Được chuyển thể từ sách bán chạy tại Nhật bản, từng nhận giải Honyataishou - Giải thưởng do các nhà sách toàn Nhật Bản bình chọn lần thứ 15, Cô thành trong gương gây ấn tượng với câu chuyện đầy ý nghĩa về tình bạn, tình thân, tình yêu. Không chỉ đưa người xem lạc vào thế giới kỳ diệu trong gương cùng 7 cô cậu học trò và Ngài Sói, mà thông qua hành trình ấy, Cô thành trong gương phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối như bắt nạt, bạo lực học đường, mối quan hệ giữa thầy cô - học sinh - phụ huynh, hay tâm lý học đường.
Chuyện phim xoay quanh Anzai Kokoro, một cô bé lớp bảy gặp tổn thương nặng nề, không thể đến trường sau khi bị các bạn cùng lớp chế giễu và cô lập. Kokoro giam mình trong nhà ngày này qua ngày khác, bỗng nhiên, tấm gương ở phòng riêng phát sáng, Kokoro tò mò bước qua và gặp gỡ Ngài Sói cùng 6 người bạn tại một lâu đài nguy nga giữa biển khơi. Giống như Kokoro, 6 cô, cậu học sinh còn lại đều không thể đi học bình thường và luôn tránh né nói về chuyện tới trường. Dù được Ngài Sói giao nhiệm vụ tìm chiếc chìa khóa để nhận “phần thưởng” biến một điều ước thành hiện thực, nhưng Kokoro và những người bạn lại tận hưởng khoảng thời gian ở lâu đài, thay vì gấp gáp tìm kiếm.
Hơn cả một cuộc phiêu lưu với hình ảnh đẹp mắt, âm nhạc cảm xúc, Cô thành trong gương khiến người xem xúc động bởi câu chuyện riêng của từng nhân vật, thông qua đó thể hiện thông điệp sâu sắc. Gặp gỡ những người bạn cùng chung hoàn cảnh, Kokoro dần mở lòng, học cách chia sẻ nỗi đau của bản thân và nhận ra mình không phải người có lỗi. Thay vì thực hiện điều ước ban đầu - làm những kẻ bắt nạt mình biến mất, Kokoro chọn đối mặt với vấn đề, thẳng thắn nói về nó với phụ huynh, giáo viên để tìm ra giải pháp. Từ đó, Cô thành trong gương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm người đồng hành, ở bên lắng nghe thay vì phán xét con trẻ một cách vội vàng của cha mẹ, thầy cô.
Bên cạnh nhân vật chính - Kokoro, Cô thành trong gương cũng xây dựng hoàn cảnh riêng cho các nhân vật phụ - 6 người bạn của Kokoro. Tất cả những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường đều phải chịu những tổn thương tâm lý nặng nề đến từ bạn bè, gia đình, thầy cô và không biết cách để vượt qua, hay tự chữa lành nỗi đau ấy. Đúng như ý nghĩa của tựa đề Cô thành trong gương, lâu đài - một cô thành đơn độc giữa biển khơi là nơi nương náu an toàn cho bảy đứa trẻ, tạo nên sợi dây tình bạn bền chặt và khăng khít. Tuy nhiên, thời gian ở lâu đài cũng có hạn, những đứa trẻ sẽ phải lựa chọn giữa việc bị mắc kẹt hay đối diện với cuộc sống ngoài kia.
Đồng thời, cô thành còn mang ý nghĩa, ai cũng có một “nơi trú ẩn an toàn” cho riêng mình, một nơi để con người được suy ngẫm, nhìn nhận những khó khăn của bản thân và đôi khi là học cách chia sẻ nó với những người đồng điệu. Cô thành trong gương đem đến thông điệp, mỗi người đều không hề cô đơn trong cuộc sống này, giống như hành trình bảy đứa trẻ lạ mặt đã tìm thấy nhau, trở thành bạn tốt của nhau và còn giúp đỡ, che chở nhau để vượt qua mọi chuyện. Bộ phim hứa hẹn sẽ chạm đến trái tim của tất cả mọi người, dành cho mọi thế hệ từ học sinh, đến thầy cô, phụ huynh cùng thưởng thức để có được bài học cho riêng mình.
Đạo diễn của Cô thành trong gương là Keiichi Hara - người đứng sau những bộ phim như “Shin - Cậu bé bút chì - Gọi bão hoành tráng! Chiến quốc đại hội chiến” và “Kỳ nghỉ hè cùng Kappa tên Coo”. Nhà sản xuất A-1 Pictures từng ra mắt hai bộ phim nổi bật là “Đoá hoa ngày ấy vẫn chưa hay tên” và “Trái tim cất tiếng thét”. Không chỉ thành công ở thị trường Nhật Bản, cuốn sách Cô thành trong gương xuất bản tại Việt Nam cũng nhận về nhiều phản hồi tích cực từ các độc giả nhờ câu chuyện ý nghĩa về tình bạn và tình yêu. Tác phẩm này đã lấy đi nước mắt của 1,7 triệu độc giả.