Tác phẩm Cuốn theo chiều gió được chuyển thể thành phim trong suốt nhiều thập kỷ qua vẫn là đề tài tranh luận của giới chuyên môn.
Đầu 1930, nữ phóng viên Margaret Mitchell bắt đầu viết Cuốn theo chiều gió, bán được 1 triệu bản trong tháng đầu tiên. Cuốn sách cũng trở thành một hiện tượng gây sức hút lớn trong thời điểm đó. Nhà sản xuất phim David O. Selznick mua lại tác phẩm với giá 50.000 USD và làm thành phim.
Phim ra mắt năm 1939, giành 8/13 giải đề cử Oscar như "Phim hay nhất" và "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" cho Hattie McDaniel - người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải thưởng này. Trong suốt thời gian dài, phim đã chiếm được cảm tình của khán giả và được đón nhận ở khắp mọi nơi về cả nội dung cũng như kỹ thuật quay.
Gần đây, giữa bối cảnh khắp nơi nổ ra biểu tình sau cái chết của người da màu George Floyd, HBO Max đã gỡ phim khỏi danh mục để tránh những vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự phân biệt chủng tộc. Biên kịch đoạt giải Oscar John Ridley đã viết một bài báo trên Los Angeles Times yêu cầu dừng chiếu phim. "Tác phẩm tôn vinh chế độ nô lệ, phớt lờ đi sự tàn ác và gieo rắc những định kiến đau lòng về người da màu", Ridley viết.
Clark Gable và Vivien Leigh trong cảnh phim "Gone with the Wind" năm 1939. Ảnh: Warner Brothers. |
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Cuốn theo chiều gió vướng phải những tranh cãi về việc thể hiện người da đen trên màn ảnh.
Nhà báo Leonard J. Leff của tờ Atlantic nhận định lý do khiến người da đen không hài lòng và vì trong tác phẩm người da đen hoàn toàn phục vụ và hầu hạ người da trắng như quản gia Pork (Oscar Polk) hay xảo quyệt như Prissy (Butterfly McQueen). Bộ phim thậm chí còn giữ nguyên từ "nigger" (tạm dịch: mọi) trong tiểu thuyết gốc, dù từ này mang tính xúc phạm với người da đen.
Hattie McDaniel cũng bị chỉ trích vì nhận giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" cho vai diễn của mình. Cộng đồng người da đen đã tẩy chay cô vì cho rằng cô đẩy mạnh khuôn mẫu những người da đen chỉ biết hạ mình làm tôi tớ trên màn ảnh, theo Biography.
Theo một cuộc khảo sát của đại học Georgetown do trang NPR thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm phát hành bộ phim, một sinh viên tên Mike Minahan phát biểu: "Mọi thứ về bộ phim chỉ tôn vinh chủ nghĩa nô lệ".
Năm 2017, sau cuộc biểu tình Unite the Right của những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng ở Virginia, rạp Orpheum ở Memphis cho biết họ sẽ ngừng chiếu bộ phim sau 34 năm liên tiếp vì đây là một tác phẩm có tính chất nhạy cảm với phần lớn dân cư địa phương.
Nhiều người cho rằng cần đối xử công bằng với tác phẩm kinh điển mang lại nhiều đóng góp cho việc định hình văn hóa ở Mỹ như Cuốn theo chiều gió. Alyssa Rosenberg của Washington Post cho hay Cuốn theo chiều gió thời nay không còn được coi là một tác phẩm tiêu biểu hay mang tính giáo dục cao, nó không nên bị xóa hẳn khỏi lịch sử văn hóa. Nếu chỉ nhìn nhận phim dưới góc độ sắc tộc, khán giả thời nay sẽ vô tình bỏ qua những chi tiết về các nhân vật như Scarlett O’Hara và Rhett Butler.
Chi tiết quan trọng cần được quan tâm đó là nhân vật Scarlett nhận ra thói đạo đức giả và tự lừa dối bản thân của tầng lớp chủ nô và liên tục thách thức những khuôn phép của một phụ nữ quý phái, dù khiến mọi người khinh ghét. Scarlett là nhân vật phản-chính diện, quyết nắm số phận trong tay chứ không dựa dẫm vào ai, hiếm thấy trên màn ảnh Mỹ thời điểm đó.
Còn Rhett Butler (Clark Gable) khuyến khích Scarlett nổi loạn chống lại những lý tưởng của giai cấp trong khi mọi người khác khuyến khích cô tuân thủ. Sau này, Scarlett nhận ra rằng cô chưa bao giờ thực sự yêu Ashley Wilkes (Leslie Howard), một con người mơ mộng nhưng yếu đuối, một sản phẩm của chế độ chủ nô miền Nam.
Diễn viên da màu Hattie McDaniel từng lên tiếng đáp trả khi bị chỉ trích: "Tôi thà đóng người hầu còn hơn làm một người hầu". Cô đã truyền cảm hứng cho nghệ sĩ da đen hàng thế hệ sau. Cô từng phát biểu trong buổi lễ trao giải rằng "vì đã chịu đựng tất cả, để giờ tôi không phải chịu đựng nữa".
Sự thức tỉnh về vấn đề màu da hiện đang là chủ đề nóng ở Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, Cuốn theo chiều gió chịu cái nhìn mang tính chính trị là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, Cuốn theo chiều gió là một tác phẩm hư cấu dựa trên câu chuyện giả tưởng từ góc nhìn của người da trắng về nước Mỹ. Tác phẩm cũng cho khán giả cơ hội để dứt khỏi cái nhìn của thời quá khứ mà hướng tới tương lai, như câu nói của Scarlett O’Hara: "Dù sao, mai là một ngày khác".