Theo Thể thao và Văn hoá, tranh Bùi Thanh Thủy vừa dễ xem, vừa khó xem. Với những người quen hội hội họa cổ điển hữu hình thì nó quá khó để nhận biết. Nhưng với người quen với nhịp chuyển động vũ trụ, hiểu trạng thái vui buồn, bâng khuâng vô định thì nó lại hiện hữu như sờ thấy được, đọc ra được. Triển lãm mang tên Thủy với 36 bức tranh trên chất liệu acrylic và mực đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật (66 Nguyễn Thái Học Hà Nội) từ 20 đến 25/5/2020. Rất đáng bỏ thời gian để chiêm ngưỡng!
1.
Họa sĩ Bùi Thanh Thủy là con gái út của nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa Thời trang nhưng rồi duyên nghiệp lại gắn với hội họa và con đường chị đi đang hứa hẹn vươn tới những thành công trong hội họa đương đại.
Về quan điểm sáng tác, chị viết: “Tôi vẽ như sự ao ước hóa thân, loang nhòe vào thiên nhiên với nhiều cung bậc cảm xúc. Màu nước, mực trên lụa, acrylic giúp tôi tự do tan chảy theo những ám ảnh và mộng mị của riêng mình. Thiên nhiên trong tranh chỉ là chất liệu thị giác để tôi tạo hình cho những cảm xúc ấy”.
Như sự tự bạch của mình, chị chọn chất liệu acrylic và mực cho toàn bộ 36 bức trong Thủy, chất liệu mà chị nói nó hợp với chị, giúp chị thăng hoa trong những sáng tác của mình. Đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm là hoa, thiên nhiên, một bông hoa, một cành hoa hay một khóm hoa qua nét bút của chị đầy bay bổng và mộng mị.
Từ 2014 đến 2020 chị làm tất cả 7 triển lãm tại Mỹ, Pháp và Việt Nam, trong đó đáng chú ý là triển lãm cá nhân Miên du tại Hà Nội và TP.HCM.
Họa sĩ Bùi Thanh Thủy tại triển lãm
2. Thả cho cảm xúc trôi theo dòng chảy của những gam màu rực rỡ, Bùi Thanh Thủy đưa người xem vào mê lộ của không gian và thời gian vô định. Nó như một giấc mơ mà ở đó những vầng sáng rực rỡ cũng như những khoảng tối u uẩn đem lại cho người xem những cung bậc cảm xúc rất khác nhau: Ngọt ngào thi vị, trong trẻo hoặc ưu tư trầm mặc, lãng mạn trào dâng. Một tiếng nói của hội họa hiện đại tuy còn non trẻ nhưng đã muốn ôm cả vũ trụ đựng đầy vào một không gian 2 chiều hạn hẹp...
Đề tài với chị không còn quan trọng nữa khi tuổi trẻ nhìn bông hoa có cả một bầu trời, một chiếc lá cây như thấy một phần vũ trụ, một áng mây sáng chứa trong nó 7 sắc cầu vồng hoặc ẩn chứa cả một kho giông bão… Sự sống xung quanh chỉ là cái cớ để thúc đẩy cảm hứng và chuyển tải cảm xúc. Cảm xúc tan chảy theo độ loang của màu mực trên lụa, cảm xúc thăng hoa trong cái thế giới mờ ảo. Chị nhận ra nó, tìm được nó, và giờ đây nó thành bạn đồng hành của chị trên con đường khám phá tiếng nói của không gian và màu sắc cùng chuyển động của thời gian.
“Xuân” - Tranh của Bùi Thanh Thủy
Những tranh trưng bày của chị theo thời gian, bớt dần cái thực quen mắt, mà thay vào đó là sự chuyển động không ngừng của màu, sắc và ảo ảnh hòa quyện.
Tranh của Thủy thường có những cái tên dung dị gọi là cho có như Trôi, Nắng, Du ca, Xanh, Đông đến, Nước xanh và rất nhiều bức vô đề. Tên là thế nhưng tranh lại luôn gắn với những không gian đầy biến ảo để cho người xem tự tìm ra và định vị cảm xúc qua những chuyển động của sắc màu như những thoáng mộng du chợt đến chợt đi, hoặc không gian chợt mưa chợt nắng, chợt vui và lại chợt buồn.
Thực ra cái tên trong tranh trừu tượng vừa cần vừa không cần. Bản thân tranh nó đã không chịu trói bó mà cái tên lại là sự trói bó! Xem tranh trừu tượng để người ta nhìn lại chính mình có hay không khả năng đọc không gian mình đang sống, một không gian đời thật và một không gian trong nhận thức, nên cần gì tên đâu!
“Không đề” - Tranh của Bùi Thanh Thủy
Cho nên, tranh Thủy vừa dễ xem, vừa khó xem. Với những người quen hội hội họa cổ điển hữu hình thì nó quá khó để nhận biết. Nhưng với người quen với nhịp chuyển động vũ trụ, hiểu trạng thái vui buồn, bâng khuâng vô định thì nó lại hiện hữu như sờ thấy được, đọc ra được bởi những cảm giác ngồn ngộn như hơi mát hoặc sự oi nồng của thiên nhiên, tiếng động thiên nhiên, những góc khuất mà người ta chỉ cảm thấy còn ngôn ngữ thì bất lực. Hội họa của Bùi Thanh Thủy gắn chặt với hơi thở và nhịp sống của thế giới hôm nay: Nó hối hả vận động và luôn không thỏa mãn.
Các bạn hãy bớt chút thời gian, đến để tận mắt thấy một thứ hội họa trẻ trung của thời đại 4.0 nó giải phóng các khái niệm chật hẹp của hội họa cổ điển, đem đến cho ta cảm giác phóng khoáng của vũ trụ đang chuyển động...
“Những bông hoa của Thủy đã bớt thực đi…”
“Thủy thì động, chất lụa là chất nhòe, loang nhòe của lụa, màu và nước, nhòe là động. Thủy hài hòa được mảng và nét, mảng nhòe, mảng tĩnh hở nền lụa không vẽ gì; hài hòa có và không, nóng và lạnh; hài hòa động và tĩnh. Để hài hòa được thì có lẽ Thủy đã có đủ vui buồn, được mất, đi về…?
Những mảng tan chảy miên man, loang nhòe rất lụa, rất Thủy, cho nên những bông hoa của Thủy đã bớt thực đi để sống một đời sống dài rộng hơn. Trẻ thì vẽ hiện thực vẫn được nhưng trừu tượng phải đến một trải nghiệm sống nào đó mới vẽ được. Sống đã rồi hẵng vẽ. Trừu tượng nào mà chả bắt đầu từ hiện thực. Vẽ hoa gì không quan trọng nhưng những bông hoa ấy luôn là nguyên cớ, là ga khởi hành. Những bông hoa là sợi dây để cánh diều bay được từ bờ thực sang bến trừu tượng”. (Nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương).