Phạm Duy, về nhạc tình có thể không buồn như Trịnh Công Sơn, về nhạc quê hương có thể không mùi mẫn như Lam Phương, về “hùng ca” có thể không quyết liệt được như Văn Cao, nhưng những gì Phạm Duy làm được, là sự cách tân, sự dám đổi mới và bước ra khỏi những luật lệ cũ. Như cuộc đời của người nhạc sĩ sinh ra vào mùa thu ấy, dám bước ra khỏi vòng tay mẹ hiền và nguồn gốc danh gia, để lãng du khắp thiên hạ, chơi một cuộc chơi “tận hiến” với âm nhạc.
Nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phạm Duy vào tháng 10, xin nhắc lại về một ca khúc nổi tiếng nhất của ông về mùa thu, một ca khúc phổ thơ nhưng lại mang đầy những tư duy âm nhạc mới mẻ, đó là: Mùa thu chết.
Sự hội tụ của những tài năng
“Mùa thu chết” là một ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1970, với phần ca từ được lấy từ bài thơ nổi tiếng của thi sĩ người Pháp Guillaume Apollinaire có tên gọi: L’Adieu (nghĩa tiếng Việt là Từ biệt, Vĩnh biệt).
Bài thơ được cho là được Apollinaire sáng tác với những xúc cảm bi thương khi đến thăm mộ con gái của Victor Hugo tên là Léopoldine đã chết đuối cùng chồng ở biển tại tỉnh Villequier vào năm 1843. Tuy nhiên những suy đoán này chưa được tác giả xác nhận.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy. |
Trước khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, L’Adieu đã được nhà thơ Bùi Giáng dịch sang tiếng Việt. Sự đồng điệu của hai hồn thơ, dù cách nhau nửa địa cầu, nhưng cùng giàu suy tưởng và nhiều tự do phóng khoáng, nằm ngoài các trào lưu hay các khái niệm nhiều khuôn mẫu đã có trước đó. Bùi Giáng đã có một bản dịch có thể coi là tuyệt tác trên thi đàn văn nghệ Việt Nam. (Ảnh dưới).
Vào một ngày Bùi Giáng đến thăm nhà nhạc sĩ Phạm Duy. Người nhạc sĩ khi đó đã kêu Julie Quang (khi đó là con dâu của ông - vợ của ca sĩ Duy Quang) trình diễn một số ca khúc cho Bùi Giáng thưởng thức: “Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát cho Toi nghe!”.
Sau khi nghe tiếng hát của Julie Quang (khi đó mới 19 tuổi) trình diễn hai ca khúc nhạc ngoại quốc, Bùi Giáng vô cùng ấn tượng, ông lấy bút hí hoáy viết lại bài thơ “Mùa thu chết” đưa cho Phạm Duy, rồi ông nói với người ca sĩ trẻ: “Ông và bố sẽ có bài hát gắn liền với tên con!”.
Và ngay lúc đó, chỉ nửa tiếng sau, một “Mùa thu chết” hoàn toàn khác, hoàn toàn của Phạm Duy, với đầy nhạc tính Việt Nam đã ra đời. Phiên bản “Mùa thu chết” của Phạm Duy vẫn giữ nguyên được cái buồn sang trọng đầy mỹ cảm của âm nhạc Pháp, thậm chí ông đã thêm vào một số lời ca để tôn trọng cách triển khai “hợp âm vòng” cân xứng đặc trưng của nhạc Pháp.
Nhưng cùng với đó, ông đưa vào được không khí của mùa thu Việt Nam, một mùa thu Sài Gòn mãnh liệt và khắc khoải. Đó không còn là một mùa thu Paris hoa mộng nhiều ước lệ, mà là những nỗi buồn gần gũi và trực diện của những mối tình muốn bứt tung mọi rào cản.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy từng nói: “Bài thơ từng ám ảnh tôi hồi giữa thập niên 50 khi là sinh viên học nhạc tại Pháp, được phổ thành một ca khúc Việt Nam, mang ngữ thuật nhạc trẻ, nối lại truyền thống soạn nhạc mùa thu của các nhạc sĩ lãng mạn trước đây, lần này ở một xúc cảm cao độ nhất. Vì nó khóc một cuộc tình có thật”.
Bài thơ gốc của Guillaume Apollinaire và bản dịch của Bùi Giáng, cùng với phần lời của nhạc sĩ Phạm Duy. |
Và tất nhiên, ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Julie Quang từ đó. “Mùa thu chết” là bài hát đầu tiên của Julie được thu thanh vào đĩa nhựa. Và cũng là bản thu âm đầu tiên cô lấy nghệ danh là Julie Quang (trước đó cô dâu gốc Ấn chỉ có tên đơn giản là Julie, sau đó cô được “nhạc sĩ bố chồng” Phạm Duy đặt cho tên gọi Julie Quang ghép với tên của ca sĩ Duy Quang).
Julie Quang nói về “Mùa thu chết”: “Mùa thu chết” là một kết hợp của thi ca - East meets West (Đông Tây gặp gỡ) – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire, Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu thời thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy... Là người chuyên chở bài hát chẳng đánh Bắc dẹp Nam hay cậy mình tài giỏi, tôi tin rằng đã có người hát hay hơn mình, và sẽ có người thể hiện bài “Mùa thu chết” “tới” hơn Julie Quang...”.
Thời hoàng kim của âm nhạc phòng trà và những cách tân của Phạm Duy
Sài Gòn thập niên 60, với những biến động trong đời sống chính trị xã hội dẫn đến những bùng phát và của đời sống văn nghệ. Âm nhạc miền Nam Việt Nam thời kì này như một vòng xoáy của nhiều ngã rẽ đổ về.
Khi nhu cầu sáng tạo và trình diễn tăng cao, thì đời sống văn nghệ bị kìm hãm lại nhiều bởi những quy định và luật lệ được áp đặt của một thể chế mới, dẫn đến việc ra đời của những không gian thưởng thức âm nhạc nhỏ hơn, kín đáo hơn, nhưng tự do và có phần buông thả hơn. Đó là các phòng trà.
Như nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét: “Phòng trà là nơi tân nhạc khởi sự sinh sôi rồi nẩy nở”.
Âm nhạc phòng trà đã đưa một loạt các nhạc sĩ, ca sĩ thời kỳ đó trở thành danh ca như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan... Và nổi bật trong số đó có gia đình nhạc sĩ Phạm Duy cùng các con là The Dreamer, cùng tiếng hát đắm đuối và cuồng nhiệt của Julie Quang.
Ca sĩ mang hai dòng máu Việt - Ấn Julie Quang và tác phẩm "Mùa thu chết". |
Và cùng với sự hưng thịnh của các phòng trà, âm nhạc Mỹ với Pop, Rock và âm thanh điện tử... bắt đầu len lỏi và đưa nhạc Việt miền Nam chuyển mình vào giai đoạn nhiều cá tính hơn, hình thành một xu hướng nghe nhạc và gout thưởng thức mới.
“Mùa thu chết” đã được ra đời trong cái không khí âm nhạc đó.
Với những hứng thú với dòng nhạc trẻ nhiều sôi động, Phạm Duy đã phối khí cho con dâu Julie Quang một phiên bản “Mùa thu chết” vẫn giữ nguyên được những quy chuẩn và sự sang trọng của âm nhạc Pháp, nhưng được hòa âm theo lối Mỹ với lối di chuyển đàn bass và sự biến hóa nửa cung chromatic khiến cho ca khúc trở nên cao trào và mãnh liệt. Những cảm xúc đau đớn cho một mối tình đã chết như được sinh ra dành cho chất giọng khắc khoải đậm màu hiện sinh của nữ ca sĩ mang hai dòng máu Việt - Ấn Julie Quang.
Như Phạm Duy nhận xét: “Nhiều người ưa thích vì bài “Mùa thu chết” được hát lên với nhịp rock của thời đại, nhất là với giọng hát sôi nổi của Julie, lúc đó là con dâu của tôi. Lối hát như gào lên của thế hệ thứ tư này khác xa lối hát ỏn ẻn, vuốt ve hay thủ thỉ của các thế hệ ca sĩ đi trước, nhất là bây giờ được ban nhạc có âm thanh điện tử đệm theo làm cho bài hát hấp dẫn hơn”.
Sau này, ca khúc còn được rất nhiều những giọng ca nổi tiếng nhất của tân nhạc Việt Nam hát lại như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương… nhưng phần thể hiện của Julie Quang vẫn là một trong những phiên bản được yêu thích nhất cho đến bây giờ, và thực đã trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của cô.
---
Viết về Phạm Duy, có lẽ rất khó để không sa đà vào những tai tiếng tình ái cũng như những ồn ào về lập trường, quan điểm, dẫn đến cái nhìn sai lệch cũng như định kiến về tài năng âm nhạc của ông.
Nhưng Phạm Duy, cho đến cuối cùng, sau tất cả, vẫn một lòng cho âm nhạc Việt Nam, cho tiếng Việt, và những thanh âm nguồn cội. Những di sản ông để lại là một kho tàng âm nhạc đồ sộ, là tài năng nghệ thuật với những cách tân cho nhạc ngữ Việt Nam trải dài ngang hai thế kỷ, đó là những giá trị to lớn và lâu bền nhất.
Nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh “đại nhạc sĩ” Phạm Duy, với “Mùa thu chết”, thêm một lần nghiêng mình kính cẩn trước cây cổ thụ của âm nhạc Việt Nam.