• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ điển chính tả Việt Nam của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội sai chính tả

Từ điển chính tả Việt Nam do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên - cùng thạc sĩ Hà Thị Quế Hương ấn...

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công phát hiện ra nhiều lỗi sai chính tả trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2017, gồm 718 trang.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, nhóm tác giả biên soạn khá công phu nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót như: nhầm lẫn giữa s với x, x với s, không phân biệt được d hay gi, tr hay ch, n hay ng, in hay inh, c hay q, iu hay ưu, r hay gi, r hay d, ưu hay iu; nhầm giữa cách viết từng tồn tại với chuẩn chính tả hiện hành, giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả; nhầm lỗi chính tả do không phân biệt được sự khác nhau giữa phát âm và chữ viết; không hiểu nghĩa từ nguyên hoặc chưa thật sự nhuần nhuyễn về tiếng Việt; nhầm giữa cách viết cũ với chính tả hiện hành.

Cuốn từ điển chi chít lỗi chính tả của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Hoàng Tuấn Công/Tiền Phong.
Cuốn từ điển chi chít lỗi chính tả của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Hoàng Tuấn Công/Tiền Phong.

Một số ví dụ được ông Hoàng Tuấn Công đưa ra đó là: bàn hoàn (nghĩ quẩn quanh không dứt) với bàng hoàng (ngẩn người, choáng váng), bánh dày trong khi đúng chính tả phải là bánh giầy/giàybơi chải (từ đúng là bơi trải - vì “trải” là một loại thuyền nhỏ hay dùng để đua bơi).

“Ở Lời nói đầu, nhóm soạn giả ghi rõ: “Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”.

Tuy nhiên trong thực tế, nhóm soạn giả đã đánh đồng, hoặc nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”, với “chính tả chuẩn […] theo chính âm và chính tả tiếng Việt”, ông Công nhận định.

Một số ví dụ như giộp da, gia giết, dã dượi, tùng phạm, vũ đoán, vũ sư, võ phu.

Sách còn nhầm lẫn hai từ đồng nghĩa với một từ có hai dạng chính tả. Trong tiếng Việt, có những từ có thể thay thế nhau trong mọi trường hợp như Hi sinh/hy sinh; sáp nhập/sát nhập... Tuy nhiên phần lớn soạn giả nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn trong mọi trường hợp với “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “bàn hoàn - bàng hoàng”; “đại thụ - đại thọ”; “đông nghịt - đông nghẹt”; “mất lòng - mếch lòng/mích lòng”...

Ngoài ra còn có nhiều từ người dùng sách không biết nghĩa là gì, ví dụ tuần điểm (phải chăng là “tuần điếm”?); “nghị trượng” (“nghi trượng”?); “đâu lào” (“đâu nào” viết sai do nói ngọng, hay “đâu lào” = cây xoan lào?).

Một cái sai nữa là ngữ liệu về thành ngữ, tục ngữ như Tu binh mãi mã (chính xác là chiêu binh mãi mã)đánh chuột làm vỡ bình sứ (đánh chuột sợ vỡ bình quý); ấm da gà (ấm gan gà), cơm sung cháo đền (cơm sung cháo dền); bụng ỏng đít teo (bụng ỏng đít beo); trọng nghĩa khinh bần (trọng nghĩa khinh tài).

Hiện, lãnh đạo NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã đình chỉ phát hành để xử lý. 

Ông Hoàng Tuấn Công cho rằng cần “dứt khoát phải thu hồi tiêu hủy, không chỉ đình chỉ để sửa chữa”. Bởi vì lỗi trong sách dày đặc, điều quan trọng hơn, cấu trúc của từ điển phải thay đổi hoàn toàn.

“Cuốn từ điển này phi khoa học, hỏng từ cách trình bày, phương pháp biên soạn, không chỉ phạm lỗi chính tả. Lộn xộn tới mức có cảm giác chính tác giả cũng bị lạc vào mê hồn trận. Hậu quả là không kiểm soát được cách viết và các dạng chính tả”, ông Công nói.

Sau khi trao đổi với ông Hoàng Tuấn Công, chủ biên - PGS.TS Hà Quang Năng đã có văn bản trình bày với NXB và tiếp thu góp ý. Tuy nhiên ông Năng vẫn bảo vệ phần sai.

Theo ông Năng, mục đích biên soạn cuốn từ điển là để cung cấp các dạng chính tả chuẩn của từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời nêu các dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong đời sống. 

Trước lời trình bày này, ông Tuấn Công phản hồi như sau: “Đó là lời ngụy biện. Như tôi nhấn mạnh, đây là từ điển chính tả không phải từ điển ngôn ngữ, vì thế phải hướng dẫn viết theo chuẩn chính tả hiện hành, không thể đưa ra những từ ngữ chưa chuẩn chính tả, rồi tùy khả năng chính tả và sự may rủi trong tra cứu của người dùng”.

Trước đó vào đầu năm 2020, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội từng phải tiêu hủy Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam do lấy và sao chép nhiều cách giải thích công bố trước đó của Hoàng Tuấn Công. Theo ông Công, NXB có nhiều lỗi hệ thống, xuất phát từ việc biên soạn yếu kém, dễ dãi và chủ quan trong khâu biên tập. 

Ông Hoàng Tuấn Công cho rằng việc xử lý vi phạm chưa đến nơi đến chốn nên chưa có tính răn đe. Theo đề xuất của ông, sau khi tiêu hủy cuốn sách đó, bên bị vi phạm bản quyền vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ bên vi phạm. 

NXB, công ty sách hay nhóm tác giả hiện vẫn chưa có phản hồi nào liên quan. 

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật