Trước sức nóng của các kỳ thi vào cấp 3, nhiều phụ huynh cho con chạy "sô" học thêm từ sớm để có thể tranh một suất vào ngôi trường mong muốn. Là admin nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, anh Ngô Huy Trung (Hà Nội) cũng thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi về việc tư vấn địa chỉ học thêm các môn, đặc biệt là Toán, Anh và Hóa. Tuy nhiên anh cho biết, thông thường thì phụ huynh chỉ đưa ra các thông tin chung chung, rất khó để xác định.
Theo anh Trung, để có thể lên kế hoạch tốt nhất cho các con, chúng ta cần phải xác định rõ các yếu tố sau:
1. Trình độ và năng lực của con hiện tại:
Về trình độ, không khó để kiểm tra. Các đề thi, kiểm tra phù hợp các cấp độ khá nhiều, bố mẹ có thể cho các con làm. Ngoài ra thì việc đi thi thử, test thử tại các trung tâm, các kỳ thi giao lưu cũng là cách hay để xem trình độ con mình đang ở đâu.
Tuy nhiên, anh Trung cho rằng, phụ huynh đừng quá phụ thuộc vào điểm tổng kết ở trường - lớp bởi không phải điểm nào cũng là điểm phán ảnh năng lực thực của con. Minh họa rõ nét nhất là sự khập khiễng của điểm tổng kết với kết quả thi vào 10 hay thi tốt nghiệp THPT hàng năm.
Về năng lực sẽ có phần khó hơn. Có 2 "trường phái": Một là đề cao quá - dẫn đến đặt nhiều kỳ vọng và sức ép cho con; hai là chuyên "dìm hàng" con - dẫn đến việc cả bố mẹ và con cái đều không còn động lực phấn đấu. Cả hai "trường phái" đều không tốt. Trường hợp này, cha mẹ có thể nhờ các thầy cô có nhiều kinh nghiệm hoặc đã tiếp xúc, giảng dạy con trong quá trình lâu dài đánh giá tham khảo, kết hợp với nhận định chủ quan của gia đình.
Ảnh minh họa |
2. Mục tiêu, định hướng dài hơi
Anh Trung cho rằng, căn cứ vào năng lực, trình độ hiện tại cũng như đam mê, sở thích cá nhân con và điều kiện gia đình thì mỗi người sẽ có một mục tiêu định hướng khác nhau.
"Mình khá ngạc nhiên khi nhận được câu hỏi: Anh ơi, em định cho cháu học hệ CAM (Hệ Cambridge hay chương trình Cambridge là một chương trình được thiết kế bởi Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge trực thuộc Đại học Cambridge) ở trường X, có ổn không ạ? Mình hỏi mục đích phụ huynh cho cháu học hệ CAM là gì? Định hướng cấp 3, đại học ra sao... thì họ lại không rõ. Phụ huynh chỉ nôm na nghĩ học hệ song bằng thì giỏi thêm cả tiếng Anh và thấy nó "hot" quá thì cho con học.
Hoặc có gia đình dự định cho con theo chuyên Hóa, nhưng không hề rõ hay tìm hiểu xem học chuyên Hóa cấp 3 rồi thì đại học thế nào, ngành nghề gì, du học hay trong nước... Nói chung khá mơ hồ, dẫn đến việc sẽ không có định hướng và mục tiêu dài hơi cho con, mà theo kiểu bị động nước nổi - thuyền nổi sẽ rất vất vả để thích nghi", anh Trung chia sẻ.
3. Kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn (lớp)
Sau khi có (1) và (2) thì mới có thể xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn cụ thể. Lý tưởng nhất là môn nào cũng giỏi, "nhạc nào cũng nhảy". Còn nếu năng lực và thời gian có hạn, gia đình nên cần xác định các ưu tiên hợp lý để thực hiện.
Vì mỗi một mục tiêu và từng bạn khác nhau sẽ có các kế hoạch khác nhau, không ai giống ai cả nên không có công thức chung áp dụng. Ai đó có thể nói "lớp 9 học ôn chuyên Lý cũng kịp, vài tháng là xong..." thì đó là họ đã làm được. Mà có lẽ từ vài năm trước rồi, chưa chắc con bạn áp dụng được. Chưa kể nội dung hàng năm còn thay đổi theo xu hướng ngày càng khó.
Anh Trung đưa ra 1 số ví dụ để tham khảo:
Với các bạn xác định không thi chuyên Toán cấp 3: Lớp 6 - 7 không cần quá "cắm đầu" vào Toán khó và các kỳ thi giao lưu làm gì. Học thêm (nếu có) tuần 1 buổi để đảm bảo nắm chắc chắn và vận dụng tốt kiến thức cơ bản trên lớp, làm được 80% bài tập trong sách "Nâng cao & phát triển Toán" là tốt.
Nôm na cứ làm sao thi học kỳ tự làm lần đầu được 9 là tốt. Thời gian dư để đọc sách truyện, chơi thể thao và đầu tư tốt cho tiếng Anh và nếu thích thì tìm hiểu dần về môn chuyên định hướng của mình. Lớp 8 - 9 tùy mục tiêu chính của cấp 3 mà có kế hoạch cụ thể hơn.
Nếu chỉ thi Chuyên Sở (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây) thì tiếp tục học Toán như lớp 6 - 7 là được. Còn nếu định thi Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm hay Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thì mới cần học Toán "nâng cao" - gọi là Toán điều kiện.
Một ví dụ nữa mà các bố mẹ cũng dễ hay mắc phải: "Uống rượu mạnh giải khát". Thấy con học kém Toán, chưa tìm hiểu rõ tình trạng và nguyên nhân, ngay lập tức cho con đi học Toán của các thầy giáo nổi tiếng. Nhưng lớp thầy đang dạy là Toán chuyên dành cho các bạn học sinh giỏi Toán, con mình đang mất gốc cơ bản lại cố xin ngồi vào đó thì chỉ có vịt nghe sấm, làm con càng sợ Toán hơn - chắc chắn là phản tác dụng.
Tóm lại, thầy cô dù giỏi như siêu nhân nhưng cũng không phải thần dược chữa bách bệnh. Mỗi người cần xác định rõ và tự xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể. Và tất nhiên là cần sự đồng hành cùng quyết tâm của bố mẹ và các con trên từng... cây số.
Anh Trung cũng cảnh báo, phụ huynh cần tỉnh táo vì mạng xã hội thật ảo lẫn lộn khó phân biệt. Trong các hội nhóm, có rất nhiều nick ảo "chim mồi" ca ngợi, lôi kéo và tâng bốc quá mức về ai đó. Nhiều tài khoản mạng xã hội còn đóng giả phụ huynh để "chat" tâm sự, lôi kéo học sinh.
Nguy hiểm hơn, có nhiều trường hợp (thầy cô, trung tâm...) trước thì tốt thật, nay "bớt" nhiều rồi. Cần phải là người trong cuộc thực sự mới may ra hiểu rõ được nhưng nhiều khi vì tế nhị nên lại không nói ra - kết quả là những người mới lại lao vào.
Một trường hợp cá biệt thành công không đại diện cho số đông. Ví dụ chúng ra rất dễ nhìn thấy các bình luận như: "Thầy C. tốt lắm, con mình học mỗi thầy mà thi đỗ cả 3 trường Chuyên...". Cứ coi là trường hợp có thật, cũng chỉ để nói lên thầy C. đó có đủ trình độ để dạy học sinh đỗ Chuyên thôi, chưa thể khẳng định là con mình làm theo y hệt thế thì sẽ thành công tương tự.
Tuy nhiên, có đến 100 người thật việc thật khẳng định điều đó thì cũng đáng tin (tuy vậy có hợp với con mình hay không thì còn phải thử mới biết được).