Gần đây, đạo diễn Chung Chí Công của bộ phim độc lập Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi đã đăng đàn trên mạng xã hội kêu gọi 150.000 khán giả “giải cứu” khi bộ phim đứng trước nguy cơ bị loại khỏi phòng chiếu bởi doanh thu quá thấp bằng những lời kêu gọi khá thống thiết: "Trời ơi phim chưa muốn chết!”, "Phim không đủ sức trụ ngoài rạp, dù mới chỉ trải qua 1 ngày công chiếu khi đang bị cắt suất dần khỏi các rạp, và thậm chí sau 3 ngày cuối tuần, phim gần như sẽ biến mất khỏi các hệ thống rạp. Vòng đời của đứa con đầu lòng chỉ có vỏn vẹn 3 ngày, và tận sâu trong lòng chúng mình không cam tâm..."
Ngay lập tức, một làn sóng "thương cảm" lan truyền khắp mạng xã hội và cộng đồng những người yêu điện ảnh, kêu gọi chung tay "giải cứu" bộ phim. Và sức mạnh của cộng đồng đã tạo ra hiệu quả ngay lập tức, phim trụ lại lâu hơn tại các rạp, doanh thu tăng lên đáng kể sau 3 ngày công chiếu.
Lời kêu cứu của phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi |
Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, bộ phim Thưa mẹ con đi cũng từng được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh liên tục kêu gọi trên trang cá nhân của mình rằng khán giả hãy ủng hộ bằng cách ra rạp để phim không bị xếp vào khung giờ xấu. Ê kíp sản xuất còn so sánh với trường hợp của phim Song lang và cho rằng phim của mình kém may mắn khi vừa không được nhà phát hành ưu ái, lại không có chiến dịch kêu gọi kiểu như “Cho Song lang thêm một tuần nữa”
Hay như trước đây, Tấm Cám Chuyện chưa kể và Cô Ba Sài Gòn của Ngô Thanh Vân cũng là những bộ phim "ra rạp trong nước nước mắt", khi mỗi lần phim ra rạp là nữ đạo diễn lại xuất hiện và lên tiếng nghẹn ngào về rất nhiều những vấn đề ồn ào xung quanh bộ phim. Thậm chí nhiều người còn cho rằng ekip làm phim đang cố "gây sự chú ý" để quảng bá cho phim.
Vài năm trở lại đây, những hiện tượng như này không còn xa lạ trong giới điện ảnh Việt. Đến nỗi khiến cho khán giả Việt mặc định, phim độc lập, phim nghệ thuật Việt luôn là những bộ phim "đáng thương", cần được giúp đỡ.
Nhưng trước khi bàn sâu về vấn đề này, có một thực tế mà chúng ta cần phải chấp nhận là, không phải cứ phim độc lập, phim nghệ thuật là phim thực sự có chất lượng cao. Bản thân các nhà làm phim độc lập gần như không (hoặc rất ít) có sự tính toán về mức độ phổ cập đại chúng của bộ phim, mà chỉ tập trung vào một bộ phận khán giả rất nhỏ. Ví dụ ngay như Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, các bạn tập trung đến những đối tượng khán giả hoài niệm về Sài Gòn cũ, một câu chuyện không đầu không cuối, âm nhạc Indie lãng đãng mơ hồ, gần như chỉ phù hợp với nhóm khán giả có cùng "style" đó và gần như xa lạ với số đông còn lại.
Ngô Thanh Vân bị gọi là “nữ hoàng thị phi” khi mỗi bộ phim có cô tham gia sản xuất đều đi kèm theo nước mắt. |
Ngay cả các phim khác như Song lang, Thưa mẹ con đi... cũng vậy, bởi phim đã chọn chủ đề kén khán giả thì phải chấp nhận sức hấp dẫn của phim chỉ phủ sóng được bấy nhiêu người xem. “Khi làm phim thương mại chiếu rạp thì cần nghiêm túc xem xét thị hiếu. Còn nếu đã làm cho thỏa đam mê theo đúng gu của đạo diễn thì bớt than trách khi phim không được đông đảo khán giả đổ xô đi xem, bởi vấn đề không chỉ nằm ở tiền vé (gần 100.000 đồng) mà còn là thời gian phải bỏ ra khi đi xem, nếu đó không phải là một bộ phim hấp dẫn”, nhà phê bình phim Liên Hương nêu ý kiến.
Vẫn biết là làm nghệ thuật là một bài toán khó khăn trong bối cảnh chung của điện ảnh nước ta hiện nay, nhưng rõ ràng chúng ta cũng đã có những Hai Phượng, Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Siêu sao siêu ngố... vẫn hiên ngang đối đầu với phim ngoại và đàng hoàng chạm ngưỡng doanh thu trăm tỷ. Vậy nên, đừng vội trách cứ khán giả, bởi nghệ thuật là cuộc chơi công bằng, nếu chỉ co cụm và chọn hướng đi nhỏ lẻ thì phải xác định sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian hơn nhiều để chinh phục khán giả?
Và thay vì liên tục dùng hình thức cầu cứu khán giả, thì trước mỗi thất bại, liệu ekip làm phim có nên lắng lại để rút ra bài học, như xem xem câu chuyện mình kể có phải là câu chuyện khán giả đang muốn quan tâm hay không?
Không lẽ, cứ là phim Việt thì khán giả lại đi “xem ủng hộ” chứ không phải xem vì phim hay? Và liệu, nếu cứ phim Việt nào thất thu cũng kêu gọi "giải cứu", thì liệu điện ảnh Việt sẽ đi về đâu?