Ngành xuất bản Việt Nam đang có rất nhiều thách thức, hạn chế để trở thành ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp 4.0, có rất nhiều cơ hội mới cho ngành xuất bản sách Việt Nam phát triển. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Hội xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Thái Hà trong tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam có tốc độ phát triển internet đứng hàng đầu khu vực. Đây chính là tiền đề quan trọng để ngành xuất bản bước vào giai đoạn xuất bản công nghiệp 4.0.
Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng |
Thực tế cho thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động mạnh mẽ tới ngành xuất bản. Mô hình và quy trình xuất bản có những thay đổi rõ rệt. Ngoài mô hình truyền thống, tập trung vào in ấn, tác phẩm in còn có mô hình giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ bigdata (dữ liệu lớn) và mạng lưới phân phối); mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0).
Cách mạng 4.0 cũng làm xuất hiện những sản phẩm mới thay thế dần sản phẩm truyền thống. Nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã chuyển dần từ xuất bản sách giấy sang xuất bản sách điện tử trên nền tảng internet và các thiết bị công nghệ. Những tác động của cách mạng 4.0 cũng buộc các nhà xuất bản phải thay đổi phương thức sản xuất để khoog bị tụt hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra, những năm vừa qua, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn trên mặt bằng chung của thế giới xuất bản ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo tổng kết cuối 2018 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng xuất bản phẩm được làm ra, lưu chiểu tăng vượt trội so với năm 2017: 31.766 cuốn với 390.161.446 bản, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản. Nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017 với tổng doanh thu đạt 2.506,39 tỷ đồng (giảm 13,5% so với năm 2017), nộp ngân sách 187,15 tỷ đồng (tăng 71% so với năm 2017). Lợi nhuận sau thuế của các NXB đạt khoảng 212,34 tỷ đồng (tăng 11,5% so với năm 2017).
Xuất bản Việt Nam vẫn cần vượt qua rất nhiều thách thức, hạn chế để trở thành ngành công nghiệp. |
Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm. Chất lượng của sách xuất bản và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh và công nghệ vẫn còn tụt hậu so với thế giới. Đặc biệt, vẫn còn nhiếu vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước về xuất bản.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, Việt Nam đang nhận được những ảnh hưởng tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều cơ hội mới đến với chung ta để sẵn sàng đưa xuất bản nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp. Điều quan trọng là những việc chúng ta cần làm để nắm lấy cơ hội, chủ động con đường phát triển để biến những mong muốn thành hiện thực.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiến nghị để kiến tạo Hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam. Thứ nhất, tổ chức các hội sách quốc tế một cách chuyên nghiệp để tạo ra sân chơi cùng các đoen vị xuất bản quốc tế nhằm giới thiệu các tác giả và tác phẩm của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Thứ hai, lập và hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc tại các nhà trường và địa phương trên cả nước: Như hoạt động đọc sách 10 phút mỗi ngày tại các lớp học, cấp học. Thành lập các tủ sách di động tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, bến chờ xe bus. Lập quỹ khuyến đọc và dịch thuật…
Thứ ba, khuyến khích việc xuất bản sách hay, sách có giá trị bằng việc ưu đãi về giá, về các hoạt động truyền thông quảng bá để khuyến khích các tác giả Việt Nam dụng công tìm tòi và sáng tạo và đưa được cuốn sách được tới tay độc giả cả nước.
Thứ tư, Chính phủ xây dựng Quỹ để hỗ trợ dịch thuật tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác và hoạt động khuyến đọc trên cả nước.
Thứ năm, cơ quan quản lý tham khảo mô hình quản lý xuất bản của các nước để giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc cấp phép phát hành, tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị làm xuất bản trực tiếp trong việc xuất bản giấy.
Thứ sáu, cơ quan quản lý phổ biến rõ các thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; trong việc báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm trong phát hành ấn phẩm điện tử: Ebook, audiobook, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng…
Thứ bảy, thừa nhận vai trò và trách nhiệm của đơn vị liên kết xuất bản, tức là trao quyền nhiều hơn cho họ, các đơn vị liên kết được phép đệ trình đơn trực tiếp lên cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các hành vi vi phạm trong việc phát hành sách giả, sách lậu..
Thứ tám, cần có khung trần đối với việc giảm giá những ấn phẩm sách mới bởi sách là đối tượng của văn hóa, xứng đáng được đối xử đặc biệt với các mặt hàng khác, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà bán lẻ, cho phép các nhà bán sách nhỏ tồn tại bất chấp sự tồn tại của hệ thống cửa hàng lớn.
Thứ chín, đối với khối xuất bản in và phát hành cần đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong hội.
Thứ mười, rút ngắn thời gian phát hành sách sau khi nộp lưu chiểu, sách nộp lưu chiểu là được quyền phát hành ngay, không cần đợi 10 ngày làm việc.
Các hội sách thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả, đặc biệt là các em nhỏ. |
Bên cạnh những kiến nghị để tạo hệ sinh thái cho ngành xuất bản, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra những kiến nghị để Việt Nam sớm đưa xuất bản trở thành ngành công nghiệp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nhiều nước đã có Ủy ban quốc gia và sách và văn hóa đọc.
Tại Việt Nam, hiện xuất bản và in do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhưng bản quyền và thư viện thuộc bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Chính vì vậy, rất cần thành lập Ủy ban Quốc gia về Sách và Văn hóa đọc để phối hợp, kết hợp các cơ quan, ban ngành trong phát triển văn hóa đọc. Cùng với đó, để trở thành ngành công nghiệp, có doanh thu cao, nhất định phải khuyến đọc, người dân cần đọc nhiều hơn, tiến đến mức đọc như các nước ASEAN và tiến dần đến với thế giới nên cần có luật khuyến đọc.
Ngoài ra cũng cần xây dựng các quỹ khuyến đọc, quỹ dịch thuật để sớm thúc đẩy xuất bản trở thành ngành công nghiệp. Để có quỹ khuyến đọc cần huy động các nguồn lực xã hội, nhất là các tập đoàn lớn có tâm với xuất bản đóng góp kinh phí để thực hiện công tác khuyến đọc. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, để xuất bản sớm thành ngành công nghiệp, cần thí điểm cho phép thành lập 2 - 3 nhà xuất bản tư nhân hoặc cổ phần hóa 2 - 3 nhà xuất bản đang có sẵn.