• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ra mắt bộ sách 'Hồ Chí Minh với Ấn Độ' bản tiếng Việt và tiếng Anh

Tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Hồ Chí Minh là kho di sản tinh thần vô giá, không thể nói...

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ra mắt bộ sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ" phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, được xuất bản tại Việt Nam và Ấn Độ.

Bộ sách được xuất bản nhân sơ kết đợt thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kỷ niệm 3 năm nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (2016-2019); hướng tới kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (1890-2020).

Trước đó, bộ sách đã được ra mắt tại thủ đô New Dehli (Ấn Độ) ngày 21/11 và tại Kolkata ngày 24/11 trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Tháng Việt Nam tại Ấn Độ.

Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu QĐND)
Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu QĐND)

Tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Lê Văn Toan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới.

Với Ấn Độ, sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã đến ba lần. Lần đầu là chuyến ghé qua Ấn Độ năm 1911 trên đường đi tìm đường cứu nước; lần thứ hai năm 1946 với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dừng chân ở Ấn Độ trên đường đến Pháp dự hòa đàm và lần thứ ba năm 1958 là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước 10 ngày với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người đã viết 65 tác phẩm về Ấn Độ, gồm các bài nghiên cứu bằng văn, các sáng tác bằng thơ, thư từ, điện, bài phát biểu...

Bộ sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ" gồm 4 phần: Những bài viết, thư, điện, thơ của Hồ Chí Minh về Ấn Độ và với Ấn Độ; những bài viết của các học giả Việt Nam về Hồ Chí Minh với Ấn Độ, quan hệ Việt Nam- Ấn Độ dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh; những bài viết của các học giả Ấn Độ về Hồ Chí Minh với Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh; những hình ảnh về hoạt động của Hồ Chí Minh với Ấn Độ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Toan khẳng định những di sản tinh thần của Hồ Chí Minh với Ấn Độ và tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Hồ Chí Minh là kho di sản tinh thần vô giá, không thể nói hết bằng lời.

40 tác giả Việt Nam và Ấn Độ được tuyển chọn viết bài cho bộ sách này có thể khác về ý thức hệ, tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, có cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu khoa học, trong trải nghiệm thực tiễn, nhưng đều có điểm chung là hết sức tôn trọng, kính yêu Hồ Chí Minh, yêu mến đất nước, dân tộc Việt Nam và Ấn Độ, trân quý và mong muốn quan hệ Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển sâu sắc, ngày càng đơm hoa kết trái.

Thay mặt các tác giả đóng góp bài viết cho bộ sách, giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng bộ sách như một đài kỷ niệm nhỏ, một đóng góp nhỏ vào tình hữu nghị trong sáng không một gợn mây, góp phần tô sáng hơn tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Ấn Độ.

Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn hy vọng bộ sách là bước kế tiếp trong sự nghiệp gắn kết hai dân tộc vì tình yêu của con người, vì hòa bình phát triển. Những giá trị trong bộ sách sẽ tiếp tục được phổ biến để tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng trong sáng, tốt đẹp hơn, đóng góp vào sự nghiệp ủng hộ hòa bình trên thế giới.

Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Verma Pranay nhấn mạnh bộ sách là nền tảng cơ sở cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ.

Nhắc lại lịch sử quan hệ hai nước, Đại sứ Verma Pranay cho rằng Chính phủ và nhân dân hai nước đều nhận thức được mối quan hệ ràng buộc của hai quốc gia từ hàng ngàn năm trước trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa...

Hai nước cũng có chung mục đích đấu tranh cho độc lập, tự do, chống lại áp bức bóc lột. Trong quan hệ sâu sắc lâu dài của hai quốc gia, hai bên đã xây dựng được mối quan hệ ngày càng sâu sắc, thấu hiểu và chia sẻ mối quan tâm chung; cùng sát cánh hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển đất nước.

Nhân dịp này, Đại sứ đã nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về "Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương"./.

PV

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật