Hà Nội đêm trở gió - nhạc sĩ Trọng Đài
Hà Nội đêm trở gió là một sáng tác của nhạc sĩ Trọng Đài. Ca khúc gợi nhắc một Hà Nội bình dị, mộc mạc, gần gũi, đơn sơ đầy lãng mạn. Hình ảnh Hà Nội với những tiếng rao đêm vang vọng, hàng liễu rủ thướt tha in bóng hồ Gươm hay cành me thì thầm khiến ai cũng xao xuyến. Giai điệu nhẹ nhàng, nỗi niềm bâng khuâng cùng những cảm xúc tinh tế đã khiến Hà Nội đêm trở gió trở thành bài hát được nhắc đến nhiều nhất những ngày Thu về.
Đâu phải bởi mùa thu- nhạc sĩ Hồng Đăng
Một sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng được thể hiện xuất sắc bởi diva Mỹ Linh. Bài hát xuất phát từ những ý thơ trong bài thơ Yên tĩnh của nhà thơ Giáng Vân. Giai điệu ca khúc trữ tình, nhẹ nhàng, lắng đọng nhưng không bi lụy, sầu ai.
Nhớ mùa thu Hà Nội - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhớ mùa thu Hà Nội là khúc nhạc của nỗi nhớ, niềm thương khi diễn tả tình yêu giữa đất với con người thủ đô nhưng vừa chớm nở đã phải chia xa. Những hình ảnh gợi tả nỗi nhớ như cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ gợi tình, cùng những giai điệu du dương gợi tình, gợi cảm càng khiến bài hát âm vang và sâu sắc hơn. Bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dưới sự thể hiện của ca sỹ Hồng Nhung dễ dàng làm mê đắm lòng người với những ca từ quen thuộc và thân thương nhất.
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa - nhạc sĩ Trương Quý Hải, thơ Bùi Thanh Tuấn
Ra đời năm 1993, đến nay “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” đã có tuổi thọ hơn 20 năm, trở thành ca khúc quen thuộc với hàng triệu người yêu Hà Nội. Bài hát do nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc từ bài thơ của Bùi Thanh Tuấn. Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể, khi nghe Bùi Thanh Tuấn đọc bài thơ, những tứ thơ đặc sắc “cái rét đầu đông giật mình bật khóc”, “quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc”...đã làm rung động tâm hồn tất cả những người ngồi nghe, trong đó có cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, lúc đó đang là cán bộ Ðoàn Trường ÐH Kinh tế TPHCM. Chỉ trong vòng 30 phút, bản nhạc hoàn thành. Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã lấy câu thơ đầu Hà Nội mùa vắng những cơn mưa làm tựa.
Có phải em là mùa thu Hà Nội - nhạc sĩ Trần Quang Lộc
Có phải em là mùa thu Hà Nội sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Bài hát nguyên thủy là bài thơ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8/1970 tại Đà Nẵng, dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Những giai điệu ngọt ngào của Có phải em là mùa Thu Hà Nội đã từng làm say đắm biết bao thế hệ mê âm nhạc Việt Nam bởi những tình cảm xuất phát từ tận trái tim người nghệ sĩ sáng tác. Cứ mỗi độ thu về, ca khúc bất hủ này lại vang lên trong sự mê đắm của người yêu Hà Nội.
Nồng nàn Hà Nội - nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường
Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Những hình ảnh về một Hà Nội trong veo, nhẹ nhàng với bình minh lên, mặt trời hồng rạng rỡ, các cụ già tập dưỡng sinh, góc phố tinh mơ,... Hà Nội hiện lên nhẹ nhàng, ấm áp, đầy chất thơ ngay cả trong những giây phút bình thường của đời sống.
Hà Nội mùa thu - nhạc sĩ Vũ Thanh
Hà Nội mùa thu là 1 trong những sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Vũ Thanh. Cảm xúc thì bâng khuâng trước cảnh sắc thiên nhiên Hà nội nhưng tình cảm lại là nỗi suy tư về Hà Nội trong thời kỳ đất nước khó khăn. Mùa thu “năm ấy” với tình cảm dạt dào đã chạm tới sâu trong tim người yêu nhạc, yêu Hà Nội về một thủ đô với sức sống mãnh liệt.
Hương Ngọc Lan - nhạc sĩ Anh Quân
Nhắc đến mùa Thu Hà Nội, không thể không nhắc đến bài hát Hương Ngọc Lan của nhạc sĩ Anh Quân. “Hương Ngọc Lan” là bài hát mang đậm cái hồn Hà Nội. Mùi ngọc lan là mùi của Hà Nội, mùi của những góc phố cổ kính, rất Hà Nội, rất riêng.
Nhạc sĩ Anh Quân từng chia sẻ rằng mùa thu là mùa anh thích nhất và cũng là mùa đặc biệt nhất trong năm. Vì vậy mà mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sang tác của anh.