• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông, dân làm PR nên đọc

4 cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông dành cho những người làm trong lĩnh vực quan hệ...

Quản trị “Khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả

Để giữ vững danh tiếng, uy tín, thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp luôn là vấn đề quan trọng trong thời buổi mà tình hình đời sống luôn có rất nhiều tin đồn cũng như sự xuất hiện của nhiều “anh hùng bàn phím” chuyên đi ném đá “tấn công sỉ vả” làm “khủng bố” trực tuyến rồi tạo ra khủng hoảng cho các doanh nghiệp như hiện nay.

Những cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông, dân làm PR nên đọc

Chính vì vậy với tinh thần nâng cao ý thức để “doanh nghiệp tự cứu mình trước khi… trời cứu”, vấn đề xác định tầm quan trọng và xây dựng một quy trình quản trị cụ thể từ việc phát hiện, nhận diện “khủng bố” trực tuyến, đến việc đưa ra cách giải quyết các tình huống khi bị khủng bố;

phương pháp phòng ngừa như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, cũng như phải thường xuyên tập dượt kỹ năng xử lý khủng hoảng để nâng cao sức đề kháng là một vấn đề tối quan trọng của doanh nghiệp hiện nay. Đó cũng là lý do mà tác giả rất tâm huyết muốn gửi đến các CEO, các doanh nghiệp.

Tôi PR cho PR

Đây là cuốn sách PR thường thức đầu tiên được viết độc lập bởi một tác giả Việt Nam. Khi viết cuốn sách này, tác giả Di Li có mong muốn thay đổi nhận thức của công chúng về nghề PR (Quan hệ công chúng) và các khái niệm PR, khi mà hiện nay, thuật ngữ này theo chị đã bị hiểu sai nghiêm trọng, dẫn đến cái nhìn thiên lệch về nghề nghiệp của những người làm PR.

Những cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông, dân làm PR nên đọc

Lấy đối tượng độc giả là số đông công chúng, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ hài hước, sinh động cùng những câu chuyện PR có thật để cuốn sách của mình trở nên dễ hiểu. Những cuộc khủng hoảng truyền thông đã xuất hiện trên mặt báo như The Voice, Nhã Nam, Vedan, Coca Cola… và những câu chuyện PR của Nick Vujicic, Running Man Vũ Xuân Tiến, giải thưởng Văn học ASEAN đã được tác giả đưa ra khảo sát và phân tích.

Tác giả cũng nhấn mạnh về cách ứng xử hiện nay của các cư dân mạng trong thời đại mà mỗi một cư dân mạng đều là một paparazi và một tổng biên tập của chính mình. Các khái niệm về PR đen, Spin Doctor, PR quốc gia, PR nội bộ, xử lý khủng hoảng truyền thông và tại sao PR không phải xì căng đan hay quảng cáo đã được lý giải bằng những câu chuyện cụ thể.

Theo như tổng kết của Di Li ở cuối cuốn sách, PR chỉ đơn giản là cách đối nhân xử thế đối với công chúng và bất cứ người bình thường nào cũng đều cần đến PR hàng ngày. Chị cũng khẳng định: Tất cả chúng ta đều đang làm PR mà không biết.

Sau khi đọc bản thảo cuốn sách, đạo diễn Ngô Quang Hải cho rằng: “Đây là một cuốn sách bổ ích nhất cho những ai chưa hiểu, đã hiểu và hiểu sâu về quan hệ công chúng, những người đang sống trong một môi trường mà PR là yếu tố không thể tách rời.

Cuốn sách được viết với văn phong dễ hiểu, súc tích cùng sự hiểu biết sâu rộng, thực tế về mối quan hệ công chúng, thông qua những câu chuyện sinh động, những sự kiện có thật, tác giả đã cho tôi thấy một bức tranh rõ nét hơn về PR tại Việt Nam.”

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng trường đại học FPT cũng chia sẻ: “Tôi tình cờ có chung một sự bức xúc giống như Di Li từ nhiều năm nay, trước khi đọc bản thảo cuốn sách này, về việc xã hội thường hiểu sai, hiểu theo nghĩa xấu khái niệm PR như là hoạt động quảng cáo, khuếch trương hay nói quá lên những gì không có thật.

Thật mừng là Di Li đã viết ra được cuốn sách để “minh oan” cho một khái niệm hết sức quan trọng và thông dụng trong cuộc sống mỗi con người, khi mà phần lớn các hoạt động của chúng ta ít nhiều đều liên quan đến PR theo đúng nghĩa của nó – quan hệ với cộng đồng và những người xung quanh.

Cuốn sách là một sự tích hợp sinh động, hữu cơ và rất gần gũi của cả những chia sẻ về mặt lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một người trực tiếp làm PR và những kinh nghiệm khi giảng dạy chuyên ngành này.”

PR – lý luận và ứng dụng

Những cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông, dân làm PR nên đọc

PR, ứng dụng của lý thuyết truyền thông, là nghệ thuật thuyết phục công chúng đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập các mối quan hệ lâu dài và có lợi, xây dựng và duy trì hình ảnh, thương hiệu, uy tín cho một tổ chức, bất kể tổ chức đó là một doanh nghiệp, một tập đoàn, một tổ chức phi chính phủ hay một chính phủ.

PR – Lý luận & Ứng dụng, từ những định nghĩa mang tính tổng quan nhất và có cơ sở học thuật đến những tình huống thực tiễn sinh động, cung cấp một công cụ tác nghiệp căn bản và hữu dụng cho một nhà họat động PR.

Bao quát toàn bộ các ứng dụng của PR, cuốn sách vẽ ra bản sơ đồ chiến lược giúp nhà hoạt động PR phân tích, nắm bắt và giải quyết các vấn đề cốt lõi của lĩnh vực này, như các kỹ năng tác nghiệp cụ thể, các chiến lược quản lý khủng hoảng, quá trình và phương pháp xây dựng các mối quan hệ với công chúng, các vấn đề pháp luật có liên quan, v.v…

Chết vì cái thái độ

Những cuốn sách hay về khủng hoảng truyền thông, dân làm PR nên đọc

Trên trái đất này chẳng có gì tự nhiên sinh ra. Mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều có lý do của nó. Và thường thì những sự cố hay mọi cuộc khủng hoảng đều bắt nguồn từ những việc làm không đúng đắn.

Một số người cho rằng, sự cố hay khủng hoảng là những điều không may mắn xảy đến với bản thân hay công việc. Một số khác lại nghĩ sự việc xảy ra rồi thì còn làm được gì nữa ngoài việc chấp nhận và đi dọn dẹp hậu quả.

Thực ra gốc rễ của mọi vấn đề đều xuất phát từ chính bên trong mỗi cá nhân hay tổ chức. Xử lý khủng hoảng đơn thuần chỉ là hoạt động đi dập ngọn lửa đang cháy.

Đối với mỗi cá nhân, khủng hoảng xảy ra đa số là do cách ứng xử và thái độ đối với sự việc xung quanh. Đối với một tổ chức, khủng hoảng có thể là hậu quả của những hành vi và thái độ không phù hợp với những chuẩn mực hoặc quy định đã đặt ra.

Trong nhiều tập đoàn hoặc doanh nghiệp lớn, các hoạt động quản trị rủi ro và xử lý khủng hoảng thường được ưu tiên hàng đầu. Trên thị trường, các khóa đào tạo về xử lý khủng hoảng được tổ chức liên tục với rất nhiều học viên. Nói vậy để bạn có thể hình dung ra tầm quan trọng của hoạt động này trong đời sống.

Tuy nhiên, dù có đặt là ưu tiên hàng đầu hay đổ “tiền tấn” ra theo học các lớp đào tạo, hoạt động xử lý khủng hoảng cũng thường chỉ để giải quyết phần ngọn.

Câu hỏi bạn đặt ra là làm sao không để xảy ra các sự cố hoặc các cuộc khủng hoảng? Hiển nhiên là trong cuộc sống, điều này là không bao giờ có. Vấn đề là làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng, bảo vệ được danh tiếng, hình ảnh của cá nhân và tổ chức.

Tất cả giải pháp đều nằm ở “cái thái độ”.

Đó là thái độ của mỗi cá nhân trong tổ chức đối với công việc mà mình phụ trách. Đó là thái độ của mỗi nhân viên đối với sản phẩm và dịch vụ do công ty mình cung cấp. Đó là thái độ của người lãnh đạo đối với các hoạt động tuân thủ trong công ty. Trên hết, đó còn là thái độ của công chúng hay giới truyền thông đối với cách hành xử của công ty trên thị trường.

Ngày nay, có rất nhiều ví dụ cho thấy danh tiếng – tài sản giá trị nhất của một cá nhân và tổ chức – có thể được bảo vệ hoặc có thể bị hủy hoại hoàn toàn chỉ vì “cái thái độ”.

Chết vì cái thái độ là cuốn sách nhỏ tập hợp một số bài mà chuyên gia Khuất Quang Hưng đã viết trên blog cá nhân về quản trị danh tiếng và xử lý khủng hoảng từ năm 2014. Dữ liệu và thông tin trong các bài viết là tài liệu tham khảo, tổng hợp từ các nguồn tin đã được công bố rộng rãi như báo chí, các trang thông tin điện tử có giấy phép, website của các công ty, các tập đoàn trong và ngoài nước.

Cuốn sách này không nhằm mục đích đưa ra những đánh giá tiêu cực hoặc chỉ trích bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân nào. Ngược lại, thông qua những sự việc có thật đã xảy ra, tác giả muốn phân tích và chia sẻ những điều nên hay không nên làm trong quản trị danh tiếng với góc nhìn của một người đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Đây cũng chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hàng ngày.

Tác giả cũng không có ý định cung cấp các lý thuyết hay dạy cho bạn đọc những mô hình xử lý khủng hoảng cũng như không có ý định phổ biến hoặc ca ngợi những thủ thuật truyền thông đi ngược lại các giá trị đạo đức của người làm truyền thông.

Chết vì cái thái độ hoàn toàn là những quan điểm cá nhân mà tác giả mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc khi bàn về chủ đề quản trị danh tiếng lý thú này.Cuốn sách dành cho những người làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng, doanh nhân và cả các bạn sinh viên.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật