Nhân dịp tưởng niệm sự kiện 10 nữ Thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào năm 1968, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã ra mắt chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương. Qua các buổi diễn ban đầu, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo khán giả.
Chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của đạo diễn Lê Quý Dương nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo khán giả. |
Với thời lượng hơn 60 phút, "Huyền thoại tuổi thanh xuân" tái hiện vùng trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A - nơi 10 nữ liệt sĩ của tiểu đội 4, đại đội 552 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh đã sống, chiến đấu và hy sinh ở độ tuổi 18-20 khi đảm nhiệm việc liên tục thông đường cho các đoàn xe chở bộ đội, vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đây là ý tưởng nhằm làm phong phú, sinh động hơn các hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ VN tại Hà Nội trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế.
Với bối cảnh được sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại, việc sử dụng tổng hợp các loại hình nghệ thuật và sự sắp đặt chỗ ngồi của khán giả trên những hòm đạn, bao xung quanh một không gian được trải phủ bởi 5 tấn đất được đưa về từ vùng đất Đồng Lộc, khán giả của "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã có dịp hồi nhớ về một thời gian khó khi đất nước phải gánh chịu đạn bom chiến tranh và quá nhiều những hy sinh, mất mát, như của các nữ TNXP nơi ngã ba Đồng Lộc khi xưa.
|
Trong cái nền cảnh khốc liệt và âm thanh chát chúa của vùng trọng điểm Đồng Lộc khi xưa, là sự hiện diện của lực lượng TNXP đầy nhiệt huyết, mà đại diện là 10 nữ TNXP đã làm nên huyền thoại tuổi thanh xuân bất tử. Họ đã tạm gác những ước mơ đời thường giản dị, hồn nhiên như mọi nữ thanh niên trong thời bình và bất chấp bom rơi, để đảm bảo cho những huyết mạch giao thông trong thời chiến được lưu thông an toàn.
Quá khứ hào hùng đầy bi tráng đó được tái hiện trong "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã tạo cơ hội cho các khán giả đương đại nhiều suy ngẫm và đầy niềm tự hào về những người phụ nữ Việt Nam, những con người đất Việt đã quên mình hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Huyền thoại tuổi thanh xuân" mang đến cho khán giả đương đại nhiều suy ngẫm và tự hào về những người phụ nữ Việt Nam |
Để kịch bản thực sống động, chân thực, đạo diễn Lê Quý Dương đã cùng các cộng sự dày công nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân chứng nơi xảy ra sự kiện. Với việc chở đất từ vùng chiến trường xưa về Hà Nội để tạo dựng cảnh trí sân khấu, theo đạo diễn, là bởi “Mỗi tấc đất nơi đây có dấu vết đạn bom và lẫn xương máu của hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh trên vùng trọng điểm. Tôi muốn tạo nên cảm xúc chân thực và sâu lắng nhất cho các diễn viên trẻ khi diễn trên chính những lớp đất của Ngã ba Đồng Lộc, giúp họ trải nghiệm và ý thức được chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là tâm nguyện tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.
Trong chương trình trải nghiệm nghệ thuật này có nhiều khoảng lặng dâng trào cảm xúc như hình tượng các cô gái TNXP trong lớp múa mơ hóa thành những cánh chim bay đầy trữ tình hướng về quê nhà. Đặc biệt, nhiều khán giả đã không khỏi rơi lệ trong phân đoạn cảnh các nữ TNXP thống kê số tài sản cá nhân ít ỏi của mình để đơn vị gửi về gia đình, nếu một khi hy sinh.
Có một điều đặc biệt của chương trình: Việc đảm nhiệm diễn xuất không phải do các nữ diễn viên chuyên nghiệp thực hiện, bởi đa phần đều là sinh viên được tuyển chọn, nhưng đã thể hiện hình tượng các nhân vật rất chân thực và sinh động. Hơn thế, các diễn viên đều nói bằng ngôn ngữ bản địa vùng đất Hà Tĩnh. Bởi thế, khi dàn tập, họ đều buộc phải trao đổi, trò chuyện bằng tiếng địa phương, để bắt nhịp làm quen âm ngữ phù hợp với vở diễn.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: "Thông qua vở diễn này, chúng tôi muốn gửi tới thế hệ trẻ ngày nay thông điệp về lòng biết ơn với thế hệ đi trước, để từ đó tác động đến thái độ sống, đòi hỏi thế hệ trẻ phải trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và đất nước". Cùng quan điểm này, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Một đời người sống được bao nhiêu tuổi không quan trọng, mà ý nghĩa là ở từng giây, từng phút cuộc sống đó thật sự có ích. Hãy sống một cuộc đời đáng sống, cống hiến được nhiều nhất cho Tổ quốc…”.
Theo kế hoạch, "Huyền thoại tuổi thanh xuân" được công diễn thường xuyên vào các tối thứ bảy và chủ nhật tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) để phục vụ đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.