Chiều 7/11, triển lãm tri ân cố họa sĩ Trịnh Thái mang tên "Thu cuối cùng Trịnh Thái" đã diễn ra tại Tầng 3, Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 17/11.
Họa sĩ - NSƯT Trịnh Thái sinh năm 1941 ở Phnom Penh khi cha ông làm việc tại đây, nguyên quán huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 2 tuổi, ông đã theo gia đình về nước. Ông từng đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật (Hà Nội) nhưng quyết định rẽ hướng sang lĩnh vực điện ảnh.
Họa sĩ Trịnh Thái. |
Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của lớp họa sĩ trường Điện ảnh Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), sau này, ông về làm việc tại Xưởng phim Hà Nội (nay là Hãng phim Truyện Việt Nam). Ông là người thiết kế bối cảnh cho nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như Rừng O Thắm, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Trở về Sam Sao, Biệt động Sài Gòn, Săn bắt cướp…
Năm 1973, ông sáng tác tranh khắc gỗ Nữ tự vệ, đây là một trong những tác phẩm đồ họa có giá trị nghệ thuật cao của thời kỳ mỹ thuật kháng chiến.
Trong suốt quá trình hoạt động với vai trò là họa sĩ, ông đã từng có 3 triển lãm của riêng mình. Năm 1988, triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Trịnh Thái đã được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, triển lãm cá nhân lần thứ hai của ông được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Tại Nhà Việt Nam ở Paris, năm 1991, ông có triển lãm cá nhân lần thứ ba, tiếp ngay sau các triển lãm cá nhân của Nguyễn Trung và Trần Lưu Hậu.
Có thể nói, Trịnh Thái là một trong những họa sĩ nổi bật nhất trong những năm "đổi mới" đầu tiên.
Tranh sơn dầu Hoa ban (118 x 118cm). |
Tranh sơn dầu "Chợ cá" (90 x 80cm). |
Những tác phẩm của Trịnh Thái không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn được bạn bè quốc tế vô cùng yêu thích, một số tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật các dân tộc phương Đông ở Moskva, Liên bang Nga. Dù đã nhiều năm trôi qua, sự ưa chuộng của công chúng dành cho tranh của Trịnh Thái chưa hề suy giảm. Minh chứng là năm 2019, trong triển lãm tranh cuối cùng khi ông còn sống, toàn bộ tranh trưng bày đã được người hâm mộ mua hết.
Cuộc đời ông có khá nhiều xê dịch ngay từ khi niên thiếu, chính vì vậy, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những sáng tác của ông. Chúng ta được đón nhận một hình ảnh Trịnh Thái phong trần, từng trải qua từ phong cách sống và gửi gắm vào những sáng tác nghệ thuật.
Tranh sơn dầu Tam Bạc (97x73cm) |
Tác phẩm của Trịnh Thái xoay quanh các thể loại đề tài vĩnh cửu đa dạng như chân dung, tự họa, thiếu nữ, khỏa thân, phong cảnh, biển, hoa, tĩnh vật, sinh hoạt vùng cao. Người họa sĩ tài năng không đi tìm những đột biến, đột dị ồn ào, khoa trương mà chú trọng thể hiện một thế giới quan, nhân sinh quan rất Việt Nam, chân thành và bình dị.
Vẻ lộng lẫy cá nhân của hội họa ông xuất hiện một cách kín đáo trên cái nền chung của “tính độc đáo tập thể” Việt Nam, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu con người. Những người yêu mến tác phẩm của Trịnh Thái chắc hẳn sẽ nhận ra được nét đặc biệt đó chính là ông sử dụng hai chất liệu Á-Âu tưởng như trái ngược nhau song về thực chất là bổ túc cho nhau: sơn dầu và lụa, hướng tới mục tiêu phi vật chất hóa theo khuynh hướng ấn tượng duy thức truyền thống của người Á Đông.
Cách nhìn, sự trải nghiệm, năng lực cảm thụ của một họa sĩ thiết kế điện ảnh như Trịnh Thái cũng là những yếu tố làm nên cái khác lạ. Ông vẽ không chỉ ở tư cách người thể hiện, mà còn vẽ ở tư cách của người thiết kế, người đi tìm “đất diễn”, đưa các cảnh tượng, sự vật vào nhịp của những câu chuyện đầy tình ý, bao phủ lên chúng ánh sáng của nhận thức và suy tưởng: Các bức tranh cứ thế hiện ra, tựa như những “khuôn hình tĩnh” được chọn giữ đúng thời điểm, để ngân nga những âm vọng của tâm hồn, ấn định những khoảnh khắc xao xuyến khó phai.
Tranh của Trịnh Thái chất chứa những nỗi niềm của đời sống tình cảm và nội tâm "không thông thường", khi thì trầm mặc khi thì sục sôi nhiệt huyết.
Không chỉ được biết đến với những bức tranh nổi tiếng, ông còn ghi dấu ấn trong một vài tạp văn rất hay viết về “người tình” Paris, về “quà và phở Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh”... Sinh thời, giữa không gian náo loạn, xô bồ của những quán bia bình dân Hà Nội, ông ngồi bên cạnh những người bạn nhưng có những lúc không nói câu nào trong suốt 7-8 tiếng đồng hồ. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông vốn thuộc tuýp họa sĩ trầm tư mặc tưởng, vì vậy nên vô tình ông thường tách rời số đông các họa sĩ có cùng phong cách.
Trong tranh Trịnh Thái, ẩn chứa bên trong “cái được biểu lộ” sâu sắc. Hội họa ông có ranh giới tế nhị giữa cái thực và cái ảo, cái bình thường và cái đặc biệt, không bình thường, có thể vì thế mà nó luôn luôn đáp ứng được thị hiếu bao giờ cũng cực kỳ đa dạng của đông đảo người xem.
Ngày 29/7, họa sĩ Trịnh Thái qua đời sau thời gian ngắn chống chọi với bệnh ung thư vòm họng, hưởng thọ 80 tuổi.