Từ 18 giờ đến 20 giờ ngày 25/3, Nhã Nam và Viện Pháp tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett tại Thư viện Viện Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Buổi tọa đàm có sự tham gia của diễn giả Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, Giảng viên trường Đại học Quốc gia TPHCM Nguyễn Vũ Hưng, biên tập Trần Trung Quân.
Có thể nói, giới kịch nghệ chưa bao giờ hết ngạc nhiên về Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett. Được công diễn lần đầu vào năm 1953 tại Paris, đưa tên tuổi Beckett trở nên nổi tiếng, không lâu sau, vở kịch này được dịch và diễn trên khắp thế giới.
Không vở kịch nào có tác động mạnh mẽ như thế trong thế kỷ hai mươi. Mặc dù được tán dương khắp các lục địa, Trong khi chờ đợi Godot, vì bản chất đột phá của nó, vẫn có vẻ khó đọc với đám đông. Samuel Beckett cho thấy cái phi lý trong việc chờ đợi của các nhân vật như một bản án, cũng giống như đời sống phi lý của cõi người.
Trong khi chờ đợi Godot là một vở kịch phi lý. Kịch phi lý còn được gọi là “phản kịch”, do nó từ bỏ cốt lõi của kịch truyền thống: không xây dựng tính cách nhân vật, không hành động, không xung đột, không có thắt nút hay cởi nút, cốt truyện hầu như không có gì, lời thoại cũng mơ hồ, dông dài.
Tác phẩm xoay quanh một tình huống phi lý, không có nguyên nhân, kết quả, không có xung đột: hai nhân vật Vladimir và Estragon chờ đợi Godot, ngày này qua ngày khác, ở cùng một địa điểm. Kịch kết thúc, Godot vẫn không đến. Godot là ai, chờ Godot để làm gì, tại sao Godot không đến, tất cả những điều này đều không được lý giải. Tính cách nhân vật không được xây dựng rõ ràng, trong khi các hành động thì cường điệu, lố bịch, vô nghĩa, thoại có lúc dông dài, có lúc cộc lốc.
Kể từ khi Trong khi chờ đợi Godot/ En attendant Godot / Waiting for Godot ra đời, người ta chú ý rất nhiều đến hành động chờ đợi, rồi cũng đã tranh cãi rất nhiều về Godot. Ngày nay, thông tin cơ bản về Trong khi chờ đợi Godot nói riêng và Samuel Beckett nói chung dày đặc trên Internet, từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Sự đa dạng và giàu có đó không phải chỉ vì Beckett vốn đã là con người của nhiều nền văn hoá (sinh tại Ireland, sống và làm việc ở vô số quốc gia, viết song ngữ Anh-Pháp, qua đời tại Paris); cũng không chỉ vì Trong khi chờ đợi Godot và Beckett được giảng dạy chính quy ở nhiều chương trình phổ thông (Anh, Pháp, Trung Quốc, v.v.), đại học, sau đại học (khắp các châu lục và các vùng ngôn ngữ); mà còn vì Trong khi chờ đợi Godot đã truyền cảm hứng cho, hoặc làm tốn bao nhiêu giấy mực bình chú của những nhà văn và triết gia quan trọng nhất thời đại chúng ta: Italo Calvino, Oe Kenzaburo, O'Brien…
Oe Kenzaburo - nhà văn Nhật Bản thứ hai, sau Kawabata, được trao giải Nobel Văn học (năm 1994), kể rằng trong khi hoàn tất bộ ba tiểu thuyết của mình, ông đã đọc bộ ba tiểu thuyết của Beckett để tìm kiếm khả năng sống sót của thể loại tiểu thuyết. Các triết gia Pháp lâu nay vẫn không ngừng đọc Beckett. Trong số những gương mặt triết gia sớm nhất khởi sự đi tìm một cách đọc Beckett mới, có thể kể đến Gilles Deleuze. Cho đến nay, số lượng triết gia bình chú Beckett vẫn không ngừng tăng lên.
Tác giả của vở kịch - Samuel Beckett (1906-1989) là nhà văn Ireland từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1969. Thời kỳ đầu ông sáng tác bằng tiếng Anh nhưng kể từ sau tiểu thuyết Watt, chuyển sang viết tiếng Pháp. Ông được coi là đại diện xuất sắc nhất của "kịch phi lý", Trong khi chờ đợi Godot là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông.
Tại buổi tọa đàm, thông qua việc điểm qua và phân tích một số bình chú của các chuyên gia, các diễn giả hy vọng có thể chuẩn bị cho bạn đọc bước vào thưởng ngoạn vở kịch đơn giản nhất, khó hiểu nhất và "có lẽ là, một trong những vở kịch quan trọng nhất mọi thời đại" (William Saroyan).