Năm 2013, bộ phim hoạt hình “Frozen” ra mắt và trở thành một hiện tượng toàn cầu. Câu chuyện lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ “Bà chúa tuyết” đã giành Oscar “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”, đồng thời trở thành phim hoạt hình ăn khách nhất lịch sử với 1,3 tỷ USD.
Không chỉ đơn thuần dừng lại ở doanh thu và các giải thưởng, “Frozen” có sức sống và sự tồn tại mãnh liệt trong văn hóa đại chúng thông qua tầm ảnh hưởng của các nhân vật như Elsa, Olaf hay ca khúc “Let It Go” đối với khán giả-đặc biệt là đối tượng thiếu nhi.
Thành công thương mại là điều chắc chắn nếu Disney tung ra “Frozen 2.” Song đại gia làng giải trí này vẫn đợi tới sáu năm để cho ra mắt phần tiếp theo. Khi xem “Frozen 2,” khán giả có thể hiểu được sự ngắt quãng đó, với bộ phim được đầu tư xuất sắc về mặt hình ảnh, kèm theo một câu chuyện dễ xem, dễ hiểu nhưng ẩn chứa không ít thông điệp sâu sắc.
Tiếp nối cuộc phiêu lưu
Ba năm sau những sự kiện của phần đầu, nàng Elsa (Idina Menzel lồng tiếng) đã trở thành nữ hoàng cai quản vương quốc Arendelle với sự trợ giúp của em gái Anna (Kristen Bell) và những người bạn Kristoff (Jonathan Groff), Olaf (Josh Gad). Một ngày nọ, vương quốc Arendelle bỗng chịu tai họa ảnh hưởng do một lời nguyền cổ xưa. Cùng lúc đó, Elsa cũng nghe được một giọng hát bí ẩn mời gọi cô.
Kết quả là nữ hoàng băng giá cùng những người bạn lên đường ra khỏi biên giới Arendelle, tiến tới khu rừng phép thuật của tộc người Northuldra bị bao phủ bởi làn sương bí ẩn. Khu rừng này được cho là nắm giữ những bí mật của quá khứ, cũng như chỉ đường cho Elsa về nguồn gốc năng lực đặc biệt của bản thân. Để có thể giải cứu vương quốc và thần dân, Elsa buộc phải vén bức màn bí mật lên…
Bộ sậu làm nên thành công của tập phim trước đều trở lại trong “Frozen 2,” từ dàn diễn viên lồng tiếng, bộ đôi đạo diễn Chris Buck-Jennifer Lee, các nhà soạn nhạc Kristen Anderson Lopez-Robert Lopez cho tới nhóm biên kịch. Kết quả là người xem được chào đón bởi sự thân quen của thế giới “Frozen,” đồng thời cũng cảm nhận được những nét mới lạ cần thiết cho phần hai.
Những yếu tố thân thuộc nằm ở tính cách các nhân vật, với một Elsa đầy trách nhiệm, Anna hồn nhiên hay Olaf vui tính. Nhân vật người tuyết biết nói Olaf được ưa thích từ phần đầu tiếp tục mang tới nhiều tiếng cười trong “Frozen 2” với những hành động, câu thoại hài hước. Đây có thể xem là nhân vật được ưa thích bậc nhất bộ phim, với mỗi lần xuất hiện đều được sự hưởng ứng từ các khán giả nhí.
Sự nhẹ nhàng, tươi sáng của các nhân vật như Olaf là điểm cộng của phim, bên cạnh các yếu tố hình ảnh và âm nhạc. Sau sáu năm, thế hệ khán giả nhí–đối tượng chính của “Frozen”–đã lớn lên dần, đòi hỏi các nhà làm phim phải có sự mở rộng đối với câu chuyện và thế giới. Nội dung “Frozen 2” không còn chỉ gói gọn trong vương quốc Arendelle với băng giá mà đã được kể tại những vùng đất khác, với khu rừng ma thuật hay hòn đảo bí ẩn giữa biển khơi. Đồ họa của phim cho thấy sự đầu tư chi tiết của Disney, với hình ảnh xuất sắc và sống động, dù là đại cảnh như khu rừng lá đỏ, đại dương mênh mông hay cận cảnh từng nhân vật.
Một phần không thể thiếu khác của “Frozen” nói riêng hay các phim hoạt hình nói chung của Disney là âm nhạc. So với phần đầu tiên, “Frozen 2” không có một ca khúc dạng “đinh,” đủ sức lan tỏa rộng rãi toàn cầu khiến người người, nhà nhà đều biết tới như “Let It Go.” Dẫu vậy, những bài hát trong phần mới như “All Is Found” hay “Into The Unknown” vẫn rất hay, mang tính “kể” với nhiều thông điệp được gửi gắm.
Tại Việt Nam, bộ phim được trình chiếu kèm theo phiên bản lồng tiếng với sự góp giọng của Võ Hạ Trâm, Tiêu Châu Như Quỳnh. Các ca khúc cũng được Việt hóa tinh tế dễ nghe và giữ tinh thần chủ đạo của bài hát.
Những bài học ẩn chứa
Trong “Frozen 2,” có một trường đoạn anh chàng người tuyết Olaf tung tăng hát ca bản “When I’m Older” (Khi tôi già hơn). Dù là một trường đoạn vui nhộn, nhưng ca từ dường như là thông điệp mà các nhà làm phim gửi gắm: “Lớn lên đồng nghĩa với hòa nhập/Ghép vào thế giới và vị trí của bạn/Khi tôi trưởng thành hơn/Tôi cũng sẽ hoàn toàn tự tin.”
Sự trưởng thành là điều phải trải qua với các nhân vật, khi một thế hệ khán giả phần đầu cũng đã già hơn sáu tuổi. Để có được điều đó, các nhân vật chính như Elsa và Anna đều phải trải qua những thử thách, những hành trình để từ đó hiểu chính bản thân mình. Với Elsa, cuộc phiêu lưu mang tới những lời giải về năng lực của bản thân, về sự biến mất của cha mẹ mình cũng như ý nghĩa của sự tồn tại của cô. Với Anna, cô từ người em gái luôn lo toan cho chị mình dần trở nên can trường và có trách nhiệm hơn với những người xung quanh để ngày càng ra dáng một thủ lĩnh.
Đó không đơn thuần là những thông điệp duy nhất ẩn chứa trong câu chuyện của “Frozen 2.” Còn đó những bài học về cách đối xử với quá khứ, về sự can thiệp của con người với thiên nhiên. Đó là những thông điệp ý nghĩa và dễ hiểu, đặc biệt là khi đối tượng khán giả chính của phim là thiếu nhi, vốn chưa quen ngay với những câu chuyện quá phức tạp hay đen tối.
Đối với khán giả trưởng thành, “Frozen 2” có thể đơn giản bởi sức mạnh vượt trội của Elsa, sự tương đồng với phần đầu ở mâu thuẫn trong giải quyết vấn đề giữa Elsa-Anna hay những thử thách còn có phần quá dễ dàng. Nhưng nếu đào sâu tìm hiểu sự liên hệ mang tính tâm linh về văn hóa tín ngưỡng Sami, khi hành trình tìm chính bản thân mình của Elsa tương đồng với một pháp sư Noaidi, người xem ắt hẳn sẽ ít nhiều nhận thấy thú vị.
Về tổng thể, “Frozen 2” là một bộ phim hoạt hình tròn trịa và dễ xem với mọi lứa tuổi. Dù là một phần cỗ máy kiếm tiền tỷ đô với các sản phẩm đồ chơi, phục trang ăn theo hay nhạc kịch Broadway, nhưng bộ phim không hề mang tới cảm giác Disney đang cố vắt kiệt sữa con bò “Frozen.” Trái lại, đó là sự tiếp nối, kế thừa vừa vặn của phần đầu tiên. Tác phẩm còn có một đoạn phim ở cuối end-credit như một món quà đặc biệt dành cho các khán giả ngồi lại tới phút chót.
Frozen 2 (tựa Việt là Nữ hoàng băng giá 2)
Đạo diễn: Chris Buck-Jennifer Lee
Diễn viên lồng tiếng: Idina Menzel, Kristen Bell, Josh Gad
Thể loại: Hoạt hình, Phiêu lưu, Ca nhạc
Thời lượng: 103 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 22/11.