Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 vừa được công bố gồm sáu tác phẩm với tổng tiền thưởng là 120 triệu đồng, mỗi giải 20 triệu đồng.
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, là một trong ba tác phẩm thể loại Văn xuôi nhận được giải thưởng. Sách dài 335 trang, gồm 32 chương, lấy bối cảnh giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Chọn cách kể giống như hồi kí, nhà văn Nguyễn Một đặt tên nhân vật dựa theo nhiều nhân vật có thật, dễ gợi liên tưởng. Tác giả cũng đưa vào tiểu thuyết nhiều trích dẫn thơ, văn, âm nhạc của các tác giả có thật trong giai đoạn cuộc chiến đang ở thời kì cam go nhất (1970-1975), để người đọc có cảm giác, họ đang đi theo hồi ức, truyện kể của một nhân vật có thật.
Sơn - nhân vật chính của tiểu thuyết - được đặt tên một cách có chủ ý. Cuộc đời Sơn có nhiều biến cố trùng lắp, gợi nhắc đến một nhân vật có thật. Sơn có tình yêu với một nữ sinh “đẹp như Đức Mẹ” tên Diễm. Mối tình của họ được miêu tả thấm đẫm cảm xúc như bản thánh ca trong những buổi lễ trong giáo đường nhà thờ.
Tình yêu của họ vừa chớm nở đã bị chiến tranh chia cắt, Sơn bỏ chạy khỏi nhà Diễm để lưu lạc trên hành trình trốn lính. Cuộc đời của Sơn, của Diễm, của những người bạn cùng trang lứa như Hoàng, như Trang... đều phải bước vào cơn lốc xoay vần của thời cuộc. Mỗi người có lựa chọn riêng, mỗi lựa chọn đều cuốn họ vào muôn trùng đau khổ của phiêu bạt, của giằng xé, của những đấu tranh lí tưởng khi cuộc chiến diễn ra khốc liệt.
Bằng ngôn ngữ đời thường, điềm đạm nhưng cũng gai góc, dữ dội, tác giả Nguyễn Một đã tái hiện lại chân thực về cuộc chiến ở giai đoạn khốc liệt. Ở đó, giữa sự bủa vây của súng đạn, lằn ranh giữa sự sống - cái chết chỉ cách nhau gang tấc, những phận người bị trôi dạt, xô đẩy, vùi dập. Mô tả cuộc chiến theo hướng tả chân nhưng tác giả cũng thổi vào từng trang viết, từng số phận cái nhìn cảm quan đầy nhân văn của một người "đau với nỗi đau chung" của đồng loại. Tù đó, mở ra những tia sáng lảnh lót để các nhân vật thấy con đường sống và bước tiếp.
Nhà văn Nguyễn Một cho biết, năm bốn tuổi đã mất mẹ khi bà bị địch bắn vào đầu. Ông viết tác phẩm để mọi người, nhất là giới trẻ có thêm sách nhằm cảm nhận về những năm tháng lịch sử của cha ông cha. Từ đó trân trọng quá khứ và biết ứng xử với tương lai.
Nhận xét về tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, nhà văn Nguyễn Văn Thọ có cái nhìn đồng cảm, trân trọng : " Để diễn trình một câu chuyện có lịch sử dằng dặc trên vùng đất phương Nam, khi tác giả không phải người chứng kiến, không phải nhân chứng hay nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột đầy oái oăm, nhưng với tài năng và lòng yêu quê hương xứ sở, Nguyễn Một (dù không trực tiếp can dự vào lịch sử), đã viết với “tâm thức của một nhân chứng, trong tư cách nhà văn, bằng góc nhìn khách quan cần có nhất. Như thế cũng trên tư cách tâm thức nhà văn, Nguyễn Một dầu không được sống trong hiện thực vẫn tái hiện được hiện thực đã xảy ra. Chính do vậy, những gì Nguyễn Một dựng lên và kể ra, là dị bản của sự thật, nó cận sự thật. Đó là cái tài cần và đủ đòi hỏi ở người cầm bút, cần khách quan hơn khi phản ánh một giai đoạn bi thương, tàn bạo, khốc liệt nhất của lịch sử đương đại đã diễn ra ở phía Nam, cũng là của cả dân tộc Việt. Lại khi như thế là Nguyễn Một đã tạo ra dị bản của một hiện thực, tái hiện hiện thực, trong ánh sáng tình yêu quê hương, bằng lý trí của một nhà văn (sự quán chiếu - trí tuệ gọi là tâm thức nhà văn cần đạt được). Đây là một điểm khá quan trọng cho mỗi nhà văn khi tái hiện lịch sử mà anh ta không tham dự. Tài năng và tình cảm tựa như tình yêu cuộc sống tạo ra văn bản làm bạn đọc tin tưởng, nên tác phẩm có nội hàm đủ để nhận ra nó có kích cỡ không tầm thường. Điều này tối quan trọng khi văn bản dính dấp tới lịch sử. Nó đề cao trách nhiệm nhà văn với hiện tại, vị lai và cả quá vãng của cả dân tộc.Trong lịch sử văn học nước nhà gần đây, sau 1975, đã có thêm một viên gạch góp vào cho ngôi đền văn học thêm màu sắc; một cuốn sách văn chương bàn về cuộc chiến đáng đọc. Nguyễn Một đã thử thách mình, lại ít nhiều thành công ở một đề tài dễ khô cứng, dễ nản lòng bạn đọc".
Nhà văn Nguyễn Một |
Nhà văn Nguyễn Một còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi anh viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi, như: Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng. Anh là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể loại, đề tài. Hiện Nguyễn Một là ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhân tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được giải thưởng Hội nhà văn, nhà văn Nguyễn Một viết trên trang cá nhân: "Mình còn 30 bản đặc biệt (in lần 2), sẽ bán để giúp các cháu Mái ấm Giuse -Gia Lai có chút bánh mứt. Bạn nào quan tâm xin liên hệ với mình! Giá bản đặc biệt : 1, 2 triệu đ (Bìa cứng đóng hộp với 16 tranh minh hoạ màu của hoạ sĩ Trần Thắng)".
Trước đó, nhà văn đã bán 100 bản đặc biệt của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” lần 1, ủng hộ cho mái ấm GIUSE.
Hai tác phẩm thể loại Văn xuôi được giải còn lại gồm: Tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết (Nguyễn Việt Hà, Nhà xuất bản Trẻ), tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây (Nguyễn Tham Thiện Kế, Nhà xuất bản Hội Nhà văn).Tập Đồng sen tàn, của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận giải thưởng Thơ. Giải Lý luận Phê bình được trao cho tác phẩm Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tập truyện Cá Linh đi học - sáng tác của Lê Quang Trạng, Nhà xuất bản Kim Đồng - giành giải Văn học Thiếu nhi.