Mới đây, Công ty sách Đông A đã hé lộ một vài bức minh họa do họa sĩ Thành Phong vẽ cho cuốn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Qua một vài chi tiết khán giả có thể thấy được phong cách trẻ trung vốn có của Thành Phong.
Một trang minh họa trong sách. Ảnh: ĐA. |
Họa sĩ Thành Phong được bết đến với nhiều tác phẩm truyện tranh như Long thần tướng, minh họa thành ngữ như Phê như con tê tê, Thương nhớ thời bao cấp, dự án vẽ về Hà Nội… hoặc minh họa một số tiểu thuyết lịch sử như Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản…
Số đỏ là tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất hiện trên Hà Nội báo - tuần báo do doanh nhân Lê Cường làm giám đốc. Tác phẩm đăng từ số 40 của Hà Nội báo (ra ngày 7/10/1936) với lời giới thiệu: “Số đỏ, cuốn tiểu thuyết của một thời đại nhố nhăng của Vũ Trọng Phụng”. Tuy nhiên chỉ được đăng đến chương 16 thì phải dừng lại do Hà Nội báo bị thu giấy phép.
Ấn bản lần này tiếp cận nguyên tác của nhà văn Vũ Trọng Phụng khi in lại theo bản của Lê Cường năm 1938. Tác phẩm đã được nhà in Lê Cường in thành sách riêng và cũng là bản duy nhất phát hành khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Chia sẻ về lý do chọn in bản của năm 1938, Đông A nói rằng họ mong muốn người đọc được tiếp cận với tác phẩm hiếm có, mang đến nhiều ý nghĩa với giới sưu tâm và vô cùng cần thiết cho người yêu mến các sáng tác của Vũ Trọng Phụng.
"Ông Phán móc sừng" qua nét vẽ của Thành Phong |
Qua nhiều năm, Số đỏ vẫn là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất nhận được sự quan tâm của độc giả trên cả lĩnh vực sáng tác cũng như phim ảnh.
Tác phẩm được trích, dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông. Một số nhân vật, lời thoại kinh điển trong Số đỏ đi vào đời sống của người Việt.
Số đỏ là tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim.
Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó. Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986.
Cho đến nay, tác phẩm Số đỏ đã được tái xuất bản và được phê duyệt ở Việt Nam. Đồng thời đoạn trích của tác phẩm này cũng được đưa vào chương trình học ở trong nước (SGK Ngữ Văn 11, tập 1 với tên gọi: Hạnh phúc của một tang gia).