• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ trong phim Hàn Quốc

Các chuyên gia cho rằng phụ nữ có vai trò rất mờ nhạt và chịu nhiều thiệt thòi trong phim...

 Đạo diễn kiêm tiểu thuyết gia Cheon Myeong Kwan đã hiện thực hóa ước mơ bước vào lĩnh vực điện ảnh sau khi phát hành bộ phim noir (phim có đề tài hành động tội ác trong thế giới ngầm) đầu tay mang tên Hot Blooded. Phim mới được công chiếu tại các rạp phim địa phương.

Trước đó, ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như Whale (2004), Modern Family (2010) hay My Uncle, Bruce Lee (2012). Tuy nhiên, Hot Blooded lại không được chuyển thể từ tác phẩm của chính ông. Hot Blooded được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Kim Eon Soo.

Khi nhân vật nữ chỉ làm nền

Nhân vật chính trong phim Hot Blooded đều là nam giới.
Nhân vật chính trong phim Hot Blooded đều là nam giới.

 Hot Blooded lấy bối cảnh thành phố cảng phía đông nam Busan vào những năm 1990. Câu chuyện trong phim xoay quanh một tên cướp 40 tuổi tên là Hee Soo (do Jung Woo thủ vai). Người này đặt mục tiêu thoát khỏi những kẻ mình đã phục tùng nhiều năm và tham vọng có được cuộc sống giàu sang, quyền lực.

Về bản chất, bộ phim nói về thế giới của những người đàn ông. Hee Soo có người yêu là In Sook (do Yoon Ji Hye thủ vai). Tuy nhiên, nhân vật này có phản ứng hóa học tốt hơn với đàn ông, cụ thể là Ah Mi (do Lee Hong Nae thủ vai) hoặc người sếp cũ họ Son (do Kim Kap Soo thủ vai).

Tất cả nhân vật nữ xuất hiện dài hơn 10 giây trong phim là gái mại dâm, kể cả nàng thơ của Hee Soo, In Sook. Họ trang điểm đậm và ăn mặc hở hang. Các nhân vật nữ chỉ đóng vai trò làm nền trong thế giới của những tên cướp. Họ là động lực thúc đẩy các nhân vật nam hành động.

Trong một cuộc phỏng vấn với Korea JoongAng Daily, đạo diễn Cheon Myeong Kwan không bào chữa cho việc bộ phim của ông thiếu các nhân vật nữ chính.

“Tôi thừa nhận có lỗi khi thiếu vắng nhân vật nữ chính trong phim. Tôi đã cân nhắc rất nhiều về vai trò của phụ nữ trong câu chuyện. Tôi nghĩ đến việc cho họ vai trò độc lập hoặc thể hiện mối quan hệ sâu sắc hơn với những người đàn ông. Nhưng khi nghĩ về cuộc sống của các tên xã hội đen trong những năm 1990, tôi cho rằng thực tế không như vậy. Việc nâng cao vai trò của phụ nữ cũng không phù hợp với cách kể chuyện của bộ phim”, đạo diễn nói.

“Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là phải đại diện cho bầu không khí của thời đại. Bộ phim không thể hiện quan điểm của tôi về phụ nữ mà là góc nhìn của những tên xã hội đen. Tôi không đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào nhưng sẽ ghi nhớ điều đó và cố gắng lấp đầy những lỗ hổng qua các bộ phim khác”, ông tiếp tục.

Tuy nhiên, Hot Blooded không phải ngoại lệ. Tờ Korea JoongAng Daily nhận định các đạo diễn và biên kịch Hàn Quốc thường không thân thiện với phụ nữ. Họ chỉ sử dụng nhân vật nữ như công cụ kể chuyện để đẩy câu chuyện về phía trước, cho dù đó là người phụ nữ cá tính, đứa trẻ vô tội hay những cô gái đang gặp nạn cần được cứu bởi nhân vật nam.

Đàn ông luôn là trung tâm

Han So Hee đảm nhận vai chính trong phim My Name.
Han So Hee đảm nhận vai chính trong phim My Name.

 Nhà phê bình phim Cho Hye Young cho rằng sự thiệt thòi của phụ nữ không xuất phát từ đặc điểm của dòng phim. Theo nhà phê bình, phim noir truyền thống thường xoay quanh một thám tử hoặc cảnh sát điều tra. Những người này thường là đàn ông và nhiệm vụ của họ là theo dõi một bí ẩn nào đó.

“Đối tượng của bí ẩn là phụ nữ. Người phụ nữ bí ẩn không chỉ có câu trả lời cho nhiệm vụ mà thám tử, cánh sát đang tìm kiếm. Họ còn là nhân vật có thể khiến người đàn ông gặp nguy hiểm bằng cách khơi dậy ham muốn tình dục trong anh ta”, Cho Hye Young giải thích.

“Người phụ nữ trong những bộ phim như vậy không hề vô dụng. Họ mạnh mẽ, nắm giữ một bí mật và biết cách sử dụng bí ẩn của họ để thu lợi riêng. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và thể loại này được chuyển thể thành phim chiếu rạp và mang những nét đặc trưng riêng”, nhà phê bình nhận định.

Cho Hye Young nhấn mạnh: “Phim chính trị, kinh dị hay xã hội đen cũng thường tập trung vào nam giới hơn. Các nhân vật nam hình thành mối quan hệ và đấu tranh giành quyền lực. Các nhân vật nữ không mang trọng tâm của câu chuyện. Do đó, vấn đề không nằm ở bản thân thể loại. Nguyên nhân quan trọng nhất là ngành công nghiệp điện ảnh địa phương tiếp tục lấy nam giới làm trung tâm”.

Những bộ phim mang tính biểu tượng của Hàn Quốc đã thành công về mặt thương mại và được coi là kinh điển của thể loại noir phải kể đến Friend (2001), A Bittersweet Life (2005), The Man from Nowhere (2010), Nameless Gangster: Rules of Time (2012), New World (2013) Asura: The City of Madness (2016)..

Nhà phê bình phim Jeong Min Ah lưu ý: “Vấn đề của các phim noir Hàn Quốc là nhân vật nữ được sử dụng để gây trở ngại cho con đường dẫn đến thành công của nam giới. Những người đàn ông đó thường có một cô con gái, một người mẹ hoặc người vợ ốm yếu cần được bảo vệ. Hoặc các nhân vật nữ nếu có cũng thường xoay quanh yếu tố tình dục. Ngược lại, những bộ phim không lấy nam giới làm trung tâm, chẳng hạn Cô gái đồng tiền, Hit-and-Run Squad… không thành công về mặt thương mại”.

Tuy nhiên, theo nhà phê bình Jeong Min Ah, việc lấy nhân vật nữ làm trung tâm trong các phim noir đang có tiềm năng ở Hàn Quốc, đặc biệt sau thành công của nhiều bộ phim ra mắt gần đây như Night in Paradise (2021), My Name (2021), The Villainess (2017) và The Witch: Part 1. The Subversion (2018).

Mặt khác, nhà phê bình phim Kang Yoo Jung tin rằng sự phổ biến của thể loại noir đi ngược lại quyền của phụ nữ.

“Tôi tin rằng sự bùng nổ của phim noir đến từ nỗi sợ hãi về việc cải thiện quyền phụ nữ. Trong cấu trúc câu chuyện của noir, không có chỗ cho phụ nữ cũng như không để họ thể hiện những vai diễn phù hợp. Trong thể loại phim này, phụ nữ chỉ có thể đảm nhận những vai có nhiệm vụ đánh lừa đàn ông”, nhà phê bình chia sẻ.

"Trong trường hợp nhân vật nữ làm trung tâm, chẳng hạn vai diễn của Kim Eun Hye trong Nameless Gangster: Rules of Time, họ sẽ được hướng dẫn bởi đàn ông. Ngành công nghiệp phim địa phương cho rằng điều phụ nữ có thể làm là sử dụng sự quyến rũ thể xác hoặc hình thành mối quan hệ với các nhân vật nam”.

Bởi thế, Kang Yoo Jung không có niềm tin vào việc ngành công nghiệp phim ảnh sẽ thay đổi và tạo cơ hội để các nhân vật nữ tỏa sáng trong các bộ phim noir. Nếu có, các bộ phim đó cũng khó thành công bởi những rào cản về truyền thống, văn hóa tại Hàn Quốc.

“Tôi không thể nói sẽ không có bất kỳ ai nỗ lực đưa nhân vật nữ trở thành trung tâm. Nhưng lịch sử phim ảnh Hàn Quốc đã chứng minh những bộ phim thành công về mặt thương mại đều lấy nam giới làm trung tâm. Cấu trúc thị trường hiện tại khiến việc thay đổi trở nên khó khăn”, Kang nói.

Minh Hạo

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật