú vị gấp nhiều lần. Vấn đề là cách tiếp cận thôi. Những tù nhân của định kiến sẽ không đọc sách của tôi. Nhưng tôi tin rằng các bạn đọc với đầu óc cởi mở sẽ đón nhận nó.
PV: Xin cảm ơn và chúc ông có nhiều thành tựu mới.