Kpop (South Korean popular music) là một loại hình âm nhạc đại chúng có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Với sự phát triển của thời đại, văn hóa Kpop ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng và trở thành xu hướng âm nhạc toàn cầu. Ngành công nghiệp Kpop có những tiêu chuẩn khắt khe về mà các thần tượng phải tuân theo.
Các thần tượng nữ được kỳ vọng phải sở hữu vẻ ngoài xinh xắn chuẩn Hàn, mặc những bộ trang phục đẹp, không hở hang và làm nổi bật vẻ nữ tính. Họ phải thể hiện nét quyến rũ thanh lịch và duy trì tính cách thân thiện trước công chúng. Các thần tượng nữ cũng được khuyên không nên thể hiện khía cạnh nổi loạn, phá cách của bản thân.
Hình mẫu tiêu chuẩn của các nhóm nhạc Kpop |
Khi người hâm mộ trở nên cởi mở hơn, ngày càng có nhiều nghệ sĩ nữ nhận thức được những khuôn mẫu này và muốn thay đổi chúng. Jennie (BLACKPINK) từng chia sẻ: “Thẳng thắn thì rất nhiều khía cạnh cá nhân của tôi đã bị hạn chế. Có rất nhiều điều tôi không được phép thực hiện chỉ vì bản thân là một thần tượng Kpop, và tôi đã từng rất sợ phải thể hiện bản thân mình”.
Đến đầu năm 2023, Jennie xuất hiện trong bộ phim The Idol. Đây là lần đầu tiên một thần tượng nữ Kpop tham gia một dự án lớn từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Chủ nhân ca khúc Solo gây tranh cãi khi mặc những bộ trang phục hở hang, thực hiện vũ đạo gợi cảm cùng dàn vũ công. Nữ thần tượng thổ lộ: “Dần dần theo thời gian, tôi đã thể hiện cá tính riêng nhiều hơn, nhưng mọi người nhìn nhận điều này như hành động phá vỡ khuôn mẫu. Và lúc này tôi muốn phá bỏ nhiều giới hạn hơn, làm tiền đề cho những người trong nền văn hóa của tôi, để chứng minh rằng bạn có thể thoải mái biểu đạt những gì bạn muốn”.
Jennie (BLACKPINK) hở bạo trong The Idol (Ảnh: HBO) |
Mới đây, Lisa (BLACKPINK) nhận nhiều chỉ trích khi nhận lời trình diễn burlesque - một loại hình giải trí bao gồm múa kịch và thoát y. Cộng đồng mạng cho rằng việc một thần tượng nữ biểu diễn thoát y là sự báng bổ tới ngành công nghiệp Kpop cũng như giá trị của nữ giới. Hình ảnh trang phục thiếu vải cùng màn nhảy khoe trọn cơ thể được coi là không phù hợp với chuẩn mực Kpop và phụ nữ châu Á - quá gợi dục, không phải nghệ thuật chân chính.
Crazy Horse chia sẻ Lisa nhận lời trình diễn burlesque vì cô ấy yêu thích loại hình này. Một mặt khác, Lisa cũng đang sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thay đổi cái nhìn của khán giả về tiêu chuẩn của một thần tượng. Thần tượng có thể vượt qua vùng an toàn để thử sức với những thứ mới. Thần tượng cũng có suy nghĩ và chính kiến riêng. Cô không phải là một con rối của ngành công nghiệp, chỉ biết làm hài lòng người khác.
Lisa (BLACKPINK) tại Crazy Horse (Ảnh: Lisa Instagram) |
Mong muốn của Lisa là chính đáng. Cô là một người phụ nữ trưởng thành, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm với bản thân. Nữ thần tượng yêu thích các màn trình diễn burlesque và coi đây là một loại hình nghệ thuật chứ không nhìn nó với con mắt dung tục. Sống cùng cha dượng là đầu bếp đến từ châu Âu từ nhỏ, đồng thời tiếp xúc với văn hóa phương Tây trong thời gian dài hoạt động cùng BLACKPINK, không bất ngờ Lisa có những tư tưởng thoáng hơn so với mặt bằng chung người châu Á.
Nhiều nghệ sĩ, tên tuổi lớn phương Tây đã thể hiện sự yêu thích cho burlesque như Beyoncé, Taylor Swift, Cher, Christina Aguilera,… Trong đó, Christina từng đóng một bộ phim về chủ đề burlesque vào năm 2010 và đang trong quá trình sản xuất phiên bản nhạc kịch. Mặc dù vũ công burlesque thường được so với các vũ công thoát y (stripper) nhưng cả hai đều có những tính chất khác biệt. Nhiều vũ công burlesque nổi tiếng đã khẳng định rằng burlesque giúp họ yêu chính bản thân mình, tự hào về cơ thể họ, và dùng nghệ thuật biểu diễn để quyến rũ người xem chứ không dung tục hay phản cảm như nhiều người nghĩ.
Lisa cùng các vũ công burlesque (Ảnh: Crazy Horse) |
Trước đây, nhiều nghệ sĩ nữ Kpop đã cố gắng phá vỡ những khuôn mẫu điển hình của ngành công nghiệp này.
Jeon Somi, Yoon Mirae từng bị kỳ thị vì là con lai. Cả hai đã cố gắng thay đổi định kiến của người Hàn về vấn đề con lai, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa đa văn hóa trong Kpop. Black Swan cũng định nghĩa lại Kpop khi là nhóm nhạc nữ đa quốc tịch và không có thành viên người Hàn nhưng vẫn ra mắt và hoạt động tại xứ sở Kim Chi.
Black Swan là nhóm nhạc Kpop nhưng không có thành viên Hàn |
Amber, Hwasa và Hyorin là những thần tượng thành công nhưng sở hữu ngoại hình đi ngược lại chuẩn mực Hàn Quốc. Họ tự định nghĩa lại thế nào là “đẹp”, truyền tải một thông điệp rằng mọi người không nên bị giới hạn ở một diện mạo, trang phục nhất định và không có gì sai khi trở nên khác biệt.
Các nghệ sĩ nữ Kpop thay đổi tiêu chuẩn về sắc đẹp |
Không chỉ sở hữu ngoại hình khác tiêu chuẩn Hàn, Jessi còn là người rất thẳng thắn và luôn nói lên những suy nghĩ trung thực của mình. Cô cởi mở về những chủ đề nhạy cảm như phẫu thuật thẩm mỹ hay cơ thể phụ nữ mà những người nổi tiếng khác có xu hướng tránh. Jessi biết việc mình làm không được chấp nhận rộng rãi ở Hàn Quốc nhưng vẫn quyết định làm vì cô cho rằng nó không sai.
Gain (Brown Eyed Girls) không ngại thể hiện nội dung nhạy cảm thông qua âm nhạc của mình. Ga In thường đề cập đến vấn đề tình dục, sự độc hại trong một mối quan hệ tình cảm qua các sản phẩm như Bloom, Fxxk U. “Cựu thành viên 4Minute” Hyuna gây nhiều tranh cãi với hình ảnh quyến rũ, gợi cảm. Cô thường tránh xa những concept thuần khiết, tự tin thực hiện những vũ đạo gợi cảm và khoe da thịt cùng với ca từ vui tươi.
Các nghệ sĩ không ngại thể hiện cá tính của bản thân |
Giống với Hyuna, CL cũng không theo đuổi phong cách thuần khiết, dù là với 2NE1 hay với tư cách là một nghệ sĩ solo. Giọng ca The Baddest Female không ngại phá bỏ hình tượng thần tượng cơ bản và thể hiện cá tính riêng của mình. Cô chia sẻ cô muốn thay đổi suy nghĩ rằng phụ nữ Hàn Quốc nói riêng hay phụ nữ châu Á nói chung là những cô gái nữ tính, ngọt ngào - họ cũng có thể ngầu, không ngại thể hiện bản thân.
Tương tự 2NE1, BLACKPINK tiếp nối đàn chị khi xây dựng hình tượng alpha female (phụ nữ lãnh đạo), trái ngược với hình ảnh ngọt ngào và ngại ngùng của đa số các nhóm nhạc nữ. Điều này thể hiện rõ trong các sản phẩm của nhóm, đặc biệt là ca khúc Tally. Jennie chia sẻ: “Tally là một trong những bài đầu tiên chúng tôi thực sự có thể hát f-word (từ chửi thề trong tiếng Anh), nhưng lần đầu tiên biểu diễn Tally tôi còn không thể hát to và rõ từ đó. Tôi nhớ là phải để micro ra xa một chút, băn khoăn rằng nếu mọi người cho rằng điều này là sai trái thì sao? Người hâm mộ chính là những người truyền sự tự tin và ủng hộ tôi để tôi có thể tận hưởng sân khấu diễn bài hát này”.
Hai nhóm nhạc đi đầu trong xu hướng alpha female |
Tuy nhiên, không dễ dàng để thay đổi những điều đã tồn tại nhiều thập kỷ. Nghệ sĩ có quyền phá vỡ giới hạn và khuôn mẫu thì khán giả cũng có quyền lên tiếng thể hiện ý kiến cá nhân. Xuất phát từ khác biệt văn hóa - văn hóa phương Tây thoáng hơn so với phương Đông, không phải khán giả Kpop nào cũng có thể chấp nhận những điều táo bạo và không phải văn hóa nào ở phương Tây cũng có thể tùy tiện du nhập.
Nếu họ cảm thấy những gì mà nghệ sĩ nữ Kpop làm là vượt quá chuẩn mực, họ có thể phản đối và chỉ trích. Người hâm mộ cũng có quyền bày tỏ quan điểm yêu ghét, ủng hộ hay kể cả “thoát fan” nếu như hình tượng mà nghệ sĩ thể hiện khác với những gì họ từng coi trọng, hoặc không còn phù hợp với đối tượng khán giả mà nghệ sĩ đó từng hướng tới. Thế nhưng, sự chỉ trích cũng phải có giới hạn. Không phải vì ghét mà buông lời nhục mạ, body-shaming, slut-shaming mà không màng hậu quả, những tổn thương mà nghệ sĩ phải đối mặt.
Khán giả có quyền nêu ra quan điểm |
Trong trường hợp của Lisa, mặc dù trình diễn trong quán, không hoàn toàn khỏa thân và không chia sẻ hình ảnh hay video, nhưng cô nàng vẫn quảng bá phần trình diễn thông qua mạng xã hội gần 100 triệu người theo dõi - nơi mà phần lớn người hâm mộ của cô vẫn ở tuổi vị thành niên. Cư dân mạng có quyền lo lắng rằng những hình ảnh từ Crazy Horse hay của vũ công burlesque có thể gây ảnh hưởng xấu tới đối tượng trên.
Ngoài ra, theo phía Crazy Horse, việc Lisa trình diễn ở đây “đại diện cho sự kiêu hãnh và tự do của phụ nữ” nhưng nó không được đề cập hay miêu tả rõ. Liệu Lisa có đang truyền tải thông điệp về giải phóng tự do và nữ quyền hay không vẫn cần xem xét lại. Việc khán giả nghi ngờ tính nghệ thuật hay núp bóng nghệ thuật tại Crazy Horse để hợp lý hóa việc tiêu thụ các sản phẩm tính dục dành cho giới siêu giàu không phải quá vô lý. Những lo ngại xung quanh quyền của các nữ vũ công burlesque hay những lo ngại rằng Crazy Horse dùng hình ảnh Lisa để lợi dụng những cô gái châu Á chưa trải đời cũng là chính đáng.
Những lo lắng của khán giả xung quanh màn trình diễn của Lisa là chính đáng |