Năm Thìn trong hồn người ở đất nước tỷ dân
Tạm biệt năm cũ, Thần Long nghênh đón tân xuân.
Năm Thìn Âm lịch sắp đến, hơi thở của hình tượng con rồng bắt đầu bao phủ các nước Á Đông, trong đó không thể không kể đến Trung Quốc - cái nôi của văn hóa 12 con giáp.
Rồng có trong truyền thống, len lỏi vào đời sống, thấm nhuần vào hồn người. “Nguyên tố rồng” trở thành “mốt” được người tiêu dùng ưa chuộng, những sản phẩm mang hình rồng đã và đang xuất hiện khắp nơi vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024.
Mặc dù vẫn còn một thời gian nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng các thành phố trên khắp Trung Quốc đã có “hương vị của năm Rồng”. Quần áo trẻ em, quần áo người già và quần áo của thanh niên bắt đầu xuất hiện sự kết hợp giữa “thời trang và nguyên tố rồng”, với những họa tiết như những đám mây, quả cầu lửa, hình rồng chibi... Trên sàn thương mại điện tử trực tuyến, doanh số của các sản phẩm mang “nguyên tố rồng” đang tăng lên. “Sticker năm Thìn 2024”, “áo bông năm Rồng phiên bản hạn chế”, “bao lì xì hình rồng”...
Ngoài ra, các sản phẩm mang “nguyên tố rồng” như lịch dương lịch năm Rồng, giấy dán cửa hình rồng đỏ và đồ trang trí rồng nhỏ đã trở thành những món đồ được yêu thích mới trên thị trường.
Chứng kiến “hương vị năm Rồng” đến sớm, nhiêu đây thôi cũng đủ thấy sự yêu thích của người dân nước này đối với văn hóa truyền thống và kỳ vọng đối với Tết Rồng.
Tết Nguyên đán là ngày lễ đặc biệt, chứa đựng sự đoàn viên, chào đón năm mới khởi sắc và thuận lợi hơn, cầu được ước thấy, vạn sự như ý. Và tất cả những khát vọng này càng được gửi gắm mạnh mẽ hơn vào năm Giáp Thìn 2024. Họ gửi gắm tinh thần vào chuyện kết hôn và sinh con, từ đó mới có xu hướng “săn con tuổi Rồng”, với hy vọng con cái như cá chép vượt Vũ môn hóa rồng, công thành danh toại.
Tình yêu của người dân đối với năm Rồng phản ánh tình yêu của họ đối với văn hóa truyền thống.
Là “vật tổ” của dân tộc Trung Hoa, người Trung Quốc coi trọng rồng, một trong những thần thú huyền thoại, ở một mức độ nào đó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần, truyền cảm hứng để họ tiếp tục tiến về phía trước.
Hình tượng con rồng trong truyền thống văn hóa
Từ cổ chí kim, rồng là một thần thú trong thần thoại Trung Quốc, giỏi biến hóa, có thể hô mưa gọi gió, có lợi cho vạn vật, từ lâu đã tồn tại như một biểu tượng của địa vị cao và ý nghĩa phong phú.
Thần thú được gửi gắm khát vọng mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no
Rồng có thể vươn tới bầu trời. Các triều đại nhà Thương và nhà Chu ở Trung Quốc là thời hoàng kim của sự phát triển và thịnh vượng của đồ đồng, nhờ đó cũng mang lại sự tiến bộ của nghệ thuật trang trí nguyên thủy. Một mặt, đồ đồng ở thời Hạ-Thương thích nghi với nhu cầu của giai cấp thống trị, mặt khác, chúng phù hợp với tâm lý và suy nghĩ của những người “nghe trời do mệnh, tôn thần sùng quỷ”.
Trung Quốc là quốc gia nông nghiệp lâu đời. Thời tiết, hạn hán và lũ lụt trực tiếp kiểm soát sự phát triển của cây trồng, và chất lượng cây trồng ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của con người. Do đó, cầu mưa là một trong những khả năng cơ bản và quan trọng nhất của các thầy pháp từ thời xa xưa ở nước này.
Trong các quan niệm tôn giáo truyền thống của Trung Quốc, rồng là thần thú có thể thông thiên và tạo mưa. Từ đó đã xuất hiện hình tượng nhân cách hóa, Long vương.
Sự hình thành của Long vương ở Trung Quốc có liên quan đến sự du nhập của Phật giáo và gắn bó của Đạo giáo. Long vương chứa đựng khát vọng đẹp đẽ của người dân vào quyền sinh tồn và theo đuổi cuộc sống “ăn no mặc ấm”. Họ quan niệm rồng là thần mưa nên mỗi khi hạn hán lại cầu mưa thuận gió hòa bằng cách đến đền Long vương để dâng lễ. Ngay cả trong những năm bình thường, người ta cũng cúng tế Long vương để cầu phúc, trừ tai họa và cầu mong mùa màng bội thu.
Biểu tượng của quyền lực và sự thống trị
Nghệ thuật trang trí Tiền Tần được đại diện bởi hoa văn rồng dần phát triển sau khi thống nhất nhà Tây Chu và các tranh chấp của thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhà Tần tạo nên cục diện thống nhất 6 nước, điều này càng thúc đẩy sự phát triển của họa tiết hình rồng.
Rồng vẫn mang ý nghĩa tôn giáo của thần thú thông thiên trong thời đại này, nhưng ý nghĩa thế tục của nó như một con thú tốt lành ngày càng được mọi người chú ý hơn. Hoa văn rồng của triều đại Tần và Hán phần lớn đã thể hiện khía cạnh thế tục đó, và rồng không còn là hình ảnh đáng sợ trong lòng người dân các triều đại nhà Thương và Chu. Khi khái niệm về quyền lực thần thánh của các vị vua đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc cổ đại, lý thuyết về con rồng thiên tử dần được nảy mầm.
Sau khi bước vào xã hội giai cấp, người cai trị vẫn sử dụng khái niệm thờ cúng vật tổ để củng cố quyền lực của họ, cho rằng mình là hiện thân của rồng với thế giới, thay trời ngự trị thế gian. Từ thế kỷ thứ 2 trở đi, rồng trở thành biểu tượng của Hoàng đế và quyền lực, quần áo và đồ đạc của Hoàng đế đều có hoa văn hình rồng, và đương nhiên cũng trở thành hình ảnh độc quyền chỉ Hoàng đế mới có thể sử dụng. Kể từ đó, con rồng đã trở thành biểu tượng của hoàng quyền và sự thống nhất.
Hình tượng Hoàng đế và bức tường Cửu long bích trong Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) |
Trở thành cái hồn trong văn hóa dân gian
Rồng có khi bay vút lên trời xa ngàn dặm, có khi ngủ yên trong biển rộng bao la, có khi phun mây tạo mưa, có khi ẩn nấp khắp trời Đông Tây.
Trong đời sống hằng ngày của người dân, đâu đâu cũng có bóng rồng: có “mì râu rồng”, có “kẹo râu rồng”, có trái “long nhãn”, có “long cốt” làm dược liệu chữa bệnh. Đến Bắc Kinh có để leo lên Vạn Lý Trường Thành hình con rồng và leo núi Long Hổ ở Sơn Tây…
Hình ảnh trực quan hơn về “rồng” được lan truyền và tồn tại trong các tác phẩm điêu khắc, thư pháp và tranh vẽ.
Đặc biệt, Trung Quốc có rất nhiều lễ hội dân gian liên quan đến rồng với các hoạt động phong phú và đầy màu sắc.
Hoạt động múa rồng trong Lễ hội đèn lồng |
Cuộc thi đua thuyền rồng |
Tết Nguyên tiêu vào ngày 15 tháng Giêng Âm lịch hay còn gọi là “Lễ hội đèn lồng”, phải thực hiện múa đèn rồng hoành tráng, cầu mong mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình yên. Ngày 2 tháng Hai Âm lịch là “Lễ hội rồng ngẩng đầu”, văn hóa dân gian tin rằng vào ngày này, con rồng ngủ đông bắt đầu thức dậy sau tiếng sấm mùa xuân, ngẩng đầu bay lên để “ngự trị trên cao, uốn lượn vần vũ”. Ngày 5 tháng Năm Âm lịch là thời điểm tổ chức “Lễ hội thuyền rồng”, phong tục đua thuyền rồng là một hoạt động lễ hội không thể thiếu... Con rồng thêm màu sắc cho các lễ hội dân gian Trung Quốc, cũng mang lại hy vọng và niềm vui cho mọi người.
Rồng là hình ảnh thiêng liêng trong tinh thần dân tộc Trung Hoa và là biểu tượng của văn hóa Trung Quốc. Vào thời xa xưa, người ta tin rằng cần phải có một “thần vật” với sức mạnh vô song liên quan đến “nước” thống trị, chỉ đạo, thao túng,quản lý những động vật và hiện tượng thiên nhiên. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, rồng đã trở thành một nền văn hóa của các nước Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Nguồn: Tổng hợp