Một cô em tôi vừa lấy chồng cách đây không lâu. Cô không chắc đó có phải là tình yêu hay không nhưng cậu ấy rất chiều chuộng cô, làm cho cô cảm thấy mình được yêu thương.
Điều mà cô không thể tìm thấy trong cái gia đình bất toàn của mình. Ba mẹ cô lục đục từ nhỏ. Ba cô thường hay say xỉn. Điều đó ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý của một đứa trẻ. Nó tự ti về bản thân cùng cực.
Và rồi khi lớn lên, cô yêu một chàng trai. Đó là mối tình đầu của cô. Cô chỉ biết dâng hiến hết con tim mình để được yêu trở lại. Nhưng chàng trai ấy lại không ngừng so sánh cô với những cô gái sexy, giỏi giang hơn. Anh ta chỉ làm cô cảm thấy thêm tự ti. Và nhất là, anh ta lại bỏ rơi cô để chạy theo một cô gái như vậy.
Khi đi làm, cũng vì tự ti, luôn sợ mình cư xử không phải mà cô luôn im lặng khi người khác ức hiếp mình. Im lặng không phải vì cô nhường nhịn mà bỏ qua. Sự im lặng này chỉ là một sự bất lực của bản thân. Vì cô luôn mang cho mình sự yếm thế.
Cô lấy chồng như một cứu cánh của cuộc đời mình.
Mệt mỏi vì đời sống, muốn được yêu thương, được chiều chuộng, được nhõng nhẽo, được an toàn mà quyết định ở bên người đến đúng lúc.
Và rồi cô bắt đầu bung tỏa. Cô xem đây là nguồn sức mạnh của mình. Cô không cần gì hết. Cô tách rời những người đồng nghiệp như thể không muốn dính líu gì đến họ mặc dù cô sẽ phải đồng hành cùng họ rất lâu.
Nhưng trong sâu thẳm là một sự bất ổn. Cô vẫn nhận ra mình yếu đuối biết bao nhiêu. Và rồi khi con cô chào đời, làm sao cô có thể dạy cho nó về sức mạnh tự thân?
Có câu chuyện về một người đàn bà mất con. Hằng ngày bà đều khóc đến điên dại mà muốn quyên sinh. Một ngày bà hỏi Đức Phật có thể đem con trai bà trở lại? Đức Phật bảo: “Tôi có thể cứu sống được con bà, bà Gotami ạ. Nhưng trước tiên bà phải đem cho tôi một thứ này. Hiện tại tôi cần hạt giống của cây Mù tạc để làm thuốc. Tuy nhiên, nó phải được lấy từ một nhà chưa từng có người chết!”.
Thế là bà gõ cửa từng nhà. Nhưng ai cũng nói với bà rằng chồng họ mất, con họ chết, cha họ qua đời, mẹ họ đã hỏa thiêu.
Bà nhận ra những người thân của ta rồi ai cũng sẽ rời xa ta. Và chính ta cũng sẽ rời xa cõi đời này. Ta đến thế giới này một mình và khi ra đi cũng vậy. Chỉ có thể tiếp tục sống mà thôi. Sống một cách an lạc và hạnh phúc cho dù bao nhiêu người đến đến đi đi trong cuộc đời.
Như vậy thì, sức mạnh của ta là thứ mà ta chỉ có thể tìm thấy ở chính mình. Chẳng ai có thể cho ta được điều đó. Chồng ta cũng chẳng cho ta được.
Khi một đứa trẻ rời cái vòng tay bao bọc của cha mẹ nó, nó phải tự lớn lên giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp ngoài kia. Cha mẹ nào có thể sống cả đời với nó? Huống chi là chồng. Chắc gì ta và họ đã có thể nắm tay nhau đi qua hết kiếp này?
Ta chỉ có thể tự tôi luyện sức mạnh cho chính mình. Sức mạnh đâu có nghĩa là cực đoan xa lánh mọi người mà ta cảm thấy vấn đề. Mà có khi ta chỉ cần dừng lại, bình tâm suy nghĩ và nhìn nhận lại mọi thứ. Có thể họ không hề cố ý tổn thương ta. Có thể họ chỉ muốn góp ý cho ta nhưng cái cách mà họ góp ý không phù hợp với ta, ta cảm thấy họ chĩa mũi dùi tấn công mình.
Ta nhìn sai nên hiểu sai. Ta hiểu sai nên phản ứng sai.
Ta chỉ cần hiểu mình và hiểu người hơn một tí, bao dung hơn một tí. Đó chính là nguồn sức mạnh mà ta có thể trau dồi để trưởng thành hơn trong từng ngày.
Biết đối nhân xử thế hơn một chút, ta sẽ nhận ra cuộc đời không khó như là ta tưởng.
Cuộc sống mỗi ngày trôi qua đều có vấn đề. Nếu không biết cách giải quyết, ta sẽ tự làm đau chính mình. Khi con nhím xù lông để tự vệ thì chính nó đã đau trước tiên.
Và em biết không, khi con em chào đời, hãy dạy con mình sức mạnh của lòng bao dung. Nó có trong trái tim của mỗi người. Ta không cần phải đi tìm sự cứu rỗi ở nơi xa xôi nào.