Họa sĩ Phan Minh Bạch (sinh năm 1979) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2004. Sau khi ra trường, Phan Minh Bạch từng có hơn 10 năm gắn bó với công việc họa sĩ thiết kế, trình bày báo ở một cơ quan báo chí có danh tiếng. Ngay từ những ngày còn rất nhỏ, trước khi theo học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chị đã được học cầm bút lông tròn (bút vẽ của người phương Đông) để vẽ tranh và viết thư pháp. Nhờ vậy, chị có thể ứng dụng bút pháp khởi bút, hành bút và thu bút cùng với kỹ thuật vẽ nhiễm mặc, tức là chủ động độ loang, nhòe, độ no, độ kiệm của màu và mực, để màu ngấm vào từng sợi lụa một cách tinh tế. Từ đó, Phan Minh Bạch đã tạo ra một phong cách vẽ mới với chất liệu lụa.
Hơn bốn năm trước, Phan Minh Bạch quyết định nghỉ việc để có thể toàn tâm toàn ý với những sáng tác hội họa và đặc biệt là chất liệu lụa tự nhiên và giấy dó. Họa sĩ có nền tảng là kinh nghiệm sáng tác trong những năm tháng học Mỹ thuật Việt Nam, sự học hỏi kiến thức và tinh thần sáng tạo từ người bố, họa sĩ- nhà nghiên cứu Phan Bảo, cộng thêm trải nghiệm công việc thiết kế thời trang (chủ yếu là đồ lụa tơ tằm). Chị cũng thích tìm hiểu và thể nghiệm các màu vẽ mới trên lụa. Chẳng hạn, chị đã tìm chọn Liquitex Professional Heavy Body Acrylic (một dòng Acrylic cao cấp) kết hợp một số mẫu bột màu và keo tự chế từ nguyên liệu tự nhiên để tạo nên hiệu ứng màu riêng có cho Mây ngỏ.
Kết quả đầu tiên sau bốn năm ấy là một triển lãm cá nhân đầu tiên của chị, mang tên Mây ngỏ với khoảng 30 bức tranh lụa khổ lớn. Triển lãm là khởi đầu cho một mạch ý tưởng lớn khởi sinh từ nhiều câu chuyện, phận đời phụ nữ, trong đó có chính bản thân tác giả và nhiều hoàn cảnh mà họa sĩ từng đọc, nghe, thấy ở đâu đó trong cuộc sống quanh mình. Phần nào, Mây ngỏ chính là tính cách và con người họa sĩ và cũng là phần đầu tiên của một dự án nghệ thuật dài hơi gồm nhiều hợp phần sau đó.
Phan Minh Bạch tự sự: “Một số bức tranh vẽ phụ nữ có hình con rồng trên người là từ chủ ý của cá nhân tôi, xuất phát từ câu chuyện xưa, vua đi đánh giặc trăm trận trăm thắng nhưng về chốn hậu cung vẫn có thể chỉ nghe người phụ nữ của mình". Họa sĩ muốn biểu đạt điều rằng, thế giới bên trong của người phụ nữ là sức mạnh, là quyền lực mềm có thể nắm bắt được tất cả, là sự lớn lao mà cũng có thể trở thành vô thường. Đó cũng là một phần thể hiện tính cách của phụ nữ Á Đông từ bao đời nay. Ẩn đằng sau đức tính “công dung ngôn hạnh”, sau “yếu liễu đào tơ”, “mình hạc xương mai” là nội lực mạnh mẽ. Gam đen- trắng- ghi là chủ đạo, mảng màu bay bổng, loang nhòe, đan xen sự lấp lánh của vàng và những họa tiết trang trí mỏng nhẹ, xuyên thấu, đã tạo nên series tranh mang tên: Nghìn năm mây trắng.
Công việc làm họa sĩ thiết kế trong những cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức chính là gợi ý cho bộ tranh thứ hai: Vân tưởng y thường. Họa sĩ vẽ những cô gái trẻ bước đi với phong thái hiện đại, có vẻ nude nhưng thân thể được khéo ẩn trong những họa tiết hoa văn cổ, lại đan cài phụ kiện thời thượng, mang hơi hướng của Popart. Cách họa sĩ phối màu và tạo mảng miếng khá ấn tượng. Chúng ta cứ tin rằng có thể đang sở hữu một cái gì đó, nhưng đột nhiên lại đánh mất. Đấy có lẽ là lý do con người luôn phải đấu tranh cả cuộc đời, chạy theo các ước vọng của chính mình để vượt qua chính mình. Mỗi cá nhân riêng lẻ đều có một vai trò quyết định trong quá trình đó, nên trong mỗi bức tranh từng cá nhân được đặt vào trung tâm. Mỗi con người thường thích đánh giá người khác, thích suy xét người khác mà không nhớ rằng bản than mình cũng nằm trong những sự phát xét đó.
Bộ ba tranh Tam thái vân gian (Mây ba mùa) được trưng bày trên những chân gỗ và khung sơn mài để người xem có thể thưởng thức hai mặt khi đi quanh nó, lợi dụng chính đặc tính xuyên thấu của lụa để tạo hiệu ứng hư hư, thực thực làm cho các cô gái như bước ra từ truyền thống rồi lại trở về truyền thống. Ba cô gái trong bộ tranh này tượng trưng cho ba mùa Xuân,Thu, Đông (họa sĩ sử dụng màu chủ đạo tương ứng với màu tượng trưng cho ba mùa: xanh, vàng, ghi), mang dáng vẻ của những người phụ nữ xưa mặc áo dài cổ điển, một mặt là những đám mây hay rừng cây, khi nhìn xuyên thấu có thể thấy rõ không gian ẩn hiện, lúc tỏ lúc mờ. Vì là có thể xem hai mặt và đi quanh nó nên loạt tranh này tạo hiệu ứng rất rõ rang và đa chiều khi người xem trực tiếp ngắm chúng.
Series tranh còn lại mang tên Vân mộng, giấc phiêu diêu của những vẻ đẹp nữ tính và quyền lực. Tác giả thể hiện từng vệt bút trên da thịt một cách nhẹ nhàng, như chính chị đang trong tâm thế thiền định vậy. Nhân vật như đang bay bổng, nghỉ ngơi trong trạng thái cân bằng, giữa không gian tươi sáng. Series này không cố gò bó vào một ý đồ thể hiên nào, họa sĩ thả lỏng tâm thế của mình khi vẽ. Chị khá thành công trong việc dẫn dắt người xem tới một lối mở về cảm nhận nghệ thuật.
Song song với các bộ tranh nói trên, họa sĩ vẫn đã và đang suy nghĩ những diễn biến khác trong nội giới và ngoại giới của thân phận người nữ để xây dựng hai bộ tranh tiêu đề Chơi vơi và Ngỏ. Chơi vơi là về những cảnh xưa còn vương sót lại, mờ ảo và mông lung. Ngỏ chuyên chở ước vọng tự do, nhất là sự tự do nội tâm, của người nữ. Nhân Mây ngỏ, chị chọn bày vài bức mở đầu cho hai bộ tranh tiếp sau, để người xem có thể hình dung rõ hơn quá trình sáng tác liền mạch của tác giả.
Cuối cùng, cuộc sống, việc sống, sự sống là gì? Là sự giản đơn, là tự nhiên như nhiên. Mọi sự cố gắng của loài người đều không thể vượt qua quy luật của tự nhiên. Toàn bộ tác phẩm trong Triển lãm Mây ngỏ thể hiện bản thân, thân phận người nữ qua từng giai đoạn, có những người chỉ gặp thoáng qua hay những người cùng sống, cùng làm việc được tác giải diễn tả chi tiết đời sống phận nữ nhi từ khi được sinh ra cho tới khi bước vào trung niên, mỗi giai đoạn có những hoang mang, ám ảnh, vui sướng, trống rỗng và thiền định. Quan hệ con người với con người, con người với những định kiến xã hội được họa sĩ diễn tả chi tiết nội tâm, làm loang mờ hình dáng trong loạt tác phẩm này.
Triển lãm Mây ngỏ diễn ra tại Art30, số 30-phố Quang Trung, Hà Nội, từ cuối tháng 4/2023 với khoảng 30 tác phẩm xuất sắc của họa sỹ trong những thử nghiệm hoàn toàn mới với lụa truyền thống. Hội họa chính là niềm đam mê, con người, đặc biệt là nữ giới là vấn đề trung tâm trong các tác phẩm của Phan Minh Bạch. Chúng ta hãy đến và thưởng ngoạn những bức họa chứa đựng nhiều điều mới mẻ của họa sĩ Phan Minh Bạch.