Tối muộn, phòng trọ 30m2 ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) của mấy đứa trẻ người Mông vắng hơn mọi khi. Nơi này cách một khu công nghiệp lớn nhất Bắc Giang, một tỉnh Tây Bắc Hà Nội, vài trăm mét. Bình thường, có khoảng 15 đứa chen chúc, hôm nay chỉ còn gần chục đứa. Bữa cơm của lũ trẻ là một đĩa trứng rán, đĩa rau luộc. Không ai trong số này tiêu quá 1 triệu đồng một tháng.
Theo Điều 143 Bộ Luật lao động Việt Nam, “Lao động chưa thành niên (LĐCTN) là người lao động chưa đủ 18 tuổi”.
Những lao động chưa thành niên trong bài đều đến từ các địa phương miền núi, giáp biên, đời sống khó khăn |
I. Một cuộc thanh lọc
Tháng 4 năm 2022
Vàng A Thang (quê ở xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, Hà Giang), mới “làm công ty” hơn một tuần. “Làm công ty” là một cụm từ chung, chỉ việc đi làm ở các khu công nghiệp (KCN) thành phố lớn, bất kể làm công việc gì, có ký hợp đồng không.
Mỗi sáng, Thang cùng đồng nghiệp bắt đầu từ 7h sáng, làm liên tục tới 7h tối, nếu đủ sức, cậu có thể làm tới 9h tối, hoặc làm cả ca đêm từ 8h tối tới 8h sáng hôm sau, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Công việc chính là làm phụ kiện vỏ điện thoại. Làm bao nhiêu giờ nhận lương bấy nhiêu. Thang áng chừng mình 16 tuổi. Trên sổ hộ khẩu mẹ Thang đưa, khi chúng tôi tìm đến tận nhà cậu ở Hà Giang, Vàng A Thang sinh năm 2006. Thời điểm gặp Thang lần đầu, cậu còn vài tháng nữa mới đủ 16 tuổi.
Từ cuối tháng 3/2022, công ty Thang bắt đầu tiến hành "cuộc thanh lọc" các lao động chưa đủ 18 tuổi. Bọn trẻ không rõ nguyên do, nhưng thông tin trên báo chí cho hay, Sở LĐTB&XH Bắc Giang thời điểm đó đang yêu cầu rà soát lao động trẻ em trên toàn huyện Việt Yên.
Các công nhân sinh năm 2007 ở công ty này đều bị thông báo chấm dứt công việc đột ngột. “Phải nghỉ cả một “lai” (Line: một bàn công nhân ngồi sản xuất-PV). “Lai” đó giờ còn không có người ngồi”, Vừ Mí Sính, một công nhân sinh năm 2006, cho biết. Tháng sau đó, công ty cho nghỉ dần cả những người sinh năm 2006, hai bạn nhỏ tuổi nhất phòng, sinh năm 2007 cũng đã nghỉ và đi tìm việc chỗ khác sau một tháng đi làm. “Công ty bảo mấy người đó về tạm, khi nào có việc lại gọi lên, họ vẫn giữ tiền lương vì bảo là làm chưa đủ, chỉ cho một triệu để về thôi”, Vàng A Thang bổ sung.
Tình trạng tận dụng những lao động chưa đủ 18 tuổi này, chỉ xảy ra ở những công ty nằm rìa KCN. Nhưng có hề gì, vì với những đứa trẻ, chúng đều là “làm công ty” cả. Ở chỗ Thang làm, số lao động dưới 18 tuổi chiếm 10% tổng số công nhân. Ngoài đến từ Hà Giang, LĐCTN còn tới từ Mường La (Sơn La), Tủa Chùa (Điện Biên), hầu hết đều ở các huyện vùng núi xa nhất, khó khăn nhất.
Bữa cơm trong phòng trọ những lao động chưa thành niên ở Việt Yên (Bắc Giang) |
Phòng trọ của Thang chia làm bốn góc, 3 bạn nữ một góc, số còn lại mấy cậu con trai lộc ngộc chia nhau chỗ nằm, đa phần đều sàn sàn sinh năm 2005-2007. Giàng Mí Dính, sinh năm 2007, người xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn, Hà Giang), đi cùng chị gái sinh năm 2005. Tháng 4/2022, cả 2 chưa đủ 18 tuổi, đều làm thời vụ. Cô bé vẫn mặc chiếc váy Mông xuống nơi đô thị, tiếng phổ thông ngọng nghịu. Mỗi tuần, Dính tính làm được khoảng bốn công, ấy là em nghe quản lý công ty bảo vậy, chứ hàng ngày cả hai cô bé cũng chỉ biết dậy sớm và ngồi vào bàn, cắm cúi dán và gắn như hướng dẫn. Cô cũng đã làm hỏng mấy cái, bị quát mắng nhiều, nhưng Dính hồn nhiên bảo may mà người ta không bắt đền, chứ có bạn làm trước đó dán hỏng cả một “lay” (một "lai", hay Line), “bị đuổi mà chả có tiền đâu”. Mấy đứa trẻ hầu hết đều đến xin việc theo lời chỉ của ai đó, tay trắng vào công ty, người quản lý sẽ ứng vài trăm ngàn tiền xe khách, tiền chi tiêu trước, rồi bọn trẻ sẽ làm việc trừ nợ dần.
Mua Mí Pó (xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn), sinh năm 2005, thời điểm 2022 vẫn chưa đủ 18 tuổi, lúc chúng tôi tới đang nằm nhà nghỉ ốm. Từ sau Tết 2022, Pó mới làm được vài công thì chảy máu mũi, cậu bé nói vẫn làm được, nhưng anh quản lý bảo cậu nghỉ luôn đi. Mấy tháng đi làm, tổng số tiền Pó nhận được là 2 triệu 6, trừ đi 1 triệu ứng trước để trang trải tiền nhà, tiền ăn, Pó chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Người ta trả lại cậu căn cước để cậu đi khám bệnh, nhưng cậu chưa đi, cả ngày chỉ ngồi trong nhà ăn mì tôm cho đỡ tốn kém. Mấy anh em trong phòng đều nói, xưởng làm việc dù đã có hai máy điều hoà nhưng nóng lắm, đến cả mấy cậu lớn hơn, to khoẻ hơn mà còn ngột ngạt không chịu được, nói gì đến cậu bé gầy gò này.
Tháng 10 năm 2023
Thang gọi cho chúng tôi (PV), nói đang chuẩn bị tiền để về nhà đón Tết. Nhưng tiền của Thang, chỉ có vỏn vẹn 700 ngàn. Một năm qua Thang đi 3-4 KCN tìm kiếm việc làm, mỗi chỗ làm một vài công, chỉ đủ tiền ăn và thuê trọ. Địa phương đang giục cậu trở về làm căn cước công dân. Nếu mua vé xe về, cậu sẽ chỉ còn 400 ngàn. Cậu vẫn chưa đủ tuổi để có thể ký hợp đồng bất cứ đâu. Tết đầu năm 2023, Thang còn phải vay tiền để mua vé xe về nhà.
Những đứa trẻ khác trong khu trọ cũng không hơn gì. Mua Mí Pó, sau một thời gian về quê, đã đủ 18 tuổi, cậu đã được ký hợp đồng như một người trưởng thành. Dù chỉ cao hơn 1m50, thân hình gầy gò, cậu vẫn vui vì mình có thể có việc làm, vẫn là việc dán tape điện thoại. Thi thoảng cậu vẫn ho. Không sao! Cậu hy vọng năm nay sẽ mang được vài triệu về nhà, có thể mua một con bò, để bù con bò đã bán khi dịch Covid-19 thiếu ăn.
