Tôi cảm thấy mình có khả năng viết nhạc là lúc khoảng 10 tuổi
PV: Âm nhạc đến với chị như thế nào? Khi nào chị biết rằng mình có khả năng viết nhạc?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi đến với âm nhạc do bố mình là nhạc sĩ Hoàng Kiều dạy những nốt nhạc đầu tiên. Trong gia đình có 4 anh chị em thì bố mẹ đều cho học nhạc từ bé, coi như đó là truyền thống gia đình. Bố mẹ làm nghệ thuật nên cũng mong muốn các con theo con đường nghệ thuật.
Tôi cảm thấy mình có khả năng viết nhạc là lúc khoảng 10 tuổi, trong một buổi tối trời mưa giông, tôi ngồi tập đàn và bắt đầu để trí tưởng tượng trôi theo những ngón đàn.. Về sau tôi thấy không giống bài nào cả, tôi nghĩ rằng đó là do tôi sáng tác nên ghi lại và đề tặng bố Hoàng Kiều. Đó là bản Romance cho piano đầu tiên của tôi.
Nhạc sỹ Giáng Son có năng khiếu âm nhạc từ năm 10 tuổi do bố - nhạc sỹ Hoàng Kiều truyền cho |
PV: Người ta luôn thấy âm nhạc của Giáng Son tràn ngập nữ tính, mơ mộng và lãng mạn, đó có phải con người chị?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi nghĩ đó là con người của tôi thật. Tôi không đóng vai người khác được. Đặc biệt trong âm nhạc tôi đâu cần phải che giấu con người mình, những khát khao ước mơ của mình về mọi điều trong cuộc sống. Cho nên khi nghe nhạc của tôi mọi người thường nói tôi ngây thơ.
Tôi cũng không cố tình tạo ra sự nữ tính trong âm nhạc của mình. Mà là do con người tôi như thế nào thì khi tôi viết nhạc nó ra màu sắc như thế!
PV: Trong các ca khúc của chị người ta ít thấy có đau đớn, ẩn ức, mà hầu như chỉ là khát khao say đắm của con người, của cuộc đời, hoặc những cung bậc cảm xúc dù buồn hay vui cũng đều rất đẹp và nồng nàn, điều gì đã khiến âm nhạc của chị mang một vẻ đẹp tự nhiên đến vậy?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi là một người ngây thơ và khá lạc quan. Mặc dù trải qua rất nhiều đau đớn và ẩn ức nhưng tôi vẫn muốn nhìn cuộc đời bằng con mắt đẹp đẽ, nhìn điều tốt đẹp để mà sống mà viết. Buồn lại càng phải đẹp. Có thể một phần tôi ảnh hưởng âm nhạc cổ điển khi học piano. Có những giai điệu cực buồn nhưng đẹp đến mê hồn làm ám ảnh tôi!
"Tôi là một người ngây thơ và khá lạc quan" |
Sáng tác đòi hỏi người nhạc sĩ phải có cá tính, mạnh mẽ, dám khai phá cái mới
PV: Một ca khúc hay, theo chị cần có những yếu tố gì?
Nhạc sỹ Giáng Son: Đối với tôi, một ca khúc hay cần phải kết hợp được sự nhuần nhuyễn giữa giai điệu và ca từ. Giai điệu phải hay, lạ và biến hóa càng tốt. Ca từ phải có tính văn học, có thể giản dị nhưng không dễ dãi. Đó là những yếu tố mà tôi luôn hướng đến khi viết ca khúc.
PV: Ở Việt Nam các tác giả nữ không nhiều, tác giả thành công lại càng ít hơn. Hẳn nó có lý do riêng nào đó?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi thấy chục năm gần đây các tác giả nữ đã xuất hiện nhiều hơn và số lượng thành công cũng nhiều hơn. Đương nhiên số lượng vẫn ít hơn các nhạc sĩ nam vì lĩnh vực sáng tác được coi như là của nam giới thì phù hợp hơn. Sáng tác đòi hỏi người nhạc sĩ phải có cá tính, mạnh mẽ, dám khai phá cái mới nên có vẻ như phái nữ ít người làm được điều đó.
PV: Gia tài của chị hiện nay có bao nhiêu ca khúc, và ca khúc nào khiến chị hài lòng nhất?
Nhạc sỹ Giáng Son: Hiện tôi có hơn 100 ca khúc. Tôi có rất nhiều ca khúc tâm huyết, thật khó để nói ca khúc nào tâm huyết nhất. Mỗi ca khúc lại có một màu sắc riêng khiến tôi thích thú.
'Sáng tác đòi hỏi người nhạc sĩ phải có cá tính, mạnh mẽ, dám khai phá cái mới nên có vẻ như phái nữ ít người làm được điều đó.' |
Nhưng nếu bạn muốn đi dài hơn trong âm nhạc, bắt buộc bạn phải có học
PV: Theo chị, Âm nhạc, nhất là Sáng tác nhạc có phải là một nghề khó?
Nhạc sỹ Giáng Son: Chắc chắn không phải là một nghề dễ. Nếu có năng khiếu bẩm sinh, bạn có thể viết được vài ca khúc mà không cần phải học hành bài bản. Nhưng nếu bạn muốn đi dài hơn và viết được những bản nhạc như khí nhạc, bắt buộc bạn phải có học. Học một cách bài bản nhất và học mọi lúc mọi nơi.
PV: Phong cách viết nhạc của chị, chị đánh giá là cảm tính hay lý trí?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi nghĩ rằng mình đã kết hợp được giữa cảm xúc và lý trí. Tôi luôn tỉnh táo với điều này. Tôi đã được học những người thầy lớn trong sáng tác đó là thầy Đàm Linh, thầy Nguyễn Văn Nam, thầy Nguyễn Thiện Đạo… Họ luôn dặn tôi rằng nếu sa đà vào cảm xúc thì sẽ bị lan man, bị ủy mị còn nếu quá lí trí thì âm nhạc sẽ khô cứng, không ai nghe nổi. Thế nên người nhạc sĩ phải kết hợp được hai yếu tố then chốt này.
PV: Vậy các nhạc sỹ trẻ hiện nay, chị có đánh giá thế nào về họ?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi thấy các bạn trẻ hiện nay rất năng động, rất cập nhật và họ có phần bất chấp nữa. Đôi khi họ chẳng cần nghe những lời khuyên làm gì. Đó cũng là đặc điểm của tuổi trẻ. Cái đó cũng hay mà cũng có cái dở. Khi bạn đi đúng đường thì nó hay. Còn sai đường thì nó dở. Tôi thích một số bạn trẻ có tư duy hiện đại, họ hiện đại nhưng vẫn hướng đến dân tộc. Và họ có giọng điệu âm nhạc riêng rõ ràng, không trộn lẫn.
PV: Theo chị, trong sáng tác, bản năng và việc được đào tạo bài bản, yếu tố nào quan trọng hơn?
Nhạc sỹ Giáng Son: Theo tôi cần cả hai. Tiếc rằng có một số người khi còn bản năng thì sáng tác rất hay. Nhưng khi có học vào là bị sa đà vào học thuật (tức bị lý trí quá) nên không còn hay nữa! Thế nên người sáng tác phải giữ được cho mình sự ngây thơ trong sáng nhưng lại phải có lý trí mạnh mẽ để tuýt còi chính mình không bị sa đà vào bản năng.
Nhạc sĩ Giáng Son là một trong bốn giám khảo của cuộc thi Sing my Song |
PV: Có bao giờ chị ‘chợt nghĩ’ về việc tại sao những sáng tác của mình thành công và được yêu mến đến vậy không?
Nhạc sỹ Giáng Son: Tôi nghĩ mình cũng có phần may mắn. Và tôi nghĩ rằng những ca khúc của mình được viết ra bằng những cảm xúc mãnh liệt và chân thành nhất nên đã đến được với trái tim khán giả.
PV: Các nhạc sỹ của Việt Nam, chị yêu thích nhạc của ai nhất?
Nhạc sỹ Giáng Son: Nếu về ca khúc tôi thích các nhạc sĩ đàn anh như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Ngọc Đại nhất.
Cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!