Mới đây, căn cứ vào các điều 48, 203, 220 của Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015; sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 250/2019/KTST ngày 28/11/2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM quyết định đưa vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài thơ Gánh mẹ ra xét xử vào ngày 18.8 tới.
Nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật. Còn bị đơn là công ty TNHH Lý Hải Production (của ca sĩ Lý Hải - PV) và ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem).
Trong những lần hòa giải trước, ca sĩ Quách Beem đã vắng mặt hoặc hai không đủ hồ sơ... nên không tiến hành hòa giải được.
Ca nhạc sĩ Quách Beem. |
Trước đó, ông Trương Minh Nhật, người tự nhận là tác giả của bài thơ Gánh mẹ đã khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production đòi bồi thường 4 tỉ đồng vì sử dụng bài thơ cùng tên làm nhạc phim Lật mặt 4 - Nhà có khách mà chưa được sự cho phép.
Còn về phía ca sĩ Lý Hải, anh cho biết bản thân khá bất ngờ vì sự việc và cũng khẳng định việc sử dụng ca khúc Gánh mẹ trong phim Lật mặt 4 là đúng pháp luật, thông qua hợp đồng được ký giữa Công ty TNHH Lý Hải Production và ca nhạc sĩ Quách Beem, người có giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả, chủ sở hữu ca khúc Gánh mẹ.
Tháng 11/2019, ông Trương Minh Nhật đã ủy quyền cho văn phòng luật Phan Law Vietnam khởi kiện nhạc sĩ Quách Beem lên TAND TP.HCM với lý do là sử dụng bài thơ Gánh mẹ của ông để phổ nhạc mà chưa được sự cho phép. Ông Nhật cũng gửi đơn cho Cục Bản quyền tác giả yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bài hát Gánh mẹ mà Cục đã cấp cho nhạc sĩ Quách Beem.
Trước sự việc này, YouTube đã gỡ bỏ clip bài hát Gánh mẹ - OST Phim Lật Mặt 4.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Phan Law Vietnam) - đại diện pháp lý của tác giả Trương Minh Nhật cho biết phía ông mong muốn lợi ích chính đáng của người sáng tạo phải được bảo vệ, đồng thời mong muốn thông qua sự việc này, hoạt động tuyên truyền về bản quyền tác giả được đưa đến gần hơn với cộng đồng và những người sáng tạo hơn.
"Khi xảy ra bất cứ tranh chấp nào, các bên mạnh dạn yêu cầu cơ quan pháp luật can thiệp. Dù kết quả như thế nào thì chúng tôi vẫn tin rằng việc đưa ra cơ quan pháp luật là cách giải quyết văn minh nhất, vì pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện đã khá là đầy đủ và tương thích với quốc tế", ông Tuấn nói.