Chị em Giàng Mí Dính đã rời Bắc Giang sang một KCN khác ở Bắc Ninh, vẫn đang làm công việc thời vụ. Tiếng Kinh của Dính đã tốt hơn. Nhưng dù sao, công việc cả ngày ngồi trên “lai” cũng không cần phải nói nhiều lắm.
Phòng trọ lại có những đứa trẻ mới, vẫn ở độ tuổi ấy 15-16 ấy, thậm chí chúng còn chưa nói sõi tiếng Kinh. Chỗ cho thuê trọ này chẳng xa lạ gì những đứa trẻ kiểu đó.
II. Những lao động trốn nhà
Nhà Vàng A Thang ở một trong hai thôn nghèo nhất, đường vào khó nhất ở Lũng Hồ. Lối lên sâu hun hút giữa những rừng đá tai mèo nhọn hoắt, nếu trời mưa, chỉ có cách đi bộ gần chục cây để lên tới bản. Mấy năm nay ngân sách huyện dồn cả vào chống dịch, mấy con đường lên bản lại càng gập ghềnh.
Cả gia đình sáu miệng ăn, mỗi năm chỉ có 2 tạ ngô, thêm gạo cứu đói, gạo nuôi hai đứa bé nhất theo tiêu chuẩn trường dân tộc bán trú còn thừa mang về, thì mỗi năm cả nhà cũng vẫn 2-4 tháng đói. Gia tài lớn nhất và có khả năng đem lại thu nhập nhất là một con bò còi cọc, được định giá 7-8 triệu. Mọi năm, người Lũng Hồ vẫn còn có chợ biên giới, thi thoảng mang bò ra chợ bán cũng được một khoản tiêu dè cả năm. Nhưng mấy năm nay chợ đóng cửa, giá bò chỉ còn một nửa, trong khi giá phân bón thì tăng gấp đôi. Mùa ngô này, nhà Thang phải bán con bò để lấy tiền mua phân bón.
Gia đình Vàng A Thang ở thôn xa nhất huyện Yên Minh (Hà Giang). Lao động chính trong nhà đã xuống thành phố hết. |
Vàng A Thang vốn là học viên hệ vừa học vừa làm của một trường dạy nghề, được nhà trường nuôi gạo hằng tháng. Hai đứa em cũng được trường bán trú nuôi cơm. Anh trai lấy vợ ra ở riêng. Nhưng đầu năm 2021, bố Thang bị ngã, ảnh hưởng tới xương cột sống, nên hiện tại ông chỉ nằm nhà, không làm được việc gì. Cùng lúc ấy, Covid-19 bùng phát, các trường học đóng cửa cách ly, Thang phải trở về nhà. Anh trai Thang cũng quay về, do người vợ đã bỏ đi vì nhà quá nghèo. Cả gia đình phải gồng gánh thêm 3 miệng ăn, mọi thứ trở nên bế tắc. Địa phương không có việc, ruộng nhà thì ít. Vùng núi Hà Giang nơi nhà anh em Thang ở là toàn đá, ngoài cây ngô, lúa phát triển rất hạn chế, gia đình cũng không thể khai hoang. Sau gần một năm nằm nhà, hai anh em Thang ôm mấy chiếc áo rồi trốn mẹ bắt xe đi tìm việc.
Trường học của Thang cũng đã bắt đầu đi học trở lại từ giữa năm 2022, nhưng Thang đã bỏ học hẳn. Dù nhớ nhà, lứa tuổi 16 như Thang, đã là một lao động chính trong gia đình người Mông. Cậu cần mang tiền về cho mẹ, như cậu nói, đó là điều hiển nhiên. Không thể thu nhập cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi một người anh, chỉ hơn cậu 3 tuổi.
Căn nhà của gia đình Vàng A Thang ở Lũng Hồ (Yên Minh, Hà Giang). Thu nhập của gia đình không quá 12 triệu/ năm. |
Cách Lũng Hồ không xa, xã Đường Thượng cũng có không ít lao động vị thành niên rời địa bàn. Ông Nguyễn Tiến Duy, Phó Chủ tịch UBND Đường Thượng thừa nhận rằng khó quản lý lượng lao động này: “Lao động lên xã lấy xác nhận nếu chưa đủ tuổi chắc chắn chúng tôi không đóng dấu, nhưng các em đi trốn thì đến cha mẹ các em còn không nắm được chứ nói gì xã”.
Trường THCS Dân tộc nội trú Đường Thượng không lạ gì chuyện những đứa trẻ lớp 8, 9 bỏ học theo người lớn xuống thành phố tìm việc. Năm 2022, khi trường vừa được mở cửa trở lại sau đợt dịch Covid, 3 em học sinh đã bỏ học theo xe khách tính về xuôi làm việc. Cả thầy cô giáo lẫn cán bộ xã ra chặn đầu xe thuyết phục năn nỉ, mấy cậu học trò mới quay lại. Nhưng ông Duy cũng nói, không phải lúc nào cũng biết mà khuyên nhủ, nhất là với lứa đã học xong lớp 9, các em cần công việc. Ông Duy bổ sung, “Người lớn về xuôi, trẻ con cũng tìm cách đi theo”.
Xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn thì có con số LĐCTN đang về xuôi cụ thể hơn. Chủ tịch xã Ly Mí Pó ước tính có hơn 20 em ở lứa tuổi 15-18 đi làm ăn xa: “Thôn Há Đề có 3 em, Tia Súng 2 em, Tùng Tỉnh có 3 em, còn lại rải rác các thôn”. Như thôn Tùng Tỉnh có Giàng Mí Dính (sinh năm 2007) cùng chị gái Giàng Mí Sính (sinh năm 2005), Tia Súng có Mua Mí Pó (sinh năm 2005), tất cả đều trốn gia đình xuống thành phố khi chưa đầy 16 tuổi. Nhà Mua Mí Pó có 6 miệng ăn, Pó đang là con trai lớn nhất.
Theo điều 144 của Luật Lao động, các LĐCTN đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ cũng như cần có ký hợp đồng thời vụ đầy đủ với các em. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với người giám hộ trực tiếp của nhiều LĐCTN, phụ huynh các em thậm chí còn chẳng biết công ty đó tên gì. Trong câu chuyện với các gia đình Vàng A Thang, Vừ Mí Sính, Mua Mí Pó, Giàng Mí Sính… họ đều chỉ biết con mình đi làm việc khi đứa trẻ đã xuống tới công ty và gọi về nhà. Khi được hỏi có lời nhắn gì tới con không, mẹ của Thang bật khóc gọi con về: “Mày mà không về thì mẹ bỏ đi đấy” - bà nói ngắt quãng bằng tiếng Mông, chúng tôi được anh cán bộ xã phiên dịch lại.
Thu nhập chính của những hộ dân người Mông ở quê Vàng A Thang là trồng ngô |
III. Thông ca làm đêm và ước mơ 7 triệu
Tháng 8/2021, trong đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ Việt Nam, cửa ngõ Hà Nội Xuân Mai đón một tốp công nhân từ Đông Anh, đi bộ về quê và bị kẹt lại ở chốt chặn. Đó đều là những cậu bé mới 16-18 tuổi. “Già đầu” nhất là một cậu bé 17 tuổi rưỡi, còn thì toàn những đứa trẻ chưa thành niên đánh liều từ Tả Phìn (Tủa Chùa, Điện Biên) tìm cơ hội kiếm tiền. Nhưng nằm suốt một tháng vì giãn cách, tới khi trở về, đứa thì nợ 600 ngàn, đứa thì bị chủ trừ hết sạch tiền ăn ở, đứa nhiều nhất có 500 ngàn sau suốt 2 tháng gánh gạch tím vai. Cả nhóm chỉ có cách bàn nhau đi bộ về quê, cách Hà Nội gần 500km. May sao, mới đi được vài chục cây thì mấy cậu bé gặp chốt chặn cách ly. Nằm cách ly hai tuần ở Xuân Mai, đứa nào cũng mặt mũi thất thần. Thào A Dì, Thào A Sính, Thào A Lềnh, lúc đó vẫn còn khoác áo đồng phục THCS trên người, bảo: “Chắc em không đi nữa đâu. Sợ rồi”. Nhưng năm nay, khi chúng tôi tìm đến Tủa Chùa, chỉ còn Thào A Dì vẫn còn đi học - vì dù sao Dì cũng “mới” là hộ cận nghèo. A Sính, A Lềnh - những hộ nghèo lâu năm - đã lại tiếp tục khăn gói về xuôi, tìm tới KCN Bắc Ninh kiếm một cơ hội việc làm rồi.
Từ Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…, những cuộc ly hương về tới đồng bằng tìm kiếm thu nhập ở các nhà máy, công xưởng của những đứa trẻ non nớt ngày một đông. Trong báo cáo điều tra quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE) lần thứ 2 (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)), công bố năm 2020, Việt Nam có gần 520.000 LĐTE tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Số giờ làm việc của LĐTE làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần. Chưa từng có một thống kê về những LĐCTN trong các công xưởng khu vực các nhà máy, khu công nghiệp. Lượng lao động này đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.
Kéo nhau về các công xưởng cũng với tên gọi mỹ miều “làm công ty”, nhưng rất ít đứa trẻ được biết hết quyền lợi mình cần được hưởng. Những LĐCTN đa phần được phân công làm công việc dán tape điện thoại - phần lá đồng chứa đường dẫn truyền tín hiệu điện thoại. Công việc không đòi hỏi trình độ cao, chỉ cần làm quen tay. Cũng có em làm việc lâu năm, khi thuần thục có thể chuyển tới bộ phận cao hơn, lương tốt hơn. Vàng A Thang nói chưa ngồi lâu thế bao giờ, cổ đau buốt, cột sống mỏi nhừ.
Trong phụ lục danh mục 21 nghề dành cho người từ 15 tuổi tới 18 tuổi có thể làm thêm giờ, và 2 ngành nghề được làm việc vào ban đêm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành, không có hạng mục lắp ráp linh kiện điện tử. Nhưng những LĐCTN như Dính, Pó, Thang đều chỉ trông chờ vào những lần tăng ca để có thêm thu nhập. Công ty không phân chia công việc theo độ tuổi, chỉ có làm chính thức và làm thời vụ. Đứa nào cũng tăng ca và làm đêm, chỉ cần sức khoẻ cho phép. “Người ta hứa có thể được 9 triệu, nhưng em chưa gặp ai được chín triệu. Có mấy anh được bảy triệu”, Giàng Mí Pó, một cậu bé sinh năm 2006, quê ở Đường Thuợng (Yên Minh, Hà Giang) cho biết. Pó đã làm ở đây một năm rưỡi, nhưng cũng chỉ 2-3 tháng cố gắng cật lực mới được 6,5 triệu. Đó là những tháng cậu gửi được chút ít về cho gia đình. Công việc nghe thì đơn giản, nhưng hoá ra rất mệt mỏi. Mỗi ca là 10 tiếng liên tục, buổi trưa có 1 tiếng ăn trưa, buổi tối có nửa tiếng ăn tối, không có nghỉ giữa chừng, đứng lên quá 10 phút là bị trừ công. Lũ trẻ không biết phân phối sức, có khi làm tới chảy máu mũi như Mùa Mí Pó, cũng có đứa làm liên tục hai ngày rồi cả hai ngày tiếp theo mệt lả nằm ở nhà, mắt rũ xuống vì buồn ngủ.
Đương nhiên, những đứa trẻ cũng ngơ ngác khi nhắc đến hợp đồng. Cả phòng trọ 15 đứa trẻ, chỉ có một đứa có căn cước công dân. Chúng tôi xác định độ tuổi trên những cuốn sổ hộ khẩu khi gặp gia đình các em. Trong cuộc nói chuyện gần nhất với Vàng A Thang, cậu cho hay, sau 1 năm xuống thành phố, Thang mới được gọi về xã làm CCCD.
***
Không có cách nào ngăn chặn những cuộc ly hương của lũ trẻ. Ở độ tuổi 15-16, những cậu bé người Mông đã được coi là lao động trong nhà. Nhưng trong điều kiện tư liệu sản xuất hạn chế, chúng không có đủ cả việc làm lẫn thu nhập trên quê hương. Các trường dạy nghề lại không thể đáp ứng nhu cầu, bởi trong mấy năm học nghề, ai sẽ là người nuôi gia đình, và chi trả các chi phí cho các em?
Trước cửa một công ty có sử dụng lao động chưa thành niên ở Bắc Giang |
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Sủng Trái là 15 triệu/ năm. Đó là con số tính gộp cả những số lần nhà nước cứu đói, những con bò nằm từ các dự án từ thiện, chứ người dân xã này thì ngay lúc này đây, vẫn đang trông chờ vào "gạo đói" - một cách gọi gạo cứu trợ của huyện vào 2 tháng giáp hạt, chỉ tiêu 15kg/ người. Xã Đường Thượng cũng không khá hơn, năm 2021 thu nhập đầu người chỉ còn 12 triêu/ năm. Đối với những đứa trẻ mới lớn, đi làm thuê còn gần như là con đường duy nhất để kiếm ra tiền, khi mà ở nhà, chính bố mẹ chúng cũng đang vật lộn với từng bữa ăn. Dù không phải đứa nào cũng gửi được tiền về cho bố mẹ, nhưng ít nhất, chúng sẽ không trở thành gánh nặng ở ngay trong ngôi nhà mình.
Số tiền kiếm được, bọn trẻ trả 2-300 ngàn tiền nhà. Những nhà trọ kiểu này hầu hết đều tạm bợ. Tiền ăn và chi tiêu gói gọn trong một triệu. Thú giải trí duy nhất là đi dạo quanh khu trọ và thi thoảng quay vài clip lên Tiktok. Mọi nhu cầu của chúng được tối giản. Nếu không tăng ca để được ăn cơm công ty, các em nấu mì tôm, hoặc nấu một nồi cơm với bát canh rau, vài quả trứng rán. So với mâm cơm toàn mèn mén hay chỉ một nồi canh rau cải ở nhà, bữa cơm có trứng của hơn chục đứa trẻ vẫn được xem là tươm tất.
Trong cuộc gặp 2 cậu bé lớp 9 của một trường Phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Đồng Văn (Hà Giang), cả hai bảo còn một tháng nữa là tốt nghiệp. Chúng tôi hỏi cả hai có đi về xuôi làm việc không, cả hai đều dứt khoát: “Có”....
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF:
Trên thế giới, có tới 160 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó gần một nửa đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua tỷ lệ lao động trẻ em có dấu hiệu tăng do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Ở Việt Nam, theo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần thứ 2 do ILO, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện, năm 2018, có 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5-17, tương đương 1,1 triệu là lao động trẻ em, trong đó có một nửa đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Còn theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF phối hợp thực hiện cho thấy có tới 6,6% số trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em).
Có sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái với tỷ lệ trẻ em trai (6%) thấp hơn trẻ em gái (7,1%); trẻ em ở khu vực nông thôn (7,6%) tham gia lao động trẻ em nhiều hơn trẻ em ở khu vực thành thị (4,4%). Sự khác biệt được quan sát thấy ở những trẻ em có hoàn cảnh khác nhau. Trẻ em không đến trường tham gia lao động cao hơn. Trẻ em trong các hộ gia đình nghèo hơn, trẻ em có mẹ có trình độ học vấn thấp hơn cũng như trẻ em ở các nhóm dân tộc thiểu số tham gia lao động trẻ em nhiều hơn.