Lúc sinh thời, cụ Thanh Tùng vì yêu, vì thương người vợ tần tảo đã mất của mình mà viết lên ca khúc Một mình với những câu hát chất chứa nỗi niềm day dứt:
“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa…
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai, gió sương mòn cả hai vai
Ðôi chân chênh vênh con đường nhỏ, nghiêng nghiêng bóng em gầy...”
Nhắc lại chuyện cụ Thanh Tùng hồi trẻ, ngày ấy, cụ là một trong những nghệ sỹ tài hoa nổi tiếng với bao cô gái vây quanh theo đuổi, bà Minh - vợ của nhạc sỹ khi ấy vốn là người đẹp nổi tiếng mà cũng phải ‘tam phen tứ phen’ giận dỗi rồi ghen tuông với những bóng hồng xung quanh ông. Nhưng rồi, sau bao nhiêu những lao đao, vì tình yêu với chồng, vì tấm lòng bao dung vị tha, bà vẫn ở lại bên ông, trọn nghĩa làm vợ trong suốt 18 năm, một tay gánh vác việc gia đình, con cái để nhạc sỹ chuyên tâm với đam mê âm nhạc, sống kiếp phong lưu.
Gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng |
Câu chuyện nghe qua tưởng như rất đỗi bình thường, kể ra thì người ta cũng chỉ chép miệng mà rằng “Thôi lấy chồng nghệ sỹ mà!”, phải học cách chấp nhận những chuyện đó, coi nó là bình thường. Nhưng thực tế, phải là những người gần gũi lắm, thương yêu lắm mới thấu hiều được nỗi truân chuyên của những người phụ nữ ‘trót mang cái duyên số’ lấy một người chồng mang kiếp tài tử phong lưu ấy, xót lắm, thương lắm.
Đàn bà, bước chân đi lấy chồng đã lắm đa đoan, mà lấy chồng nghệ sỹ thì lại càng nhiều nỗi niềm day dứt hơn. Các ông chồng nghệ sỹ có yêu vợ không? Có đấy!, Có thương vợ không? Cũng có đấy! Nhưng các ông yêu vợ theo một chừng mực nào đó, vì với các ông, cái bản năng nghệ sỹ và cái Tôi cá nhân mới chính là điều mà các ông yêu hơn tất thảy. Các ông cần niềm vui và những thứ men say để thăng hoa trong nghệ thuật, nên đôi khi, vì mải mê trong thế giới của mình mà các ông quên mất cả người vợ đang tần tảo khuya sớm, cô đơn một mình mà không có người đỡ đần, sẻ chia.
Lại một câu chuyện khác về bà Thái Hằng, vợ của nhạc sỹ Phạm Duy. Lúc sinh thời, nghe biết bao lời đồn đoán về chuyện trăng hoa của chồng, nhưng bà Thái Hằng vẫn điềm tĩnh nói với các con: “Chuyện của bố mày, tao biết hết, nhưng tao vẫn để ông ấy làm vì nghệ thuật”. Hay như chính nhạc sỹ Phạm Duy cũng từng thú nhận: “Tôi biết, nhiều người yêu người tình không dám nhận, còn tôi chẳng sợ, tôi cũng không giấu vợ. Tôi nói rằng, em là vợ, còn người tình phải có, có người tình mới sáng tác được”
Nhạc sỹ Phạm Duy cùng vợ - ca sỹ Thái Hằng và các con |
Nhưng nói ra không để trách đàn ông ích kỉ, cũng không thể trách đàn bà quá cam phận, mà muốn nói đến cái tấm lòng bao dung của những người phụ nữ ấy. Phải cái duyên vợ chồng cũng như cái tình, cái nghĩa trời định, trót yêu, trót thương rồi thì dẫu ông chồng kia có vô tâm, có ích kỉ, có yếu đuối, có đôi lúc mải mê đắm say những thú vui bên ngoài kia thì người phụ nữ vẫn bao dung và cảm thông để ở lại bên cạnh, để vừa làm vợ, làm mẹ, làm tri kỉ và đôi khi là bến đỗ bình an cho các ông mỗi khi ông chùn chân mỏi gối.
Cũng như cái số mệnh mang sẵn trong mình, trái tim và tâm hồn những người nghệ sỹ ấy, nó vốn được sinh ra như “con tằm nhả tơ”, mang hết những lời hay ý đẹp để dâng hiến cho đời, gặp bạn gặp bè là cười nói hào sảng, đàn hát thâu đêm suốt sáng, đôi khi quên mất sự tồn tại của chính những người ở ngay bên cạnh mình. Để rồi những người phụ nữ lại vò võ canh khuya thức đợi chồng, những bữa ăn nguội ngắt vì anh chồng đã mải vui quên bữa.
Lại có người giận mà rằng, không ai bắt phụ nữ phải cam chịu, hãy sống cuộc sống cho mình, để bản thân mình được hạnh phúc trước đã. Đúng! Nhưng có ai biết rằng, trái tim phụ nữ, khi đã trót yêu thương, họ sẽ yêu kiệt cùng với cả tâm can. Để rồi, đôi khi chỉ vì cảm mến một tâm hồn nghệ sỹ, họ sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình, chấp nhận cả những khoảng trời khác trong tâm hồn người đàn ông, đôi khi chấp nhận hết mọi thiệt thòi để bao dung và tha thứ.
Trái tim phụ nữ, khi đã trót yêu thương, họ sẽ yêu kiệt cùng với cả tâm can |
Và, bằng một sức mạnh kì lạ nào đó, sự bao dung của người phụ nữ khi ấy đã vượt lên cả những ‘thói thường’ của đàn bà, để học cách yêu và thương cả những sự ‘chưa hoàn hảo’ của người bạn đời của mình, để biết hiểu và cảm thông, gìn giữ cho gia đình bình an trước mọi giông gió.
Cũng như những ông chồng nghệ sỹ hồn nhiên vô tâm kia, đến một lúc nào đó, sẽ hiểu được giá trị của người phụ nữ ở bên cạnh mình, để biết tĩnh tâm và sống chậm lại, để hiểu điều gì là cần thiết nhất cho cả cuộc đời mình. Như nhạc sỹ Thanh Tùng, cho đến những năm tháng cuối cùng của đời người, ông mới cảm nhận được rõ nhất sự cô đơn và trống trải, khi mà vợ ông đã ra đi vĩnh viễn trong cơn bạo bệnh, để rồi cả phần đời còn lại, ông vò võ một mình mà không đi bước nữa, như để trả ơn nghĩa cho bà những tháng ngày bà đã vì ông mà “mòn cả hai vai’ vì gió sương.