Các vaccine COVID-19 hiện nay đều cần được bảo quản lạnh ở nhiệt độ thấp. Điều này khiến những người sống ở vùng xa xôi với nguồn lực hạn chế khó có thể tiếp cận.
Trong nỗ lực vượt qua rào cản này, các kỹ sư nano tại Đại học California San Diego (Mỹ) đang phát triển một loại vaccine được tạo ra bằng cách sử dụng virus từ thực vật hoặc vi khuẩn và có khả năng chịu nhiệt.
Theo Nicole Steinmetz, giám đốc Trung tâm kỹ thuật nano miễn dịch ở Trường Jacobs thuộc UC San Diego, công nghệ vaccine của chúng tôi là ổn định về nhiệt độ, nên có thể dễ dàng tiếp cận những nơi không thể lắp đặt tủ lạnh nhiệt độ siêu thấp, hoặc các điểm mà xe tải trữ lạnh không tới được.
Một lợi thế khác là vaccine được phát triển dựa trên thực vật hoặc vi khuẩn.
Theo VTC, hiện vaccine này vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhưng các thử nghiệm trên chuột cho thấy vaccine thúc đẩy sản sinh một lượng lớn kháng thể vô hiệu hóa ncoV.
Các nhà nghiên cứu hy vọng họ sẽ sớm hoàn thiện sản phẩm để có thể thử nghiệm vaccine trên người nhằm kiểm tra hiệu quả chống COVID-19 và các biến thể của nó.
Theo Steinmetz, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tìm cách áp dụng công nghệ phát triển vaccine dựa trên thực vật và virus để đối phó với các loại virus mới trong tương lai.
Ngày 7/9, Liên đoàn các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho biết sẽ có đủ liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay để cung cấp cho dân số toàn cầu.
Công ty phân tích dữ liệu Airfinity (Anh) cho biết khoảng 1,5 tỉ liều vaccine được sản xuất mỗi tháng. Dự kiến, vào cuối năm 2021, sản lượng liều vaccine COVID-19 trên toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 12 tỉ liều.
Theo Airfinity, điều này có nghĩa là thậm chí nếu các nước giàu muốn tiêm vaccine cho mọi người từ 12 tuổi trở lên, thế giới vẫn sẽ có ít nhất 1,2 tỉ liều để phân phối cho các nước nghèo.
IFPMA nói tính đến giữa năm 2022, thế giới có thể có tới 24 tỉ liều vaccine, tức lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêm chủng cho dân số toàn cầu.