Thằng cháu ngoại học hát ở trường được cô giáo hát cho nghe một lần bài “Siboney”. Cu cậu cứ thế lẩm nhẩm theo giai điệu bài hát suốt trên đường từ lớp về nhà. Nó kỳ kèo: “Bà phải dạy con bài hát này đi!”.
- Được rồi, để bà về tìm đĩa hát nghe lại đã!
Đã 45 năm kể từ lần đầu tiên tôi được nghe giai điệu bài hát này. Đó là vào mùa đông năm 1971. Khi tôi vừa tròn 13 tuổi.
Nhà tôi nằm trên một con phố nhỏ đìu hiu gần ngã sáu thành phố cảng. Phía bên kia đường là một cái chợ cóc bán rau cỏ vào lúc sáng sớm. Máy bay Mỹ đã tạm ngừng ném bom miền Bắc nhưng thành phố của tôi vẫn nằm trong tình trạng bị đe dọa. Nó luôn là mục tiêu đánh phá được “ưu tiên” hàng đầu trong nhiều năm. Mọi sinh hoạt nhộn nhịp phố phường buộc phải diễn ra vào lúc sáng sớm. Mặt trời lên là chấm dứt mọi tụ tập đông người. Mẹ thường sai tôi sang mua rau ở cái chợ ấy.
Kỳ lạ thay, giữa cảnh bán mua vội vã trên đoạn phố xám xịt màu áo quần công nhân và những gương mặt người lo toan vất vả bỗng nghe văng vẳng tiếng đàn guitar bập bùng đâu đó vọng ra từ một căn nhà tối om. Tiếng đàn như có một ma lực hấp dẫn níu bước chân tôi dừng lại mỗi sáng. Dần dà, tôi mon men đến bên khung cửa tối ngó vào. Một chàng trai gầy gò trắng trẻo trạc 17 tuổi ôm cây đàn ngồi say đắm thả ra những hợp âm sôi nổi của “Bài ca hy vọng”. Tôi nghe hết bản nhạc định bước chân ra về chợt lại thấy vang lên giai điệu bản “Đồng xanh” và “Siboney” đang thịnh hành. Những giai điệu thong thả và dồn dập cuốn hút như không dứt ra được.
Tranh minh họa: Đỗ Phấn. |
Một buổi sáng như thường lệ, tay xách mớ rau tôi lại nương theo tiếng đàn len lén đến bên khung cửa ấy. Thoáng thấy bóng tôi, chàng trai buông đàn bước ra tươi cười,
- Em có thích nhạc không, có muốn học đàn không?
- Có! - tôi vội vã đáp có chút lưỡng lự. “Nhưng em không biết nốt nhạc!”.
- Không sao, anh cũng chẳng biết. Chỉ được bạn bè dạy truyền tay thôi. Nếu em thích anh cũng có thể dạy truyền tay cho em những gì anh biết!
Tôi e thẹn gật đầu vội vã. Vậy là ngày ngày đi học về tôi sang nhà anh bắt tay vào những buổi học đầu tiên. Bản nhạc đầu tiên tôi rất muốn học chính là bản “Siboney”. Cô bé bướng bỉnh là tôi lúc ấy khăng khăng đòi học “Siboney” ngay lập tức dù rằng anh đã khuyên đó là một bản rất khó. Kệ. Với một người lần đầu tiên cầm cây đàn như tôi thì độ khó của tất cả các bản nhạc là như nhau.
Anh chăm chú chơi từng đoạn ngắn. Cứ sau một đoạn như thế lại chuyển cây đàn sang cho tôi. Đúng là một thử thách kinh hoàng. Phần dạo đầu của “Siboney” là những nốt cao vút nằm mãi phía cuối cần đàn. Bàn tay nhỏ bé chới với của tôi sưng phồng, đau rát.
Rất may, ít ngày sau bố thấy tôi ham mê học đàn, ông đã mượn ở thư viện cơ quan trên Hà Nội mang về cho tôi một cây đàn cũ. Cây đàn guitar khuyết góc dành cho trẻ con và những người có ngón tay không đủ dài. Tôi miệt mài hàng tháng trời trên cây đàn ấy. Nhưng đúng là đàn cũ không phù hợp với người mới tập như tôi. Chiếc dây mi sắt mỏng manh đứt phựt. Tôi khóc thành tiếng. Tìm đâu ra một sợi dây đàn trong thời chiến ở cái thành phố lam lũ này. Anh đề nghị đổi đàn cho tôi tập. Nhưng tôi không dám tự tiện. Đây là chiếc đàn của cơ quan bố. Ông đã dặn phải tuyệt đối bảo quản giữ gìn. Trầm ngâm một lúc, anh gỡ chiếc dây sắt trên đàn của anh thay sang đàn tôi. Nhưng thật đen đủi. Chiếc dây cũng đứt ngay khi còn chưa lên đến đúng nốt mi.
Chiếc đàn của tôi đã treo lên tường được mấy hôm rồi. Ngày ngày tôi sang nhà nghe anh chơi đàn bằng năm sợi dây còn lại. Chỉ nghe thôi. Tôi không thể làm gì với cây đàn thiếu dây ấy được. Nhưng thật lạ. Những bản nhạc vẫn vang lên dưới ngón tay anh không hề thiếu nốt. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu được. Lúc ấy chỉ thấy anh buồn. Thường lén nhìn trộm tôi. Chưa có khái niệm về những tình cảm nam nữ nhưng tôi cũng bắt đầu thấy tim mình hơi loạn nhịp. Cũng chẳng hiểu sao lại thế. Anh cũng không một lời giải thích. Lại thỉnh thoảng bảo tôi nên về sớm. Thế nhưng khi tiễn tôi về bên nhà rồi anh vẫn còn nấn ná hồi lâu trước cổng.
Một tháng sau, anh nhắn tôi sang nhà học tiếp vì đã kiếm được dây đàn. Bước chân sang đến cửa, tôi chợt thấy trong nhà rất đông người. Anh chậm rãi đón tôi ngoài bậc cửa,
- Em vào đây, ngày mai anh đi rồi. Anh sẽ tìm mua dây đàn cho em!
Hóa ra chiếc đàn vẫn chưa có dây. Anh chỉ muốn mời tôi sang nhà để chào từ biệt. Tôi vẫn nghĩ anh sẽ ra nước ngoài. Quay lại Tân Đảo nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhưng không. Anh tình nguyện nhập ngũ. Cảm giác trong tôi thật xốn xang khó tả. Lấy hết can đảm, tôi ngồi lại uống nước cùng gia đình và bạn bè của anh. Anh ngồi bên tôi cười đùa an ủi,
- Anh sẽ đi vài năm rồi về. Lấy vợ sinh con. Con anh sẽ xinh đẹp, sẽ có đôi mắt to và chiếc lúm đồng tiền như em bây giờ đấy!
Sao lại thế nhỉ? Tôi xinh đẹp đến thế ư? Bố vẫn bảo tôi vừa đen vừa gầy như cái que cời than. Thỉnh thoảng tôi có lén mẹ soi chiếc gương sứt mẻ treo cạnh chạn bát. Bố tả tôi thế cũng không có gì oan uổng. Tôi giống bố đến cả nước da chiến trận chín năm kháng chiến chống Pháp của ông. Chẳng cần nhìn thì ông cũng có thể miêu tả tôi thông qua hình ảnh của chính mình.
Anh có lẽ là người đầu tiên cho tôi biết về nhan sắc của mình. Giờ thì tôi biết còn hơn thế, anh đã cho tôi niềm tin về nhan sắc ấy suốt mấy chục năm sau đó.
Tôi xin phép anh ra về. Hẹn với anh ngày về sẽ dạy tiếp cho tôi bản nhạc “Siboney” mà tôi đã chơi được khúc dạo đầu. Anh im lặng dõi theo từng bước chân tôi về bên kia phố. Nơi cây phượng già đang trút những nụ hoa đỏ cuối cùng tan tác trên lối đi. Tôi ngoảnh đầu lại. Anh vẫn đứng trên bậc thềm như hóa đá.
Thời gian vùn vụt trôi. Tôi cùng gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Tôi hầu như đã quên hẳn bản nhạc “Siboney” và người thầy đầu tiên dạy mình chơi guitar. Chỉ đến khi tôi bước chân vào giảng đường Trường Sư phạm nhạc họa mới chợt nhớ lại. Tôi tức tốc lục tìm trong thư viện nhà trường được bản nhạc ấy. Và mang ra tập. Ký ức lại cuồn cuộn đổ về. Phần dạo đầu của bản nhạc tôi chơi khá mạch lạc ngay từ những hợp âm đầu tiên. Nhưng thật lạ, tôi không bao giờ chơi được hết bản nhạc ấy. Chỉ xong phần dạo đầu là lại thấy hình bóng anh đứng bên bậc cửa phía bên kia đường dõi mắt nhìn sang. Nghiêm nghị. Tiếc nuối. Bàn tay tôi cứng lại. Trí nhớ vụt tan biến nhạt nhòa trên bản nhạc chi chít những nốt đen như đàn kiến chạy mưa. Anh đang ở đâu? Giải phóng miền Nam đã hơn một năm rồi. Anh có về lại thành phố quê nhà? Tôi vẫn bặt tin. Đến lúc ấy tôi mới lờ mờ nhận ra những rung động từ trong sâu thẳm. Lờ mờ hiểu ra lời nói đùa của anh trước lúc lên đường. “…Anh sẽ lấy vợ. Sẽ sinh đứa con gái đầu lòng xinh đẹp có đôi mắt to và chiếc lúm đồng tiền như em…!”.
Nhiều năm sau tôi ra nước ngoài học tập. Kết hôn. Và sinh ra các con tôi bây giờ. Chẳng đứa nào có cái má lúm đồng tiền như tôi cả. Hình như đó không phải là mong ước của bố chúng? Tôi vẫn bặt tin anh. Cho đến một ngày cuối đông sau giải phóng gần chục năm, có một người đàn bà lam lũ đến gõ cửa nhà tôi. Phải mất một lúc lâu tôi mới nhận ra đó là người chị ruột của anh. Chị cầm trên tay một xấp phong bì màu giấy đã ố vàng. Tôi vội vã mời chị vào nhà. Run rẩy. Có một luồng điện buốt giá chạy dọc sống lưng báo hiệu điềm không lành. Chị ngồi im lặng ngắm nhìn cơ ngơi làng nhàng của một công chức bậc thấp ở thành phố và buông tiếng thở dài não nuột,
- Chú ấy gửi thư về địa chỉ cũ nhà em mà không có ai nhận, người ta lại chuyển sang cho chị!
Tôi đón tập thư trong tay chị mà nước mắt đã bắt đầu chảy dài trên má.
Hơn ba chục lá thư tôi đọc ngấu nghiến trong khoảng nửa giờ. Trong những khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, những lá thư được viết nắn nót như lời thì thầm của anh về trận chiến vừa qua. Về quãng đường gian khổ Trường Sơn anh cùng đồng đội băng rừng vượt suối. Về ngày hòa bình òa vỡ niềm vui… Bức thư cuối cùng trên tay tôi có một vòng dây thép lăn tròn ra mặt bàn. Anh viết “Anh đã mua được sợi dây đàn cho em hôm vào tiếp quản Sài Gòn…”. Nước mắt tôi lại thêm một lần nữa rơi ướt hai vạt áo.
Chị kể, anh đã hy sinh sau ngày giải phóng ít lâu khi đơn vị hành quân qua một bãi mìn cũ còn sót lại. Bức thư có sợi dây đàn anh chưa kịp gửi. Đơn vị anh đã tìm về tận nhà trao lại chiếc ba lô với toàn bộ kỷ vật của anh cho gia đình. Giờ thì nó là kỷ vật của tôi. Sợi dây đàn ấy vĩnh viễn nằm trong ngăn trí nhớ trang trọng nhất của tôi đã nhiều năm cùng với bản nhạc “Siboney” còn dang dở.
Dù cho tác giả tâm sự rằng đây là một câu chuyện có thật thì ta vẫn dễ dàng nhận thấy một phẩm tính văn chương hồn hậu trong trẻo. Câu chuyện với một cấu trúc đơn giản, tuyến tính được kể với giọng chậm rãi, ngậm ngùi như những nốt nhạc thong thả gieo vào tâm trí bất cứ ai đã từng sống qua những tháng năm chiến tranh. Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường. Chẳng có gì là điển hình cho ai hay cái gì. Nó như muôn ngàn câu chuyện thời chiến được nhìn với ánh mắt trẻ thơ trong trẻo và rung động sâu sắc. Nó chính là những góc khuất thường nhật của cả một thời gian dài trong chiến tranh. Cuộc chiến tranh mang lại rất nhiều đau thương mất mát, nhưng ở một góc nhìn văn nghệ mà cụ thể là âm nhạc ta mới thấy những mất mát lớn đến không ngờ. Mất mát ước mơ của cả người còn sống và người đã mất. May mắn thay, ước mơ vẫn còn nằm trọn vẹn trong ký ức của một lớp người đã trải qua như một tài sản vĩnh cửu để lại cho cháu con.
--- Lời bình: Đỗ Phấn---