Triển lãm “Plus by Bao Nam” diễn ra từ ngày 9/4 đến 15/4/2021 tại Thủ Đức, TP.HCM xoay quanh các nội dung về artwork về hoa, tranh vẽ và đồ nội thất. Tuy nhiên mới đây, một nghệ sỹ người Nga Baina Uchaeva, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, khi tham dự sự kiện đã phát hiện một số tác phẩm nghệ thuật trong triển lãm “Plus by Bao Nam” có nhiều nét tương đồng với các nghệ sỹ quốc tế mà cô đã từng xem qua.
Baina Uchaeva cho rằng tác phẩm của Bảo Nam giống với triển lãm cá nhân mang tên "Terraforms" của nghệ sĩ Jamie North diễn ra vào năm 2014 tại Sarah Cottier Gallery. Triển lãm này, Jamie North đã sử dụng chất liệu đá vôi, đá cẩm thạch, xi măng... để tạo nên những khối trụ lớn. Một tác phẩm khác là đám mây giống với tác phẩm The Cloud (Đám mây) của nghệ sĩ Matsuri Yamana ra mắt năm 2010.
Tác phẩm Terraforms 2014 (installation view) của Jamie North. |
Tác phẩm trưng bày tại "Plus by Bao Nam". |
Triển lãm của Matsuri Yamana (trái) và “Plus by Bảo Nam“. Ảnh: CMH. |
Trao đổi với báo Ngày nay, Baina cho biết: "Tôi đã tự mình đến thăm triển lãm vào ngày 10 tháng 4 và tôi đã xem các tác phẩm của Bảo Nam. Tôi nhận ra rằng những tác phẩm đó trông giống như là được copy từ các tác phẩm nghệ thuật mà tôi đã từng xem khi tôi còn theo học khóa học của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) New York. Tôi đã dễ dàng tìm thấy các tác phẩm này trên internet, theo trí nhớ của mình."
Tiếp sau đó, nghệ sĩ Chinh Ba - nhà sáng lập CAB Hoian cũng có những nhận định tương tự như Baina. Chinh Ba còn đưa ra những hình ảnh so sánh cho thấy sự có sự giống nhau giữa các tác phẩm.
Về phía Bảo Hoài Nam, anh cho biết sự kiện lần này anh tổ chức là triển lãm hoa chứ không phải triển lãm nghệ thuật sắp đặt thông thường, thông điệp mà nó hướng tới cũng khác.
"Ví dụ với tác phẩm đám mây mà mọi người thấy, nội dung chính của tác phẩm thực ra là mặt bên trong được trang trí bởi hoa tươi chứ không phải hình thức bên ngoài. Đám mây của mình nói về việc phá thai. Những bông hoa bên trong tượng trưng cho các thiên thần bị bỏ quên. Thực ra những ý tưởng như vậy nhiều lắm. Nghệ thuật vốn là kế thừa và phát triển. Cùng một hình thức nhưng mỗi người một câu chuyện. Triển lãm của mình là triển lãm hoa, thông điệp câu chuyện mình muốn gửi gắm cũng khác", Bảo Nam nói.
Giám đốc Sáng tạo Bảo Hoài Nam và MC Trác Thuý Miêu tại buổi ra mắt triển lãm "Plus by Bao Nam". Ảnh: IT |
Anh cũng nhấn mạnh: "Nếu ai cũng chăm chăm bắt bẻ thì sẽ rất khó cho người làm nghệ thuật. Anh làm triển lãm không vì muốn nổi tiếng hơn hay có thêm tiền mà chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của mình thông qua hoa mà thôi".
Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê - công tác trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, cho biết: "Nghệ sĩ Jamie North (chủ nhân triển lãm "Terraforms") từng lưu trú ở trung tâm nghệ thuật trường tôi nên khi nhìn các tác phẩm của "Plus by Bảo Nam" là tôi phát hiện ra ngay.
Tôi nghĩ phía người sao chép, cũng nên nhận thức được rằng khi sự việc đã ra tầm quốc tế, thì không chỉ thanh danh của họ bị ảnh hưởng, mà cộng đồng sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lây. Tôi nghĩ rằng, việc xin lỗi không cần tác giả gốc phải yêu cầu, mà tự lương tâm của người sao chép phải có đủ bản lĩnh để nhận sai trước công luận, chứ không phải vòng vo.
Cái sai của Bảo Nam là khi gửi thông tin cho truyền thông đều nhận định đây là triển lãm có yếu tố nghệ thuật đương đại. Nếu ngay từ đầu họ quán triệt là chỉ là nơi trưng bày các sắp đặt trang trí về hoa, có lẽ cộng đồng yêu nghệ thuật đã không giận như vậy.
Và mặc dù làm hoa hay làm nghệ thuật thị giác thì sao chép vẫn là sao chép. Khi vay mượn ý tưởng ở đâu đó, nhất thiết phải ghi rõ nguồn, nếu đó là nguồn mở. Còn nếu là tác phẩm có bản quyền, thì tuyệt đối không được vay mượn mà không có sự đồng ý của tác giả, dù là vay mượn cho sự kiện thương mại hay phi thương mại. Đó là những quy tắc sáng tạo căn bản. Đây là một biện hộ cẩu thả. Như vậy cứ ý tưởng nào thấy trên mạng là ta được quyền "copy & paste".