Bạn đang nghịch gì với đời mình
Khi còn trẻ, bạn hay tôi thật khó để biết mình yêu thích công việc gì, bởi vì chúng ta muốn làm rất nhiều thứ. Bạn muốn trở thành một kỹ sư, một người lái tàu, một phi công mang mơ ước bay vào trời xanh; hoặc có thể bạn muốn trở thành một nhà hùng biện hay một chính khách nổi tiếng.
Bạn cũng có thể muốn trở thành một nghệ sĩ, một nhà hóa học, một nhà thơ, hay một thợ mộc. Bạn có thể muốn làm việc trí óc hay làm việc chân tay. Liệu những công việc này có phải là những việc mà bạn thực sự yêu thích, hay sự hứng thú với chúng chỉ đến từ phản ứng trước áp lực của xã hội? Làm thế nào để có thể tìm thấy công việc mình yêu thích?
Quyển sách bao gồm bốn phần – Bản ngã và cuộc đời của bạn – Hiểu biết bản thân, chìa khóa của tự do – Giáo dục công việc và tiền bạc – những mối tương quan. Qua mỗi phần sẽ có nhiều chương nhỏ để triết gia J. Krishnamurti dẫn dắt người đọc đến những vấn đề thực tiễn từ suy nghĩ, thấu thị, hiểu biết, đến hành động cụ thể.
Ông chỉ ra rằng ngay với cả nỗi sợ hãi, sự buồn chán, hạnh phúc hay đau khổ, thành công thất bại đều có thể hòa giải trong ý nghĩ của một tâm hồn biết tĩnh lặng.
Nhật ký những kẻ chán đời
“Đỉnh cao của nỗi buồn chính là sự chán nản, khi chúng ta không tìm ra lý do để tận hưởng cuộc sống theo một cách nào đó. Nhưng cũng trong chính những lúc như thế, tôi lại gặp Six Feet Under, tại Nhật Kí Lạ Group – tổ chức dành cho những người viết văn.
Hai người đàn ông ngồi chung một căn phòng, ở đó, chúng tôi không nói với nhau câu nào, chỉ có văn chương giải đáp tất cả. Chúng tôi đã viết cuốn sách như muốn cào cấu thế giới bằng sự cô đơn của mình.
Sau đó, chính sự đồng cảm, chia sẻ và cũng chung một tư duy trong lối viết, khiến tôi và Six Feet Under nảy sinh ra ý định cùng nhau tạo ra một sản phẩm văn học dựa trên dòng nhật ký cá nhân, với những gam màu khác nhau, tạo nên một dòng chảy chung về đời sống, suy nghĩ của những người đã từng rơi vào mớ hỗn độn của cảm xúc ấy.
Tôi tin rằng một Xù Coke tỉnh táo nhưng bất cần và một Six Feet Under nhẹ nhàng, lãng mạn sẽ tổng hòa được, tạo nên thứ mùi vị nào đó giản dị nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc”.
Và họ đã cùng làm điều đó bằng cả trái tim mình.
Một câu chuyện chán đời buồn cười
“Tôi nhìn vào tấm bản đồ. Rõ ràng nó không phải hình bộ não; nó là một tấm bản đồ, bộ bà ấy không thấy những dòng sông, những xa lộ và giao lộ hay sao?
Nhưng tôi hiểu tại sao nó lại có thể trông giống như một bộ não, nếu những con đường là những tế bào thần kinh vặn xoắn, truyền cảm xúc của bạn từ nơi này sang nơi khác, và mang sự sống đến cho thành phố. Một bộ não hoạt động tốt chắc hẳn cũng như một tấm bản đồ, nơi mọi người có thể đi từ nơi này sang nơi khác trên những con đường cao tốc.
Còn bộ não hoạt động không tốt thì sẽ giống như một thành phố bị tắc nghẽn, với những con hẻm cụt, những công trình dang dở giống như bộ não của tôi.”
Vắc-xin chán nản
“Ở tận cùng vực thẳm, hướng duy nhất bạn còn có thể lựa chọn là đi lên”.
Chán nản là một trạng thái mà chắc chắn trong đời bạn sẽ có lúc rơi vào. Những lúc như vậy, bạn chẳng còn thiết làm gì, chẳng biết mình muốn chỉ, chỉ thấy một màu u ám. Bạn lạc trong những mông lung của chính mình. Bạn cứ thế chìm sâu xuống bờ vực của nỗi chán chường và bi quan. Bạn muốn tìm kiếm lối thoát. Bạn cần một liều vắc-xin để kháng lại cơn chán nản.
Vắc-xin chán nản sẽ đưa bạn vào một hành trình mà người đồng hành chính là người bạn “chán nản”.
Bạn sẽ có dịp được quan sát, hiểu thêm về người bạn này, để thấy mọi thứ vốn dĩ không quá khó khăn như bạn vẫn tưởng cũng như tìm thấy con đường có thể tự đưa mình vượt qua trạng thái không mấy dễ chịu này. Để rồi khi trải qua những ngày u ám, bạn sẽ thêm trân quý hạnh phúc hiện tại.
Buồn làm sao buông
Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình? Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi.
Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm. Ký ức sở dĩ không thể mất mát là bởi chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm, những ngày đã qua xem ra ít ỏi lắm nếu so với con đường còn dài trước mắt. Vì lẽ đó mà những lần đầu tiên chạm ngõ ký ức luôn để lại trong lòng những xốn xang, bần thần và khắc sâu hơn cả.
Cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, người thương đầu tiên… nghiễm nhiên trở thành không khí tiếp thở cho ta mỗi ngày. Dẫu rằng chuyện hai đứa mình ngày xưa ấy, nhắc lại bây giờ chỉ thấy toàn những đổi thay. Có buồn đến thế, có thở dài nhiêu khê, thì chuyện cũ – người xưa của khoảng thanh xuân đầu tiên sẽ luôn được trí nhớ gọi về.
Vậy thì liệu bạn có thể đọc những dòng viết dưới đây bằng tất cả sự vị tha của mình – như một người-chớm-già vị tha cho đôi sợi tóc bạc len lén mọc trên mái đầu xanh? Bởi trước khi kịp già, hẳn ai trong chúng ta cũng phải trải qua dăm ba ngày trẻ như thế, chỉ thấy bản thân một mình bầu bạn với nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi cự tuyệt…
Một đời không đủ
Có mọi thứ trong tay nhưng cuộc sống của Ben Bradford lại là bi kịch, khi anh không được sống với đam mê và vợ anh có mối tình với một người đàn ông khác. Trong cơn giận không thể kiểm soát, anh đã giết chết người tình của vợ, để rồi từ đó phải sống chui sống lủi dưới cái tên của chính kẻ đã chết dưới tay mình.
Làm lại cuộc đời dưới bầu trời Montana rộng lớn, Ben Bradford được sống cuộc sống mình hằng mơ ước – trở thành nhiếp ảnh gia, và bất ngờ trở nên nổi tiếng. Nhưng cuộc sống thứ hai của anh gần như chỉ mới bắt đầu thì cũng là lúc anh không còn lựa chọn nào khác ngoài cách kết thúc nó và bắt đầu cuộc đời thứ ba…
Một đời không đủ như một bức tranh lớn, vẽ lại cuộc sống của những con người bế tắc mắc kẹt trong cuộc sống chật chội, của những cá thể nhập cuộc chơi nhưng âm thầm chán ghét trò đời. Kennedy đã đan lồng trong đó thông điệp ám ảnh về sự thỏa hiệp và hy sinh trong cuộc sống hiện đại đầy biến động và phức tạp.
Một cuốn tiểu thuyết nghẹt thở đầy sức nặng khiến người ta phải se sắt trước ý nghĩ về những cơ hội bị vuột mất và những cuộc đời bị hoài phí trong xã hội Mỹ ngày nay.
Cuộc sống rất giống cuộc đời
Nếu bạn đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, cần một ai đó xốc lại tinh thần để tiếp tục chiến đấu với cuộc đời thì chắc chắn không nên bỏ lỡ cuốn sách này. Cuộc sống rất giống cuộc đời sẽ đem lại cho bạn những tiếng cười sảng khoái và những phút giây thư giãn qua từng trang sách.
Không tạo cảm giác ức chế hay nhàm chán với những lối đi cũ mòn của văn chương hoa mĩ, giọng văn và cách kể của tác giả Hoàng Hải Nguyễn có phần phóng khoáng, hóm hỉnh, sâu cay và đặc biệt là biệt tài gây cười đặc trưng có một không hai.
Từng gây sốt cộng đồng mạng với những bài viết như “Đàn ông tuổi 40, Thư mẫu gửi vợ, Nhật ký của bố, Bây giờ anh định thế nào ?…” ; anh từng bước xây dựng cho mình một hướng đi độc đáo và tạo được dấu ấn với cá tính riêng biệt, cuốn sách bạn là tập hợp tất cả những tản văn hay nhất anh góp nhặt trong quãng thời gian “chinh chiến với cuộc đời.”
Dưới góc nhìn của một người đàn ông U40, đã có gia đình và hai con, anh nhìn nhận sự xoay vần của cuộc đời theo cách của người từng trải có nhiều kinh nghiệm.