• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa xuân trong Tân nhạc

Ly rượu mừng, Mùa xuân đầu tiên, Gửi người em gái miền Nam có thể gọi là những ca khúc...

Gần một thế kỉ tân nhạc, mỗi năm âm nhạc Việt nam đón nhận hàng trăm ca khúc xuân ra đời. Tuy nhiên, những ca khúc thực sự trở thành bất hủ thì không nhiều.

Dưới đây là ba ca khúc gần như là tiêu biểu nhất cho mùa xuân của Tân nhạc, ngoài những giai điệu đã trở thành đại chúng, ca từ đẹp và giàu chất thơ với những hình ảnh đầy cảm xúc trong thời điểm chuyển giao của đất trời, thì ba nhạc phẩm này còn trở thành kinh điển của những khúc ca xuân, đánh dấu những bước sáng tạo mới trong âm nhạc, đặt nền móng cho những nhạc phẩm xuân sau này của âm nhạc Việt Nam.

Ly Rượu Mừng - Phạm Đình Chương: Khúc ca về mùa xuân kinh điển nhất trong lịch sử Tân nhạc

Ly rượu mừng của nhạc sỹ Phạm Đình Chương có thể coi là bản “xuân khúc” kinh điển nhất trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam . Ca khúc được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953, đây là một trong số ít những ca khúc lãng mạn được lan tỏa mạnh mẽ trong thời kì này.

Ngay từ khi ra đời,  Ly rượu mừng gần như đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của tất cả các tầng lớp nhân dân của miền Nam Việt Nam thập kỉ 50, 60 của thế kỉ trước cho đến tận bây giờ. Ca khúc luôn được hát trong những ngày đón xuân cho tới năm 1975 và cả sau đó ở hải ngoại, thậm chí, đã có người cho rằng, trong danh sách mấy trăm bài hát tự cổ chí kim của Việt Nam về ngày Tết, cần phải nhớ “Ly rượu mừng” “trước hết và hơn cả”, vì vắng nó, sẽ không có Tết, và nó phải là giai điệu mở đầu mọi chương trình Xuân.

Ca khúc gắn liền với tên tuổi của hợp ca Thăng Long, gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh), đây là ban nhạc tiên phong về sự sáng tạo và đổi mới trong âm nhạc, cũng là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975. Ly rượu mừng cũng đánh dấu một mốc về biểu diễn trong lịch sử âm nhạc nước ta. Đây cũng là lần đầu tiên một ca khúc nhạc xuân của Việt Nam được trình diễn với lối hợp ca, mà trước đây chưa bao giờ có.

Ban hợp ca Thăng Long
Ban hợp ca Thăng Long

Tuy nhiên, đến năm 1975, ca khúc bị cấm lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt nam. Lý do vì trong phần ca từ có chữ "đời lính" khiến cho ca khúc bị dấy lên nghi vấn không biết là viết cho lính của phe nào. Nên suốt 40 năm sau đó, ca khúc nối tiếng này bị ngủ vùi. Đến năm 2016, gia đình nhạc sỹ Phạm đình Chương cùng nhiều đơn vị liên quan đến ca khúc đã tìm thấy bản tư liệu và những bản ghi chép của Phạm Đình Chương, và xác định được bài hát được sáng tác trong kháng chiến chống Pháp (1951-1953), và "đời lính" ở đây là chỉ người lính chống Pháp. Vậy là sau 40 năm ra đời, 25 năm sau ngày mất của tác giả, ca khúc mới được minh oan.

Đúng như thế hệ sau từng nhận xét, nhạc sỹ Phạm Đình Chương là thiên tài ghép nhạc vào thơ, ông là một trong những người phổ thơ xuất sắc nhất của Tân nhạc Việt Nam, nên mỗi sáng tác của ông đều đẹp và tràn đầy cảm xúc như một bài thơ. 

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương
Nhạc sỹ Phạm Đình Chương

Ly rượu mừng được viết với điệu valse vui tươi rộn rã, với những giai điệu và hòa âm đơn giản nhưng dễ nghe, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, phần ca từ của ca khúc lại đậm tính khái quát và điển hình. Không lặp lại những hình ảnh quá quen thuộc trong nhạc Tết xưa và nay như "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", ''Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh", Ly rượu mừng dùng những hình ảnh mang tính thời đại và giai cấp:

"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Chỉ trong một vài câu ngắn gọn, lời chúc lành đầu xuân đã được vang lên với nhiều giai tầng trong xã hội. Không chỉ là mong muốn một ngày tết ấm no, mà cao hơn, xa hơn, ca khúc còn như một lời nguyện cầu của tác giả, với ước mơ mỗi con người trên đất nước ta được sống bình yên, hạnh phúc, đất nước được an khang, thái bình. Có thể do đó, mà đến nay, sau gần 70 năm, ca khúc này vẫn vang lên trong những ngày đón xuân của người Việt trên toàn thế giới.

Ca khúc Ly rượu mừng qua pần thể hiện của hợp ca Thăng Long

Cùng với Ly rượu mừng và nhiều ca khuc bất hủ như Hội Trùng dương, Nửa hồn thương đau, Mộng dưới hoa, Người đi qua đời tôi, Đôi mắt người Sơn Tây... Phạm Đình Chương thực sự trở thành người “có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt"- theo nhận xét của Du Tử Lê.

Gửi người em gái - Đoàn Chuẩn Từ Linh: Bức thư tình mùa xuân bằng âm nhạc

Gửi người em gái miền Nam có lẽ là tình khúc mùa xuân duy nhất của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, người dành cả đời để viết những ca khúc về mùa thu. Ca khúc được viết vào năm 1956, khi đất nước trong cảnh chia hai miền Nam - Bắc.

Gửi người em gái miền Nam là nỗi lòng của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn dành cho một bóng hồng mà ông si mê,  nhưng tiếc thay, nàng đã theo chồng ở miền Nam (Sau này có nhiều giai thoại kể rằng, bóng hồng đó chính là ca sỹ Mộc Lan, một trong những ca sỹ nổi tiếng những năm 1950 ở một số phòng trà ở Hà Nội bởi nhan sắc tuyệt mỹ và giọng hát thánh thót, tuy nhiên chính nhạc sỹ và giai nhân đều chưa bao giờ xác nhận điều này). Sau một thời gian dài thể hiện tình cảm nhưng vô vọng, nhạc sỹ đã sáng tác ca khúc Gửi người em gái miền Nam để nói lên nỗi lòng của mình. Thậm chí để bày tỏ sự trân trọng, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang và gửi cho nàng.

Vợ chồng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn và con gái
Vợ chồng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn và con gái

Ca khúc này có thể coi là một trong những bài hát hay nhất về mùa xuân xứ Bắc, một tác phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong chiều dài phát triển của âm nhạc Việt Nam. Đây là một trong những sáng tác đầu tiên của tân nhạc ứng dụng khúc thức ba đoạn A – B – A mà Văn Cao, Cung Tiến và sau này là Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Và một điểm độc đáo, mới mẻ nữa là dù Gửi người em gái được viết trên giai điệu thất cung hiện đại của phương Tây, nhưng tác giả lại thả vào một nét chấm phá bằng cặp câu lục bát rất Việt Nam:

… Người đi trong dạ sao đành
Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa…

Nhờ thế mà dù được viết với giai điệu Bolero đậm phong cách miền Nam, ca khúc vẫn mang đầy không khí xuân và nỗi buồn man mác của người Hà Nội xưa. Viết về không khi mùa xuân và Tết, nhưng Đoàn Chuẩn không sử dụng những giai điệu vui tươi, rộn ràng, mà thay vào đó, Gửi người em gái miền Nam được viết với giai điệu mang tính tự sự, suy tưởng cao.

Cũng có thể nói rằng, đây là một ca khúc nhạc sỹ ưu ái dành riêng cho Hà Nội, với "Hồ Gươm sao long lanh”, “Ngọc Sơn sao uy nghi”... cái đẹp đậm chất thơ rất tình, rất cổ kính và lãng mạn với những cảm thức của một lớp thanh niên đầy tinh tế và nhạy cảm trước những mất mát của con người, cảnh vật và tình yêu.

Ca khúc Gửi người em gái miền Nam qua phần thể hiện của tài tử Ngọc Bảo

Đằng sau những tâm tư về tình yêu, ca khúc còn là nỗi niềm của một nghệ sỹ, đại diện cho một lớp trí thức trước sự đổi thay của thời gian, khi phải chứng kiến những phôi phai qua thăng trầm của lịch sử "lớp người đổi mới khác xưa/ đường xưa lối ngập lá vàng, đường nay thong thả bao nàng đón xuân…", những con người nặng lòng với một thời quá vãng, với “đường quen lối cũ ân tình, nghĩa xưa".

Cho đến nay, trải qua 63 năm thăng trầm, cũng có những giai đoạn các sáng tác của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn bị cấm lưu hành ở miền Bắc (Đến thập niên 1990, nhạc Đoàn Chuẩn mới được hát lại trong phạm vi toàn quốc), nhưng Gửi người em gái miền Nam mãi mãi là một bài thơ tình đẹp nhất, tinh tế và lãng mạn nhất của Tân nhạc Việt Nam, được ca sỹ của biết bao thế hệ vẫn say sưa đón nhận.

Mùa Xuân Đầu Tiên - Văn Cao: Tuyệt phẩm xuân đầy dự cảm

Mùa xuân đầu tiên là ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào giáp Tết Bính Thìn (1976), được viết mừng mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc, cũng chính là tác phẩm gần cuối trong sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Như một cơ duyên, bài hát cũng phải chịu số phận kỳ lạ, nhiều truân chuyên, trắc trở như chính cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa ấy.

Dù sáng tác sau năm 1975, nhưng Mùa Xuân đầu tiên vẫn ngập tràn cảm hứng lãng mạn, trữ tình, nhưng không rời xa thực tại mà gần gũi với nhân dân cần lao trên khắp cả nước, với những hình ảnh gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu nhưng vẫn vô cùng nên thơ. Với Mùa Xuân đầu tiên, Văn Cao đã biến một mùa xuân "bình thường" trở thành phi thường, bất hủ, dù ngay từ đầu nhiều người đã không nhận ra giá trị của bài hát.

Nhạc sỹ Văn Cao
Nhạc sỹ Văn Cao

Có thể nói, Mùa xuân đầu tiên là một trong những khúc ca xuân đầu tiên đi chệch khỏi những "công thức" về nhạc xuân thời kì đó ở miền Bắc.

Khác với những ca khúc có âm hưởng hào hùng với cấu trúc phức tạp, hầu như được viết với màu sắc "dương tính" của giai điệu trưởng của phần lớn các ca khúc thời bấy giờ như Trường ca sông Lô, Tình ca trung du hay Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm TuyênTiếng hát từ thành phố mang tên Người của Cao Việt Bách ... Mùa xuân đầu tiên được Văn Cao viết bằng giọng thứ trên nền điệu Valse với nhịp 3/4 dìu dặt, vui tươi, giản dị mà đầy xúc động:

… Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về…

Có lẽ cũng vì lẽ đó, dù mang niềm vui chung của dân tộc, nhưng ngay từ khi ra đời, ca khúc bị đánh giá là "ủy mị, yếu đuối", "nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp", và bị xem là "lạc điệu", có phần "âm tính" so với những bài hát nhạc Đỏ lúc bấy giờ. 

Ca sỹ Thanh Thúy thể hiện ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao

Điều này cũng không khó lý giải, bởi Văn Cao vốn là người thâm trầm, sâu sắc, nhạc của ông không chỉ nghe, mà còn để ngẫm, cùng với những hân hoan, Mùa xuân đầu tiên còn mang trong mình những suy tư về con người, về thời đại, những đổ vỡ chia ly, những mất mát của cuộc chiến mà không bao giờ có thể lấy lại được.

Đó là những cảm thức của một nghệ sỹ nhạy cảm trước những hư hao của số phận, của cuộc đời, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng đã có lần nói trong thơ của mình "mỗi lòng người, một lý lẽ bất an". Cái tâm thế ấy đã vượt lên trên niềm vui thoáng chốc để dự cảm, để xót xa và để thấm thía về con đường dài phía trước mà dân tộc sẽ phải gồng mình bước qua.

Đến bây giờ, sau 43 năm, thì Mùa xuân đầu tiên đã trở thành một trong những ca khúc kinh điển về mùa xuân, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều khúc ca xuân khác của nhiều thế hệ nhạc sỹ sau này, cũng là ca khúc được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm kinh điển như Bến xuân, Thiên thai, Buồn tàn thu, Bắc Sơn, Tiến quân ca, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Trường ca sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội...


Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật