• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ sĩ Thanh Mai và dự án Bờ Thành: “Nghệ thuật khiến ta không bước qua những thay đổi của đời sống nhân sinh bằng sự thờ ơ, quên lãng”

Dự án tạo được không gian trao đổi để các cá nhân liên quan nhìn về vấn đề đã, đang và...

Dự án Bờ Thành được các nghệ sĩ ở Huế sáng lập vào đầu năm 2021 như một phản hồi về các đổi thay đang diễn ra chung quanh, cụ thể ở đây là dự án di dời người dân sinh sống ở khu vực Bờ Thành, Kinh thành Huế. Trong suốt 2 năm, bên cạnh nỗ lực sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật để bày tỏ tiếng nói và mối quan tâm của nghệ sĩ, dự án cũng tạo nên được những không gian trao đổi rộng hơn để các cá nhân liên quan cùng nhìn về vấn đề, chiêm nghiệm lại những điều đã, đang và có thể xảy ra đối với một dự án di dời.

Phụ nữ Mới có cơ hội phỏng vấn nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, người sáng lập dự án để hiểu thêm về quá trình thực hiện dự án nghệ thuật cộng đồng Bờ Thành.

Nghệ sĩ Thanh Mai.
Nghệ sĩ Thanh Mai.

Chào chị Mai, đến thời điểm này, có thể nói chúc mừng chị khi dự án Bờ Thành đã được trình hiện hoàn toàn được không? Chặng đường tiếp theo của dự án Bờ Thành sẽ diễn ra như thế nào? 

Dự án Bờ Thành đã không được trình hiện hoàn toàn như lẽ ra nó phải vậy. Chúng tôi đã muốn mang lại một không gian đan xen giữa nghệ thuật, hoạt động cộng đồng, thảo luận, giao lưu, thăm thú mà ở đó Bờ Thành và câu chuyện di dời được phân tích dưới nhiều góc nhìn để từ đó mỗi cá nhân có thể rút ra được những chiêm nghiệm và bài học. Nhưng dự án đã không được cấp phép, do đó các hoạt động phải rút về gói gọn trong một nhóm nhỏ. Điều đó vô cùng đáng tiếc.

Bước tiếp theo, chúng tôi đang vận chuyển tác phẩm đến thành phố Hồ Chí Minh để trưng bày ở Nguyễn Art Foundation - EMASI Vạn Phúc (Q.Thủ Đức). Việc trưng bày lại ở một nơi mới là một nỗ lực để chúng tôi đưa câu chuyện của mình ra khỏi cộng đồng quen thuộc để có những trao đổi, phản hồi hữu ích, hy vọng vậy.

Tour tham quan bờ thành và nghệ thuật.
Tour tham quan bờ thành và nghệ thuật.

Tại không gian mới, các tác phẩm của những nghệ sĩ tham gia dự án Bờ Thành được trình hiện như một tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm cá nhân của chị? Ngoài việc đưa câu chuyện đi xa và rộng hơn, nó còn chứa đựng một mưu cầu riêng tư nào khác?

Nghệ thuật đương đại Huế đã có những thời kỳ sôi động nhất định. Từ những nghệ sĩ Đức đến Huế đặt các viên gạch cho nền móng đầu tiên vào những năm 2000, rồi đến sự ra đời của các không gian mang tính thể nghiệm như New Space Art Foundation, Then Cafe, Mơ Đơ, các gương mặt nghệ sĩ dần lộ diện.

Tôi cũng là một trong những nghệ sĩ nương vào các hoạt động thể nghiệm nhỏ lẻ, rồi học và lớn dần lên trong bầu không khí đó. Tôi nghĩ việc duy trì các thực hành, tạo không gian trao đổi, thảo luận là cách nuôi dưỡng cảm hứng cho bản thân và những người chung quanh. Đó là điều mà các nghệ sĩ đi trước đã làm, giờ đây thế hệ của chúng tôi lại tiếp tục. Đưa các tác phẩm của dự án Bờ Thành đến không gian mới chính là một trong các nỗ lực kể trên.

Trưng bày tác phẩm
Trưng bày tác phẩm "Một chiều xanh nho nhỏ".

Ở hành trình mới này, việc chuyển dịch tác phẩm tới một không gian xa lạ đi kèm với những mất mát và thiếu hụt, nhưng việc phá bỏ khung định dạng ban đầu của dự án tạo ra đồng thời cũng đem lại cơ hội. Cơ hội đưa các câu chuyện đi xa hơn và tạo ra những thảo luận mới, rộng hơn. Các nghệ sĩ trẻ có cơ hội đưa tác phẩm đến với lượng khán giả đông hơn. Tôi cũng muốn có cơ hội đưa một dự án nghệ thuật ở Huế ra bên ngoài, hy vọng điều này có thể tạo ra được một vài hiệu ứng tích cực cho bối cảnh nghệ thuật đương đại Huế ở thời điểm hiện tại.

Quay trở lại những ngày đầu với Bờ Thành, điều gì thôi thúc chị chọn gắn bó với câu chuyện ở đây?

Tôi là người hoài cổ. Tôi yêu và tin vào giá trị văn hóa, tinh thần của những thứ xưa cũ. Chúng gợi nhắc và neo chúng ta vào quá khứ, nhờ đó ta không trôi trượt đi trong dòng chảy nhanh gấp của cuộc sống hiện tại.

Khán giả xem trưng bày tác phẩm “Lúc thấy lúc không” của nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tú.
Khán giả xem trưng bày tác phẩm “Lúc thấy lúc không” của nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tú.

Quan sát những đổi thay của Bờ Thành tôi có nhiều băn khoăn. Về cách chúng ta định nghĩa về di sản, bảo vệ di sản. Quy trình giải tỏa, di dời này liệu có san phẳng những dấu vết lịch sử, văn hóa dân gian còn sót lại ít ỏi đâu đó? Hướng đi tiếp theo sau dự án di dời này là như thế nào? Sinh kế của hơn 2000 hộ gia đình bị di dời sẽ ra sao? Những xáo trộn, đứt gãy vô hình từ dự án này như thế nào? Con người ở đâu trong bức tranh di dời hỗn độn đó? Những câu hỏi này tôi không đủ sức giải đáp.

Một dự án nghệ thuật có sự liên hệ đa ngành là phương thức khả dĩ để chúng tôi có thể nghe được nhiều tiếng nói hơn.

Khó khăn nào đã hiện diện khi chị thực hiện dự án này?

Như rất nhiều dự án nghệ thuật khác ở Việt Nam chúng tôi cũng phải đối mặt với hai vấn đề nổi cộm: kinh phí và cấp phép. Trong khi ở nhiều nước xung quanh khu vực, chính phủ hoặc các tập đoàn rất ủng hộ nghệ thuật; dùng văn hóa, nghệ thuật như một phương thức trình hiện mình ra với thế giới ở các sự kiện nghệ thuật lớn như Venice Biennale, Berlin Biennale, Documenta 15 thì Việt Nam rất thờ ơ, nếu không muốn nói là rất tích cực trong việc kiểm soát các lĩnh vực này thông qua hệ thống kiểm duyệt. Rõ ràng sáng tạo không thể thăng hoa trong sự kiềm tỏa đó được.

Trình diễn của nhóm nghệ sĩ Phụ Lục trên bờ thành.
Trình diễn của nhóm nghệ sĩ Phụ Lục trên bờ thành.

Quay trở lại dự án Bờ Thành, như đã nói ở trên, dự án đã không được cấp phép. Những hoạt động cộng đồng mà chúng tôi mong muốn đã không thể diễn ra. Những hoạt động vệ tinh như các cuộc thảo luận đa ngành với sự góp mặt của chuyên gia từ nhiều lĩnh vực cũng không được thực hiện. Điều này theo tôi rất đáng tiếc vì những hoạt động này rất có ích trong việc lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng.

Nói thêm về các tác phẩm trong dự án, chị nhìn nhận giá trị các tác phẩm mà nghệ sĩ đóng góp cho dự án lần này như thế nào?

Bờ Thành là từ khóa mang nhiều tính gợi mở. Mỗi nghệ sĩ có một quan điểm, góc nhìn, và họ thể hiện quan điểm, góc nhìn đó với nhiều chất liệu, cách đặt vấn đề khác nhau. “Lúc thấy lúc không” của Hoàng Ngọc Tú là một trưng bày những dấu tích cuối cùng còn lại sau những mảng tường đổ nát. Những biển số nhà rỉ sét, cong vênh, nứt nẻ, bạc màu đi cùng thời gian là những nhân chứng thầm lặng sau cùng rơi rớt lại từ cuộc di dời. Chúng gợi nhắc những câu hỏi về nơi chốn, ký ức, sự bật gốc và chuyển dời.

Chiếu phim giao lưu thảo luận.
Chiếu phim giao lưu thảo luận.

Hay “Một chiều xanh nho nhỏ” của Lê Thị Minh Nguyệt và Nguyễn Thị Khánh Anh là một cuốn sổ nhỏ với rất nhiều ký họa, ghi chép riêng tư, thân mật đầy tính sẻ chia về những suy tư trước các đổi thay của khu vực Bờ Thành Huế.

Có thể nói đó là cuốn sổ của cộng đồng, vì tham gia vào đó là nghệ sĩ, sinh viên, kiến trúc sư, giáo viên, nông dân, người dân trong cộng đồng bị di dời, nhà bảo vệ môi trường. Sự đa dạng của người tham dự giúp ta nghe được nhiều tiếng nói hơn.

Điều này rất quan trọng. Vì một dự án di dời sẽ kéo theo nhiều thay đổi, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến riêng cộng đồng cư dân bị di dời, mà còn liên đới đến những cộng đồng khác ở bên ngoài. Những tiếng nói đa dạng sẽ mang lại một kênh tham chiếu tốt hơn.

Các tác phẩm trưng bày trên nhiều chất liệu, một số được bày trên Bờ Thành, giữa vườn rau bỏ hoang hoặc gần các tường nhà đổ nát, như một đối thoại tĩnh lặng giữa tác phẩm và cảnh quan chung quanh. Nghệ thuật, xét cho cùng là mang lại những đối thoại, chiêm nghiệm và suy tư. Để ta không bước qua những thay đổi của đời sống nhân sinh bằng sự thờ ơ, quên lãng.

Tác phẩm
Tác phẩm "Những trang giấy trống" của nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai được trình hiện ở vườn rau trên Thượng Thành.

Chị có nghĩ bối cảnh địa phương, ở đây là nơi dự án Bờ Thành thành hình, cố đô Huế, là một yếu tố ảnh hưởng đến dự án?

Bối cảnh địa phương ảnh hưởng rất nhiều tới các dự án nghệ thuật cộng đồng. Cộng đồng nghệ thuật (bao gồm nghệ sĩ, giám tuyển, nhà phê bình, nhà tổ chức) và khán giả, cơ quan kiểm duyệt, nhà tài trợ, báo chí, chính quyền địa phương, người dân đều là những thành tố trong một hệ sinh thái có tác động qua lại lẫn nhau. 

Ở Huế, người Huế vốn trầm lặng nên lượng khán giả nghệ thuật chưa nhiều, và còn khá e dè. Ở những thành phố lớn như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, khán giả đông hơn và họ rất chủ động, tò mò, phản biện. Nghệ thuật cần khán giả. Chỉ khi có đối thoại hai chiều, nghệ thuật mới có thể có cảm hứng, động lực và điều kiện để phát triển. 

Cám ơn chị về buổi phỏng vấn này. Chúc chị một năm mới nhiều sức khỏe và bình an!

Như Quỳnh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật