• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển lãm Solo Nguyễn Đoan Ninh và "Những cái nhìn kỳ lạ"

Diễn ra từ ngày 8/4 đến ngày 23/4, Triển lãm Solo Nguyễn Đoan Ninh trưng bày 15 tác phẩm tranh sơn...

 Trưng bày tại tầng 2, Tòa nhà Mipec Riverside HaNoi (số 2, phố Long Biên 2 , phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội), 15 tác phẩm tranh khổ lớn trong cuộc trưng bày cá nhân đầu tiên của họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh được xem là triển lãm kỳ lạ.

Tác phẩm
Tác phẩm "Diễn" (120 x140 cm-2022) 

Điều kỳ lạ thứ nhất là tuy sinh ra trong một gia đình truyền thống hội họa và tham gia môi trường mỹ thuật chuyên nghiệp từ rất sớm (tốt nghiệp Khoa sơn mài- ĐH Mỹ thuật Công nghiệp 1998; thân phụ của ông là nghệ sỹ gốm nổi tiếng Nguyễn Trọng Đoan), nhưng đến tận bây giờ, ở tuổi 48 họa sỹ mới cho ra mắt triển lãm solo – cá nhân đầu tiên.

 Điều kỳ lạ thứ hai, nếu ai mới được nhìn thấy những bức tranh này qua ảnh khổ nhỏ, thì sẽ tưởng đây là tranh thuộc phong cách “Mạn họa” (một cách gọi tổng hợp thể loại mà tranh minh họa, biếm họa, tiếu họa, phụ họa… là những nhánh – nét trong thể loại này, rất gắn với văn học tính và ý tưởng song hành với một câu chuyện kể, các lời bình luận thực tại. Tranh thường nhỏ, lấy nét hình làm chủ đạo, khổ tranh to hơn bàn tay một chút là được).Nhưng phải khi được xem trực tiếp từng bức tranh của Nguyễn Đoan Ninh, mới thấy rằng không phải vậy. Đầu tiên là khổ tranh rất lớn (bức nhỏ nhất chiều ngang 1,2 mét, cao 1,6 mét; bức lớn nhất cao 2 mét, dài 4,8 mét), có khuynh hướng làm ta nhớ đến hội họa tranh tường Mexico từ bố cục đến cách tạo hình, phối mầu công phu...

Tác phẩm
Tác phẩm "Cùng hội không cùng thuyền" (480 x200 cm-2021)

Điều kỳ lạ thứ ba, qua trao đổi với tác giả, tuy loạt sáng tác với cảm nhận - dự đoán sớm về đời sống xã hội trên thực tế từ cái nhìn cá nhân rộng ra đối với Dịch cúm mới (Covid 19) ở nước ta. Các tranh đều được vẽ từ 2021 và những bức hoàn thành cuối cùng là đầu tháng 4/2023. Nhưng ý tưởng để sinh ra “cách nhìn kỳ lạ” này lại khởi thủy cảm xúc từ việc họa sỹ “bắc cầu vồng” va phải Trường ca “Thần Khúc” của thi hào Ý Dante Alighieri (1265-1321). (Bản Trường ca nổi tiếng thế giới này được thi hào sáng tạo trong khoảng 12 năm, từ 1308 đến 1320. Gồm 100 khổ với 14.233 câu thơ mô tả bằng triết lý du hành qua hình ảnh tưởng tượng ba tầng Hỏa ngục (địa ngục) – Luyện ngục và Thiên đường dành cho con người. Tác phẩm thơ “Thần khúc” này cũng từng lôi kéo cả một “chuyến tầu hội họa cổ điển” phương Tây với nhiều họa sỹ theo đuổi sáng tạo trên nền tảng cốt truyện).

Họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh vẽ trực họa tại phòng Triển lãm  
Họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh vẽ trực họa tại phòng Triển lãm  

Điều kỳ lạ thứ tư, tuy nhìn qua ngôn ngữ tạo hình, có thể tạm gọi là ngôn ngữ pha Siêu thực và Biểu hiện. Nhưng nhìn sâu vào chất liệu, mới thấy sáng tạo mới không nhỏ của họa sỹ. Dùng chất liệu sơn tổng hợp trên toan, nhưng tác giả lại tạo bề mặt “đắp” sợi trên bề mặt tạo hình phủ trước giấy Dó. Thế nên mới nhìn qua những nếp nhăn và mạch sợi, khán giả có thể liên tưởng đến việc tác giả vẽ như là “giải phẫu không gian” trên “cơ thể bột giấy” trải dài, hiện ra những “mạch máu sống động” không ngưng nghỉ, nửa tranh, nửa phù điêu. Việc này đem đến cho người xem một “bữa tiệc lẩu sinh động” no con mắt và sinh ra cho mỗi người những luồng cảm xúc dào dạt khác nhau. Một nét trong điều kỳ lạ thứ tư này được một số bạn bè là tay họa chuyên nghiệp, từng xem tranh trước giờ khai mạc thổ lộ là: Kiểu tranh như thế này, xem xong có muốn vẽ lại cũng bó tay, có muốn chép cũng… “chép bằng mắt” mà thôi!

 Điều kỳ lạ cuối cùng, mà giới bình luận mỹ thuật Việt dự đoán sẽ tạo nên giá trị đích thực dài dài sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của một họa sỹ trung niên, sắp đến tuổi “ngũ thập” này là những cái nhìn đầy chất hiện sinh đương đại đối với thực tại của ông. Vừa bám sát hiện thực tung tẩy, vừa “bắc cầu vồng” với quá khứ văn hóa truyền thống trong lịch sử dân tộc và thế giới. Ngoài ra còn là sự hướng tới tương lai bằng những luồng sóng cảm quan “sinh động đậy” dẻo dai, tươi tắn, nhiều sinh khí ôn nhu mà vui vẻ… có một không hai.

 

P.V

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật