Bước sang thế kỉ 21, nền âm nhạc Việt đã có những sự thay đổi đáng kể, và những đòi hỏi về định hướng, tư duy, thẩm mỹ âm nhạc của công chúng cũng khác hơn rất nhiều. Mặc dù những năm gần đây, việc các nghệ sỹ tự "vỗ ngực xưng danh" đã trở nên lỗi thời, cộng thêm với việc quá nhiều tranh cãi xung quanh những danh hiệu, "đền đài", đến mức người trong cuộc đôi khi cũng phải nói rằng họ không cần xưng danh làm gì, vì chỉ tạo nên thị phi, mệt mỏi.
Từ cuối thế kỉ 20, thời hoàng kim của V Pop với Làn Sóng Xanh đã xuất hiện 4 gương mặt nghệ sỹ nữ đỉnh cao được khán giả công nhận qua nhiều năm tháng, đó là Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Trần Thu Hà. Tiếp nối dòng chảy âm nhạc, những nghệ sĩ mới xuất hiện, viết cho mình những lối hát và phong cách âm nhạc khác biệt, họ là những nghệ sĩ đã thoát khỏi các bóng to lớn của những đàn chị, ghi tên mình trên bản đồ nhạc Việt thế hệ mới.
Dưới đây xin nói về những giọng ca nữ đang có năng lực, thành tích, cũng như tư duy âm nhạc nổi bật, có thể gọi là "xuất sắc nhất" trong một thập kỉ qua.
4 Diva của nhạc Việt Thanh Lam - Mỹ Linh - Trần Thu Hà - Hồng Nhung (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo đuổi dòng nhạc bán cổ điển, Phạm Thu Hà có chất giọng Lirico coloratura soprano (nữ cao trữ tình màu sắc) rất bay và sáng. Mặc dù xét về nội lực, giọng của Phạm Thu Hà không phải chất giọng quá "khủng" để gây choáng ngợp hay lấn át người khác. Nhưng Thu Hà luôn có cách xử lý rất thông minh và khéo, kết hợp với sự uyển chuyển nữ tính có sẵn trong âm sắc, tạo nên hiệu quả về mặt cảm xúc.
Phạm Thu Hà làm nghệ thuật một cách thông minh, tư duy cấp tiến, kiên định nhưng không bảo thủ. Ở mỗi sản phẩm của Thu Hà, công chúng đều thấy có sự đầu tư thực sự tâm huyết không chỉ phần nghe, phần nhìn, mà còn thể hiện một tầm chiến lược với mong muốn để mang âm nhạc cổ điển tiệm cận với công chúng nhiều hơn.
Dù theo đuổi dòng nhạc cổ điển, nhưng nữ ca sỹ xinh đẹp luôn biết cách tự làm mới mình mỗi ngày, ở mỗi sản phẩm âm nhạc, cô đều có mày mò tìm ra sự thể hiện mới, vẫn là những bản nhạc bất hủ nhưng cô nghiên cứu, tìm tòi những con đường mới, những cách thể hiện mới mang dấu ấn của riêng cô.
Ca sỹ Phạm Thu Hà (Ảnh: Hanoimoi) |
Ngay từ ý tưởng phối hợp nhạc Cổ điển với âm nhạc điện tử trong album đầu tay Classic meets chillout hợp tác với nhạc sỹ Võ Thiện Thanh năm 2012, Phạm Thu Hà đã thể hiện một tầm tư duy âm nhạc mới mẻ, hiện đại, văn minh. Rồi đến các sản phẩm sau như Tựa như gió phiêu du với nhạc sỹ Đức Trí năm 2014 và album Hà Nội…Yêu! với phong cách hát cổ điển trên nền nhạc Jazz năm 2015. Hay là sự đột phá với đĩa than Đường em đi, Phạm Thu Hà phối các ca khúc của nhạc sỹ Phạm Duy trên nền thính phòng với sự hỗ trợ của nhạc sỹ Duy Cường (con trai nhạc sỹ Phạm Duy), tất cả đều thể hiện một sự nỗ lực, đầu tư sáng tạo vô cùng lớn của nữ ca sỹ được ví như "họa mi bán cổ điển" này.
Một yếu tố may mắn nhưng cũng là một năng lực đặc biệt của nữ ca sỹ, đó là cô luôn có những "cộng sự" tài năng bậc nhất hỗ trợ cho mình trong các dự án âm nhạc. Phạm Thu Hà đủ thông minh và tinh tế để "chọn mặt gửi vàng" cho cho mỗi "đứa con tinh thần" của mình, từ Võ Thiện thanh, đến Đức Trí, Duy Cường... đó thực sự là một trong những sự thông minh (và cả may mắn) mà không phải ai cũng có được.
Phạm Thu Hà hát Khi màu nắng tắt của nhạc sỹ Đức Trí
Không chỉ có vậy, Phạm Thu Hà còn thể hiện sự thông minh, nhạy bén trong việc lựa chọn ca khúc để đưa ra thị trường. Nếu như ở giai đoạn trước công chúng ham sự mới lạ, khác biệt, thì ở giai đoạn này, nhạc Việt lại chuộng sự hoài niệm với nhạc xưa và nhạc trữ tình, quê hương. Nắm bắt được tâm lý này, những năm gần đây, Phạm Thu Hà hay tìm cách làm mới nhạc xưa như nhạc Phạm Duy, nhạc cách mạng, nhạc Trịnh... và hầu như tất cả các sản phẩm của cô đều được thổi một hồn cốt mới sang trọng, tinh tế.
Phạm Thu Hà luôn lộng lẫy mỗi khi xuất hiện trước khán giả (Ảnh: VTC News) |
Có thể nói, mỗi sản phẩm âm nhạc ra đời đều đánh dấu một sự chuyển mình rõ rệt của Thu Hà, như một bước đi vững chắc, đĩnh đạc của cô để bước lên một tầm cao mới.Trong âm nhạc, chất giọng, nội lực mới chỉ là thành công một nửa, một nửa còn lại nằm ở tư duy và thẩm mỹ, sức bền và khả năng giao tiếp công chúng. Mà hầu như những điều đó ta đều nhìn thấy ở Phạm Thu Hà. Một điểm cộng sáng của Phạm Thu Hà là khuôn mặt và vóc dáng đẹp, sang trọng nữ tính, sự chỉn chu về hình ảnh mỗi lần xuất hiện trước công chúng khiến cho Phạm Thu Hà lấy được nhiều thiện cảm cũng như sự ngưỡng mộ của khán giả hơn.
Với tất cả những tiềm năng mình đang có, chắc chắn Phạm Thu Hà sẽ còn có những bước tiến dài hơn trong dòng chảy âm nhạc Việt.
Nguyên Thảo
Có thể nói, Nguyên Thảo là một trong những nữ nghệ sỹ có nhiều fan "ngầm" nhất của showbiz. Không xuất hiện nhiều trên truyền thông, cũng ít khi nói về mình, thậm chí đi hát show cũng thuộc hàng ít nhất của Showbiz, nhưng ai đã nghe Nguyên Thảo thì đều hầu như bị cô "bắt mất hồn".
Sở hữu chất giọng mezzo soprano đẹp, dày, Nguyên Thảo có lợi thế về khẩu hình với phần hàm dưới rất linh động nên âm thanh rất linh hoạt và đẹp, tròn, cộng thêm khả năng biết cách đưa âm thanh vào các khoảng vang rồi đẩy ra ngoài một cách tự nhiên và khéo léo, khiến cho các note cao bay, sáng và nhẹ thênh thang. Các note trung và trầm không có sự quá đặc biệt, dù vẫn đẹp và sâu.
Ca sỹ Nguyên Thảo (Ảnh: Zing) |
Nhưng, cái hấp dẫn nhất của Nguyên Thảo lại không nằm ở giọng hát, mà là sức truyền cảm. Nhiều năm đi hát, Nguyên Thảo thành công nhất với nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Đức Trí, Giáng Son và Võ Thiện Thanh. Người hâm mộ yêu mến Nguyên Thảo còn ví cô như là Diva thứ 5 trong làng âm nhạc, nhưng có lẽ mọi sự xưng danh với Nguyên Thảo đều là thừa thãi và không cần thiết.
Cảm giác cô ca sỹ đến từ Đà Lạt này không quá mong cầu gì khi đến với âm nhạc, hát như thể cho đi mà không mong nhận lại. Cô hát để giải tỏa tâm trạng của mình, diễn đạt tâm hồn mình, kể câu chuyện mình. Giọng của Nguyên Thảo cũng không cuồng nhiệt bên ngoài mà chinh phục người nghe bằng sức nặng nội tâm rất sâu.
Nguyên Thảo hát Tình ca của Phạm Duy
Sinh ra tại Đà Lạt, nét đẹp tuyệt vời nhất ở Nguyên Thảo là sự chân thành, tự nhiên, không hề tô vẽ. Nữ ca sỹ cũng không hát để phô giọng hay khoe kĩ thuật, mà để diễn đạt các cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi vui thì nhẹ nhàng thảnh thơi, khi đau thì cảm giác vừa day dứt vừa nhẹ nhõm, cái đau của người đã đi qua mọi nỗi sầu nhân thế.
Công bằng để đánh giá, nếu đặt Nguyên Thảo cạnh 4 Diva, cô không hề bị lép vế với bất kì ai, và kể cả khi hát lại những ca khúc của đàn chị như Bay vào ngày xanh, Nghe mưa, Gọi anh... Nguyên Thảo vẫn có không gian và sự tỏa sáng riêng của mình. Không khát khao như Thanh Lam, ngẫu hứng nghịch ngợm như Trần Thu Hà, nồng nàn như Mỹ Linh hay mộc mạc như Hồng Nhung, nhưng Nguyên Thảo lại có sự mềm mại và tha thiết từ bên trong, cái lắng đọng, chân thành mà không phải một giọng ca (dù đẹp đến mấy) nào cũng có được.
Nguyên Thảo ở ngoài rất giản dị và kín đáo (Ảnh: Thethaovanhoa |
Sẽ rất là hơi "vô duyên" khi nói về sự nổi tiếng với Nguyên Thảo. Vì cô ca sỹ ấy dường như nằm ngoài những toan tính, bon chen, vì cô luôn quan niệm "Sống phải thuận với tâm hồn", không hơn thua, không cưỡng cầu. Nhưng có lẽ, khán giả vẫn có quyền hi vọng, rồi nhiều năm sau này nữa, sẽ vẫn được nhìn thấy Nguyên Thảo đứng trên sân khấu, để hát, để cháy, để ngày càng đẹp và sâu hơn nữa.
Uyên Linh
Sẽ rất thiếu sót nếu nói về những giọng ca nữ hàng đầu của Việt Nam thế kỉ này mà thiếu bóng dáng của Uyên Linh. Tỏa sáng từ sân chơi Vietnam Idol, Uyên Linh trở thành một "hiện tượng âm nhạc" của những năm đó. Nghe Linh hát và biểu diễn, sẽ cảm nhận được chất nhạc chảy tràn từ ánh mắt đến ngón tay, đến từng cái lắc nhẹ của cơ thể đung đưa theo tiếng nhạc.
Ca sỹ Uyên Linh (Ảnh: Tienphong) |
Uyên Linh có quãng giọng trung đẹp với màu sắc Jazz, blue rất rõ rệt. Giọng Linh mang âm sắc của các giọng Jazz Mỹ với nội lực và tính feeling rất đậm nét, hấp dẫn. Không học âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng ở Uyên Linh là một tài năng thiên bẩm của nhịp điệu và nhạc cảm, có khả năng dẫn dắt cảm xúc của công chúng, khiến khán giả say theo từng cung bậc cảm xúc mà Linh đang muốn thể hiện.
Sau thành công của Vietnam Idol, Uyên Linh có nhiều cơ hội rộng mở với nhiều sự hợp tác với đầy hứa hẹn. Nếu như 2 sản phẩm đầu tay của Uyên Linh là "Giấc mơ tôi", tới "Ước sao ta chưa gặp nhau" là những album "thuần Pop" với những bản tình ca thấm đẫm tự sự chưa thực sự có đột phá, thì với "Portrait", Uyên Linh đã có sự chuyển mình cả về mặt âm nhạc, và về mặt cảm xúc, các ca khúc của cô đã bắt đầu mang hơi hướm Jazz Blue tinh tế, sang trọng hơn. Đặc biệt là album này Uyên Linh tự làm nhà sản xuất, cô chọn bài, nhờ người phối khí, chắt lọc để có được những sản phẩm tâm đắc.
Uyên Linh hát Đại lộ tan vỡ, một ca khúc trong album Potrait
Có thể dễ dàng nhận ra, cái nổi bật cũng là cái hấp dẫn nhất ở Uyên Linh là một bản năng nghệ sỹ vô cùng lớn và chưa bao giờ nguôi cạn, điều mà không phải người làm nghệ thuật nào ở Việt nào cũng có được, nó không chỉ đến từ giọng hát, mà còn đến từ tâm hồn, phong cách sống, thẩm mỹ và tư duy âm nhạc. Linh có cái kiêu ngạo của một người làm nghệ thuật chân chính giữa showbiz xô bồ, nhưng cũng có cái chân thành, giản dị rất đáng yêu, đáng quý.
Ở ngoài đời Uyên Linh là người chân thành, thân thiện (Ảnh: VTV) |
Hơn 10 năm kể từ Vietnam Idol, Uyên Linh đã không còn là cô gái "hồn nhiên" như xưa nữa, Uyên Linh của ngày hôm nay đàn bà hơn, sâu lắng hơn, giọng hát cũng sâu hơn, đủ khắc khoải nhưng cũng đủ bình thản để đối diện với những điều đã qua.
Đến sau và đến muộn, nhưng Uyên Linh cũng tạo được một chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả. Linh có thể hay hay không hay, tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người, nhưng điều quan trọng là Linh đang được là chính mình, bình tĩnh đi con đường âm nhạc của mình, không vội vàng, không hấp tấp. Với âm nhạc Việt, Uyên Linh đi ít, nhưng đi cẩn thận, cô dè dặt trong việc ra sản phẩm không phải vì sợ sệt hay e ngại, mà cô muốn đủ những trải nghiệm để trưởng thành, khao khát để kể câu chuyện của mình bằng âm nhạc.
(Còn tiếp)