• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mạng xã hội đã làm thay đổi xu hướng nghệ thuật của chúng ta như thế nào?

Kelton Global dự báo khái niệm văn hóa đang thay đổi và mở rộng tới mức sẽ còn không mang...

Nghệ thuật tái hiện cuộc sống, cuộc sống mô phỏng nghệ thuật. Khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, chúng ta bắt đầu thấy được sức mạnh của lăng kính ảo định hình cách chúng ta trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật như thế nào.

Một nghiên cứu của Kelton Global thậm chí còn cho rằng khái niệm về văn hóa đang thay đổi và nới rộng một cách nhanh chóng tới độ không còn mang nhiều ý nghĩa trong tương lai

Đối với khán giả ngày nay, định nghĩa về văn hóa đã được dân chủ hóa, gần đến mức tuyệt chủng. Nó không còn là vấn đề cao hay thấp, văn hóa hay giải trí mà là mức độ liên quan hay không liên quan”, nghiên cứu thị trường này cho biết.

Một phòng nghệ thuật sắp xếp chủ đề không gian của Refinery29 tại Los Angeles, 2017 (Ảnh: CNN).
Một phòng nghệ thuật sắp xếp chủ đề không gian của Refinery29 tại Los Angeles, 2017 (Ảnh: CNN).

Lấy ví dụ về những tác phẩm nghệ thuật như chiếc toilet bằng vàng 14 kara có tên “America” (2016) của Maurizio Cattelan, ngôi nhà gương “Mirage” (2017) của Doug Aitken, tác phẩm kiến trúc “New Spring” (2017) với vòi nước nhả bong bóng thơm của Studio Swine hay không gian nghệ thuật sắp đặt với mê cung gương mang tên Room 2022 (2017) của Es Devlin.

Nếu không có cơ hội tới New York, thành phố sa mạc Palm, Milan hay Miami để trực tiếp xem các tác phẩm này thì bạn có thể thấy chúng trên các mạng xã hội, bởi những khoảnh khắc lan truyền văn hóa đã trở thành thực tế hậu hiện đại cho một thế hệ người xem nghệ thuật trên chiếc ghế bành.

Hiệu ứng Kusama

Tại phòng trưng bày Zwirner, New York (nơi được mệnh danh là thành phố Instagram của thế giới năm 2017), đám đông kiên nhẫn xếp hàng 3 tiếng đồng hồ để được chứng kiến “Festival of Life” (tạm dịch: Lễ hội cuộc sống) của tác giả Yayoi Kusama.

Buổi triễn lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ và hai trong số không gian trải nghiệm “Phòng gương vô cực” của tác giả. Những tác phẩm tinh xảo đầy ám ảnh của bà dù đã được tôn vinh trong nhiều thập kỷ, nhưng ở tuổi 88, bà nhận được sự tôn vinh quốc tế chưa từng có trong sự nghiệp.

Khách tham quan thích thú căn phòng 
Khách tham quan thích thú căn phòng "Kusamatrix", kết hợp tranh chấm bi, bóng bay và gương tại Bảo tàng nghệ thuật Mori ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Getty Images)

Bà Hanna Schouwink, đối tác cấp cao của phòng trưng bày Zwirner Gallery cho biết: “Những tác phẩm của Kusama luôn có sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội và thu hút một nhóm nhân khẩu học mới tới tác phẩm của bà. Là một phòng trưng bày luôn lấy nghệ sĩ làm trung tâm, chúng tôi muốn khuyến khích nhiều người tới xem tác phẩm của những nghệ sĩ và không gian chúng tôi trưng bày”.

Kể từ khi khai mạc “Festival of Life”, phòng trưng bày này mỗi ngày có trung bình khoảng 1.800 lượt khách và ước tính tổng cộng khoảng 60.000 lượt khách khi buổi trưng bày kết thúc. Hiệu ứng Kusama đã tồn tại trong vài năm với mức độ cuồng nhiệt ngày càng tăng. Những buổi triển lãm của bà tại các bảo tàng trên thế giới luôn hết vé trước nhiều tháng.

Một trong những không gian tại triển lãm “Festival of Life” của nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama.
Một trong những không gian tại triển lãm “Festival of Life” của nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama.

Giống như Kusama, các tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng Instagram có xu hướng chung một vài đặc điểm như: có tính trải nghiệm đa giác quan cao, một chút kỳ ảo và có thể tạo những bức hình selfie đẹp (thêm tính tương tác sẽ là điểm cộng).

Định vị người xem vừa như một chủ thể mà cũng là người thưởng thức, các không gian được tối ưu tạo nên một dạng nghệ thuật đại chúng siêu thực của thế kỷ 21, khai thác độ phổ biến của những bức tranh và nhu cầu phù hợp văn hóa của người xem.

Sự trải nghiệm

Nắm bắt được sức hút không thể phủ nhận của nhu cầu trải nghiệm đó, các tổ chức nghệ thuật tại New York đã có những thay đổi đáng chú ý trong thập kỷ qua.

Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế, được biết đến với phương thức tiếp cận dựa trên đối tượng truyền thống, đã thành lập bộ phận Nghệ thuật khứu giác năm 2010, và có một show diễn tương tác về thiết kế nước hoa ngay sau đó.

Du khách chụp ảnh trong một căn phòng tại triển lãm
Du khách chụp ảnh trong một căn phòng tại triển lãm "Gương vô cực" tại bảo tàng Hirshhorn, Washington, 2017.

Năm 2015, Bảo tàng New đã thành lập bảo tàng lồng ấp với công nghệ đèn led đầu tiên mang tên NEW INC. Trong khi đó bảo tàng Solomon R. Guggenheim đã biến một lập trình viên máy tính, Troy Conrad Therrien, trở thành người quản lý đầu tiên về mảng kiến trúc và sáng tạo kỹ thuật số.

Trong số những dự án đầu tiên của Therrien là cuộc triển lãm trực tuyến kỹ thuật số đầu tiên, được đóng khung như một thị trường chứng khoán tiền điện tử. Năm sau đó, ông mở một buổi trưng bày mang tên “Architecture Effects” tại bảo tàng Guggenheim Bilbao (Tây Ban Nha).

Chia sẻ về tác động của mạng xã hội với nghệ thuật trong văn hóa đại chúng, Therrien cho biết: “Selfie trong căn phòng Kusama là nét thẩm mỹ của sự hưng phấn đáng buồn trong một trật tự thế giới nghèo nàn đổ vỡ. Đó là điều bạn làm để thoát khỏi chu kỳ tin tức 24 tiếng đã xóa bỏ mọi nghi ngờ về thực trạng ngày nay, mà đối với chúng ta, không hơn gì là một truyền hình thực tế”.

15 giây nổi tiếng

Khi các chương trình nghệ thuật bom tấn định kỳ tiếp tục khơi lại cuộc tranh luận về sự hấp dẫn và những cạm bẫy của nghệ thuật selfie, ngành công nghiệp thời trang đã rút ra một số bài học và thay đổi phương thức tiếp cận.

Chia sẻ trên tờ CNN, nhà thiết kế Alexandre de Betak của Bureau Betak, xưởng sản xuất hàng đầu của một số bộ sưu tập sáng tạo nhất hiện nay cho biết:

Ngày nay, mạng xã hội Instagram là một kênh mới với một vai trò mới. Đây chính là thị trường truyền thông lớn nhất trong giới thời trang. Khi những đoạn video 15 giây trên Instagram lần đầu xuất hiện, chúng tôi đã thích ứng điều chỉnh và cố gắng tạo ra những khoảnh khắc có thể quay phim trong 15 giây”.

Khách tham quan chụp ảnh trong một căn phòng tại sự kiện 29 Rooms của Refinery 29 (Ảnh: Getty Images).
Khách tham quan chụp ảnh trong một căn phòng tại sự kiện 29 Rooms của Refinery 29 (Ảnh: Getty Images).

Với tính chất tức thời của tin tức trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội, trong những năm gần đây, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) đã bắt đầu xem xét lại các cách thức để tăng “tính thích ứng theo mùa” với một chu kỳ sàn diễn hỗ trợ việc mua trực tiếp. Các doanh nhân và thương hiệu về phong cách sống cũng theo bước với những pop-up event (sự kiện ngắn hạn) nhằm kết nối khán giả kỹ thuật số.

Tại những địa điểm thường được gọi là “các nhà máy selfie”, việc chụp một tấm ảnh không chỉ là món quà lưu lại trải nghiệm mà còn là lý do tồn tại.

Thương hiệu truyền thông kỹ thuật số Refinery29 đi đầu với pop-up event mang tên 29 Rooms. Ra mắt dịp kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm 2015, sự kiện được xem như một giải pháp thay thế toàn diện và miễn phí cho các buổi lễ độc quyền của Tuần lễ thời trang New York. Với nhu cầu tăng theo cấp số nhân, thương hiệu này bắt đầu tính phí vào cửa để quản lý đám đông.

Là một thương hiệu kỹ thuật số, chúng tôi đã nghĩ về cách làm sao có thể tiếp nhận nhiều chủ đề khác nhau, cũng như tiếng nói sáng tạo mà chúng tôi muốn đưa vào nền tảng của mình, trong một không gian thực”, cô Piera Gelardi - đồng sáng lập của Refinery 29 cho biết.

Một không gian dành cho chụp ảnh tại 29 Rooms (Ảnh: Getty Images)
Một không gian dành cho chụp ảnh tại 29 Rooms (Ảnh: Getty Images)

Dù với phạm vi chủ đề rộng, từ phong trào tích cực với hình thể body positivity cho tới các hoạt động vì môi trường, nhiều tác phẩm cũng được sắp đặt chủ yếu cho việc chụp hình.

Chúng tôi muốn có một phần không gian thực sự đem lại cảm giác vui tươi, bởi chúng tôi cho rằng điều đó sẽ giúp mọi người cởi mở và vui vẻ. Tôi nghĩ mọi người hiện đều cần chút niềm vui cho mình”, cô cho biết.

Được tối ưu hóa cho việc tương tác xã hội, với những chi tiết tương tác sống động từ nhiều nghệ sĩ và nhà tài trợ khác nhau, thành công của sự kiện lan tỏa trong phạm vi kỹ thuật số.

Năm 2016, sự kiện 29 Rooms đã tiếp đón 20.000 khách ghé thăm và nhận được 310 triệu tương tác xã hội chỉ trong vòng 3 ngày hoạt động tại New York. Năm sau đó, con số này vượt quá 520 triệu khi kết thúc phiên đầu tiên ở Los Angeles với chủ đề “Turn it into Art”.

Cuộc chiến nhân bản văn hóa

Trong danh sách 10 bảo tàng được đăng nhiều nhất trên Instagram năm 2017, Bảo tàng Kem (một dạng triển lãm pop-up với nhiều căn phòng “thân thiện” với Instagram) là dạng bảo tàng đặc biệt nhất có mặt trong danh sách. Không giống như thương hiệu Refinery29 với nhiều sắc thái và đa dạng nội dung, chủ đề của bảo tàng này chỉ là kem.

Được thành lập và định hướng một cách sáng tạo bởi doanh nhân 25 tuổi Maryellis Bunn, bảo tàng là trung tâm những điều mới lạ và nhanh chóng thành địa điểm hấp dẫn trên mạng xã hội. Những đợt mở cửa ngắn ngủi có hàng chục ngàn khách tham quan tại các thành phố lớn như New York, San Francisco và Los Angeles.

Bảo tàng Kem, một điểm đến độc đáo và hấp dẫn trên mạng xã hội (Ảnh: Getty Images).
Bảo tàng Kem, một điểm đến độc đáo và hấp dẫn trên mạng xã hội (Ảnh: Getty Images).

Tiếp bước thành công của bảo tàng Kem, nhiều dự án đối thủ cũng xuất hiện như Nhà máy sắc màu Color Factory, Candytopia, Happy Place hay bảo tàng Selfie tại California. Dù đó là sự nghiêm túc hay chỉ là lời nói suông, tiêu điểm của nó cũng đủ để người ta tự hỏi liệu xu hướng này kéo dài bao lâu.

Những loại sự kiện như vậy đang tự nhân bản và chúng tôi đang thấy sự trùng lặp. Xu hướng đó rồi sẽ bão hòa bởi chúng không khác nhau nhiều. Đối với chúng tôi, những gì chúng tôi muốn làm là tạo một sự kết hợp các thể loại trải nghiệm, từ yếu tố sân khấu tới yếu tố giải trí hay phản chiếu”, cô Gelardi chia sẻ.

Dù yêu thích việc mọi người kéo tới sự kiện và chia sẻ trên mạng xã hội, chúng tôi cũng đang bắt đầu nghĩ về cách tạo ra những trải nghiệm khiến bạn cảm thấy sự hiện diện của mình trong hiện tại

Minh Nguyễn (theo CNN)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật